Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán

Trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, sức mua trên thị trường đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 10-13% so với các tháng thường và tăng khoảng 10% so với Tết 2017.
Hàng Việt chiếm ưu thế trên thị trường trong dịp Tết Nguyên đán ảnh 1Ảnh chỉ mang tính mính họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo Bộ Công Thương, công tác chuẩn bị và phục vụ Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc và đầy đủ, các doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh có cơ hội quảng bá, giới thiệu, giao lưu, trao đổi mua bán hàng hoá.

Nguồn cung dồi dào

​Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), đ​ể phục vụ dịp Tết, trong quý I/2018, Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) có kế hoạch nhập khẩu 2,5 triệu tấn/m3 xăng dầu các loại, trong khi Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) cũng chuẩn bị hơn 2,26 triệu tấn/m3 xăng dầu các loại.

Riêng giá bán lẻ xăng dầu trong dịp Tết khá ổn định. Cụ thể, trong kỳ điều hành giá đầu tháng 2/2018, mặc dù giá thế giới tăng nhưng Liên Bộ đã sử dụng quỹ bình ổn để giữ ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước dịp Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, giá bán lẻ mặt hàng gas được điều chỉnh giảm 20.000 đồng/bình 12kg từ ngày 1/2/2018 do giá nhập khẩu giảm khá mạnh. Hiện giá bán lẻ gas dao động ở quanh mức 304.000 - 342.000 đồng/kg bình 12kg, tùy thương hiệu và nhà cung cấp.

​Trong khi đó, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đã chuẩn bị gần 1.450 tấn bánh kẹo các loại và trên 20 nghìn lít rượu vang... nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân dịp Tết.

"Các địa phương cũng đã làm tốt công tác vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt nên hàng Việt vẫn chiếm ưu thế trên thị trường, nhất là các mặt hàng thực phẩm, may mặc, đồ uống được người dân tin dùng," đại diện Vụ Thị trường trong nước cho hay.

​​Nói về ​công tác chuẩn bị hàng hóa, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, các doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng bánh mứt kẹo, rượu bia, nước giải khát đưa ra thị trường lượng hàng hóa trị giá khoảng 10.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất nhóm hàng bánh mứt kẹo, giò chả, miến, nông sản chế biến… cũng chuẩn bị nguồn hàng với tổng trị giá khoảng 2.200 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, việc cung cấp điện trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất cũng được đảm bảo đầy đủ và an toàn. Theo đó, từ ngày 14/2 đến hết ngày 20/2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phân công các đơn vị ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng xử lý các tình huống sự cố hệ thống điện, khôi phục cung cấp điện.

Căn cứ các số liệu thống kê, mặc dù công suất và sản lượng điện tiêu thụ tính trên cả nước vào dịp Tết đều giảm so với ngày thường, nhưng vẫn tăng khoảng 15% so với cùng kỳ nghỉ Tết năm trước.

"Trong dịp nghỉ Tết, công suất tiêu thụ điện cao nhất của toàn hệ thống tính trung bình ngày chỉ ở mức khoảng 18.800MW, sản lượng tiêu thụ điện ở mức khoảng 359 triệu kWh/ngày, thấp hơn 30% so với mức trung bình ngày của tuần trước kỳ nghỉ Tết," đại diện EVN cho hay.

- Biểu đồ giá một số mặt hàng thực phẩm dịp Tết:

Giá cả không nhiều đột biến sau Tết

Cũng theo Bộ Công Thương, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, sức mua trên thị trường đối với các nhóm hàng lương thực, thực phẩm hàng tiêu dùng tăng khoảng 10-13% so với các tháng thường và tăng khoảng 10% so với Tết năm 2017.

Tuy nhiên, với sự chuẩn bị chu đáo của các doanh nghiệp, cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá, thị trường trong dịp này vẫn được ổn định.

​Đơn cử, đối với mặt hàng gạo, do được chuẩn bị nguồn hàng từ trước và là mặt hàng được tiêu dùng thường xuyên nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng hoặc tăng giá bất hợp lý.

Cho biết rõ hơn, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, nguồn cung gạo năm nay tương đối dồi dào, ước lượng gạo dự trữ tăng khoảng 10-15% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là gạo tẻ chất lượng cao và gạo nếp.

​Không những vậy, nguồn cung gạo cho thị trường trong dịp Tết còn được bổ sung từ việc thu hoạch sớm vụ Đông Xuân tại các tỉnh phía Nam nên đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường và không xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu.

Cũng theo bà Nga, năm nay do giá nguyên liệu đầu vào không tăng nên giá các sác phẩm thực phẩm chế biến vẫn ổn định, trước Tết giá có tăng nhẹ nhưng không đáng kể, giá một số sản phẩm như giò chả, lạp xưởng, xúc xích... tương đương so với cùng thời điểm năm trước.

Trong khi đó, tại các thành phố lớn đều thực hiện Chương trình bình ổn thị trường theo hình thức xã hội hóa đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

Chính vì vậy, đến thời điểm sau Tết Nguyên đán, giá các mặt hàng thiết yếu không có biến động nhiều, thậm chí nhiều mặt hàng giá tương đương so với sát Tết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục