Hà Nội: Đo mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính

Thành phố Hà Nội khảo sát mức độ hài lòng của người dân với các thủ tục hành chính thuộc 4 lĩnh vực gồm đăng ký kinh doanh; khám chữa bệnh; cấp phép xây dựng; tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng.
Hà Nội: Đo mức độ hài lòng của người dân với dịch vụ hành chính ảnh 1Giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. (Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND về việc đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thành phố Hà Nội năm 2018 đối với các thủ tục hành chính thuộc 4 lĩnh vực gồm đăng ký kinh doanh; khám chữa bệnh; cấp phép xây dựng; tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng.

Theo kế hoạch, thời gian khảo sát từ tháng 7 đến hết tháng 10/2018.

[Thành phố Hà Nội tập trung nâng cao chỉ số cải cách hành chính]

Đại diện Ủy ban Nhân dân thành phố cho biết, kế hoạch nhằm đo lường mức độ hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước thành phố Hà Nội năm 2018; đồng thời đánh giá khách quan chất lượng cung ứng dịch vụ của cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, mục đích của kế hoạch còn nhằm nắm bắt nhu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức để có biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung ứng dịch vụ, từng bước nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước.

Đối tượng khảo sát là người dân, người đại diện tổ chức đã trực tiếp giao dịch và nhận kết quả giải quyết thủ tục hành chính trên địa bàn Hà Nội trong năm 2018 thuộc các lĩnh vực trên.

Đơn vị khảo sát đối với lĩnh vực khám chữa bệnh là Sở Y tế. Lĩnh vực đăng ký kinh doanh là Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các quận, huyện Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Oai. Lĩnh vực cấp phép xây dựng là Sở Xây dựng và các quận, huyện: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Trì, Hoài Đức, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Oai. Lĩnh vực tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng là Chi cục Tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng (Sở Khoa học và Công nghệ).

Các phương án khảo sát gồm, khảo sát tại bộ phận một cửa và khảo sát trên địa bàn. Trên cơ sở danh sách cá nhân, tổ chức đã hoàn thành giao dịch và nhận kết quả trong năm 2018, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội sẽ khảo sát bằng các hình thức trực tiếp và qua Bưu điện thành phố Hà Nội.

Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội là đơn vị chủ trì triển khai kế hoạch điều tra, khảo sát theo yêu cầu, tiến độ đề ra. Đơn vị cũng chủ trì, phối hợp Sở Nội vụ báo cáo kết quả khảo sát xác định chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính năm 2018 với Ủy ban Nhân dân thành phố đối với các nhóm dịch vụ hành chính đã khảo sát.

Hà Nội đang tiến tới xây dựng thành phố thông minh, đô thị thân thiện và đáng sống. Để làm được điều này, khối lượng công việc rất lớn và đòi hỏi phải có chiến lược lâu dài cũng như những giải pháp mang tính khả thi.

Thành phố quan tâm hàng đầu đến chất lượng nguồn nhân lực, không chỉ ở góc độ chuyên môn nghiệp vụ mà vấn đề ứng xử, giao tiếp, phục vụ nhân dân của cán bộ công chức được đặt ra cấp thiết.

Chính quyền thành phố mong muốn người dân đồng hành, chia sẻ khó khăn vướng mắc bằng việc lắng nghe ý kiến một cách khách quan, đúng mức độ và có tinh thần trách nhiệm cao trong đánh giá về mức độ hài lòng với chính quyền trên nhiều lĩnh vực. Từ đó, giúp chính quyền thành phố nắm bắt kịp thời, đúng bản chất, có biện pháp, giải pháp điều chỉnh kịp thời.

Tuy nhiên, việc đánh giá cũng cần có ý thức cao, tránh tình trạng vì quá bức xúc về một vấn đề gì đó hoặc chưa hài lòng về một đơn vị bất kỳ, từ đó đưa ra nhận xét thiếu khách quan, không mang tính xây dựng. Nếu đánh giá sai sẽ gây khó khăn trong quá trình nắm bắt nhu cầu của người dân để thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục