Theo Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, hiện nay, hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau gây khó khăn cho công tác thanh tra, kiểm tra.
Để thực hiện có hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ nay cho đến cuối năm, nhất là thời điểm trước, trong và sau dịp lễ tết khi nhu cầu mua sắm tiêu dùng tăng cao, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội tăng cường công tác thanh kiểm tra theo kế hoạch; đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng của thành phố thanh tra, kiểm tra đột xuất đối với các tổ chức, cá nhân khi có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực nông nghiệp; xử lý nghiêm các vi phạm phát hiện được trong quá trình kiểm tra.
Cùng đó, phát hiện những bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật để kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thuộc lĩnh vực nông nghiệp...
Theo ông Tạ văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, do địa bàn thành phố rộng gồm 30 quận, huyện, thị xã, lực lượng mỏng, điều kiện trang thiết bị phục vụ thanh tra, kiểm tra còn hạn chế, vì vậy thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực nông nghiệp gặp không ít khó khăn.
Trong khi đó, hoạt động buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và gian lận thương mại ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau gây khó khăn cho thanh tra, kiểm tra.
Cùng đó, một số văn bản quy phạm pháp luật quy định đối với một số lĩnh vực vẫn còn chưa rõ ràng cụ thể trong lĩnh vực giống vật nuôi, thủy sản, thức ăn chăn nuôi… làm ảnh hưởng đến quá trình thanh tra, kiểm tra, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh.
Để đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, thú y, trồng trọt..., trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 300 tổ chức, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực này, phát hiện hơn 80 trường hợp vi phạm xử phạt hành chính hơn 2,626 tỷ đồng.
Theo Thanh tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội các lỗi vi phạm chủ yếu là vi phạm quy định về quản lý hồ sơ lâm sản trong vận chuyển, mua bán, cất giữ, chế biến lâm sản và vi phạm quy định chung về bảo vệ động vật; vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; vi phạm quy định trong sản xuất, buôn bán kinh doanh vật tư nông nghiệp (thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, phân bón)....
Ngoài ra, qua thanh kiểm tra cho thấy ý thức tuân thủ pháp luật của một số tổ chức, cá nhân chưa cao. Một số tổ chức, cá nhân tranh thủ dịp trước, trong và sau Tết nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân tăng cao để sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng.
Trong khi đó, việc vận chuyển, kinh doanh hàng hóa, thực phẩm, gia súc, gia cầm... không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ở các tỉnh, thành phố được vận chuyển về Hà Nội, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán để tiêu thụ vẫn diễn biến phức tạp, khó lường.
Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã kiểm tra 272 đơn vị và cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, thú ý, trồng trọt... phát hiện 66 trường hợp vi phạm xử phạt hành chính 1,586 tỷ đồng.
Để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm này, Thanh tra Sở còn phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra phát hiện 14 đơn vị và cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm vi phạm, xử phạt hành chính là 791 triệu đồng, buộc tiêu hủy 216kg thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng.
Ngoài ra còn có 14.221kg thực phẩm, 802kg hạt giống rau không rõ nguồn gốc xuất xứ, 92 lọ thuốc thú y quá hạn sử dụng; 52 lọ thuốc thú y không rõ nguồn gốc xuất xứ; tịch thu 70 cá thể thủy sản nguy cấp quý hiếm với tổng khối lượng 544,39kg...
Đặc biệt, Thanh tra Sở đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Hà Nội tiến hành kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động nuôi, nhốt, lưu giữ, trưng bày, buôn bán động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; các loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm tại Thủy Cung Lotte World Hà Nội (Lotte World Aquarium Ha Noi) thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lotte World Việt Nam.
Qua kiểm tra đã phát hiện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lotte World Việt Nam có hành vi mua bán, lưu giữ, bảo quản trái phép 342,39kg cá Hô, cá Vồ Cờ là loài thủy sản có tên trong nhóm I của danh mục loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm và 202kg cá Rồng khổng lồ là loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm có tên trong Phụ lục II của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật hoang dã nguy cấp mà không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Trên cơ sở đó đã trình Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt vi phạm hành chính số tiền 240 triệu đồng, tịch thu toàn bộ số thủy sản nêu trên đồng thời chuyển hồ sơ vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự cho Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Phòng Cảnh sát Kinh tế-PC03), Công an thành phố Hà Nội để xác minh, làm rõ./.
Hà Nội: Hơn 16% cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố vi phạm an toàn thực phẩm
Hàng hóa vi phạm thường là thực phẩm (bỏng gạo, bim bim, xúc xích, cánh gà...), thực phẩm đông lạnh, nội tạng động vật (kê gà, dạ dày lợn, óc lợn, nầm lợn, mỡ bò...).