Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng

Vừa qua tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận hai bệnh nhi trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue, mạch nhanh, sốt cao liên tục, suy đa tạng, là trường hợp rất nặng.
Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng ảnh 1Người dân cần chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm khi thời tiết giao mùa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Thời gian gần đây, số trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết liên tục gia tăng tại nhiều tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, vừa qua tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận hai bệnh nhi trong tình trạng sốc sốt xuất huyết Dengue, mạch nhanh, sốt cao liên tục, suy đa tạng, là trường hợp rất nặng.

Sốc sốt xuất huyết nặng

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi nam N.T.L.M (15 tuổi) sốt cao liên tục 5 ngày, đã điều trị ở bệnh viện tuyến dưới nhưng không đỡ, phải chuyển lên tuyến trên. Trẻ nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mạch nhanh, sốt cao liên tục, được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết Dengue.

[Đắk Lắk ghi nhận trường hợp thứ 3 tử vong do sốt xuất huyết]

Thạc sỹ Phạm Văn Hưng - Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay trẻ được điều trị chống sốc theo phác đồ điều trị sốc sốt xuất huyết Dengue, bao gồm cả truyền dịch cao phân tử. Tuy nhiên tình trạng của bệnh nhi M. vẫn diễn biến xấu, sốc không cải thiện kèm theo suy hô hấp, tràn dịch màng phổi, dịch màng bụng số lượng nhiều.

Các bác sĩ phải xử trí đặt nội khí quản, thở máy, tiếp tục truyền dịch theo phác đồ, sử dụng vận mạch Adrenalin, Noradrenalin... Sau đó 2-3 giờ, tình trạng bệnh nhi đột ngột xấu đi, trẻ tím tái, huyết áp tụt, thở máy yêu cầu thông số rất cao nhưng trẻ vẫn tím, SpO2 chỉ 60-70%, hút nội khí quản có ít máu tươi.

Trước diễn biến nguy kịch của trẻ, cá bác sỹ đã chủ trì hội chẩn khẩn cấp. Ngay lập tức, bệnh nhi được chụp X-quang tim, phổi tại giường thì thấy bóng tim nhỏ, siêu âm tim thấy chức năng tim giảm nặng, chỉ số đánh giá chức năng bơm máu của tim EF chỉ còn 28-30%. Xác định đây là trường hợp bị biến chứng nặng của sốt xuất huyết Dengue, sốc, viêm cơ tim cấp, vấn đề đặt ra cho bác sĩ điều trị là phải cân nhắc giữa bù dịch nhanh trong sốc do huyết tương bị thoát mạch nhưng phải hạn chế dịch do viêm cơ tim cấp, chức năng tim giảm rất nặng.

Sau hơn 7 ngày điều trị, bệnh nhi bắt đầu giảm được vận mạch và thuốc trợ tim, trẻ ổn định dần, rút được nội khí quản, cắt được hết vận mạch trợ tim. Sau 1 tháng điều trị, bệnh nhi M. đã hồi phục hoàn toàn được xuất viện.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi T.T. (13 tuổi), cũng điều trị tại Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng suy đa cơ quan, nguy cơ tử vong rất cao. Các bác sĩ điều trị vừa phải cho bệnh nhân dùng thuốc trợ tim, vận mạch vừa phải truyền dịch chống sốc nhưng tốc độ dịch truyền chỉ còn 2/3 so với phác đồ và phải theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu quá tải dịch, các thuốc hỗ trợ gan truyền tĩnh mạch, truyền các yếu tố đông máu: Tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh. Sau đó, các bác sĩ hội chẩn đa chuyên khoa răng hàm mặt và tai mũi họng đến lần thứ 3 mới tìm ra điểm chảy máu ở lỗ mũi sau và nhét Merocel cầm máu.

Sau 6 ngày điều trị tích cực, bệnh nhi T. rút được nội khí quản, chức năng đông máu và các tạng cải thiện dần. Sau 20 ngày điều trị, bệnh nhi cũng được xuất viện với tình trạng khỏe mạnh bình thường.

Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng ảnh 2Hai bệnh nhi bị biến chứng nặng của sốt xuất huyết được cứu sống và xuất viện. (Ảnh: BVCC)

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết những ca bệnh sốt xuất huyết tại miền Bắc bắt đầu xuất hiện tăng lên nhưng ca bệnh nặng đã có ngay từ giai đoạn sớm. Hai ca bệnh có địa dư khác nhau, thời gian diễn biến bệnh khác nhau nhưng đều có các dấu hiệu tổn thương gan, tổn thương tim, rối loạn đông máu nặng, tràn dịch đa màng... khiến quá trình điều trị khó khăn.

"Có những thời điểm chúng tôi tưởng chừng không còn hy vọng nhưng với sự đồng lòng, nhất tâm tập trung trí tuệ, công sức và kết quả đạt được là cả hai cháu đều đã hồi phục hoàn toàn và được ra viện," bác sĩ Nguyễn Thành Nam chia sẻ.

Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, trong tháng Bảy, Thủ đô ghi nhận thêm 828 ca mắc cúm. Tuần qua thành phố ghi nhận gần 150 ca mắc, tăng 2,3 lần so với tuần trước. Bệnh nhân rải rác tại 26 quận/huyện.

Tổng số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội cộng dồn từ đầu năm đến nay là 608 ca - nhiều gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Tuýp virus Dengue lưu hành là DENV1 và DENV2.

Trong tuần trước, thành phố Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch mới tại quận Đống Đa, Thanh Oai, Thường Tín, Long Biên và Hoài Đức.

Cả nước ghi nhận hơn 145.000 ca mắc sốt xuất huyết

Bộ Y tế cho biết trong tuần qua (tuần 31), cả nước ghi nhận gần 8.800 ca mắc sốt xuất huyết, 3 trường hợp tử vong. So với tuần trước, số mắc giảm hơn 12%, trong đó số nhập viện là gần 6.600 ca, giảm 17,1% so với tuần trước đó.

So với các tuần trước đó, số mắc của tuần 31 có dấu hiệu chững lại, tuy vẫn ở mức cao. Tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên đã ghi nhận ca tử vong do sốt xuất huyết. So với cùng kỳ 2021, số mắc tăng 3,3 lần, tử vong tăng 39 trường hợp.

Một số tỉnh/thành phố ghi nhận nhiều trường hợp tử vong do sốt xuất huyết:

Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng ảnh 3

Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 145.536 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 53 trường hợp tử vong. Thành phố Hồ Chí Minh và Bình Dương ghi nhận nhiều trường hợp tử vong nhất, mỗi địa phương 10 ca, tiếp đến là Đồng Nai và Bình Thuận đều ghi nhận 5 ca/tỉnh, Tây Ninh (4 ca), Bình Phước (4 ca), số còn lại rải rác tại một số tỉnh, thành khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Vĩnh Long, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu...

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), trong 10 năm qua, tỉ lệ tử vong do sốt xuất huyết ở Việt Nam vẫn ở mức thấp trong khu vực. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là dịch COVID-19 kéo dài khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, ca tử vong năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái.

Các đơn vị y tế đã tiến hành phân tích 18 trường hợp trẻ tử vong do sốt xuất huyết để nhận định các đặc điểm, đưa ra các giải pháp để giảm tử vong. Qua đó ghi nhận 72,2% ca tử vong là trẻ thừa cân béo phì. Tỉ lệ nam/nữ tử vong là 11/7 (nam tử vong chiếm nhiều hơn nữ) và trẻ trên 6 tuổi chiếm 77,8%. Số ca bệnh nhập viện muộn là 6/18 trường hợp, chiếm 33,3%; chuyển viện không an toàn chiếm 21,4%.

Hà Nội ghi nhận nhiều trường hợp mắc sốt xuất huyết biến chứng nặng ảnh 4Người dân cần đổ bỏ nguồn nước trong lu không sử dụng để phòng muỗi đẻ trứng. (Ảnh: Hữu Chí/TTXVN)

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nên dành 10 phút mỗi tuần để vệ sinh, dọn dẹp nơi sinh sống, làm việc và thực hiện các biện pháp để không có lăng quăng gây bệnh sốt xuất huyết; Không cho muỗi tiếp xúc với nguồn nước bằng cách che, đậy kín vật chứa nước bằng vật liệu mà muỗi không bay qua được.

Người dân nên thả các loài động vật ăn lăng quăng như cá bảy màu, cá lia thia, bọ nước… vào các dụng cụ chứa nước để tiêu diệt lăng quăng. Cho các chất như muối ăn, vôi bột, bột giặt, dầu ăn… hoặc các hóa chất chuyên dụng như Temephos 1%, Pyriproxyfen 0.5%, Polydimethylsiloxane (PDMS) 78% vào các dụng cụ chứa nước, những khu vực dọng nước để tiêu diệt lăng quăng.

Trong công tác vệ sinh môi trường, các gia đình cần lật úp vật chứa, phá bỏ, đục lỗ, khơi thông dòng chảy, làm bằng phẳng các nơi bị đọng nước, che chắn không để các vật chứa nước bị đọng nước tạo môi trường thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục