Hành trình “tìm bạn về” kỳ diệu của cựu học sinh trường Chu Văn An

Trong hành trình trả lại tên cho các liệt sỹ không chỉ có thân nhân, gia đình, đồng đội, mà còn có cả những người bạn thuở cắp sách tới trường lên đường "Tìm bạn về" như cựu học sinh Chu Văn An.
Hành trình “tìm bạn về” kỳ diệu của cựu học sinh trường Chu Văn An ảnh 1Những ngôi mộ chưa xác định danh tính tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Kiên Giang. (Ảnh: Nhóm Tìm bạn về)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng sự chia ly vì chiến tranh vẫn còn đó, trên khắp các nghĩa trang liệt sỹ cả nước có hàng trăm nghìn nấm mộ liệt sỹ vô danh, biết bao người chiến sỹ nằm xuống chưa được “trở về”. Trong hành trình trả lại tên cho các anh, các chị không chỉ có thân nhân, gia đình, đồng đội, mà còn có cả những người bạn thủa cắp sách tới trường đã tiễn các anh, các chị đi ngày ấy như câu chuyện “Tìm bạn về” của cựu học sinh lớp G, trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) niên khoá 1970-1973.


Nếu không phải bây giờ có thể sẽ không bao giờ

43 năm sau ngày ra trường gặp lại nhau ở cái tuổi các thành viên trong lớp đều đã về hưu, những cựu học sinh lớp G, trường Chu Văn An niên khóa 1970-1973 ngày ấy nhắc nhau tìm lại từng người còn, người mất. Họ bàn nhau phải cùng nhau kỷ niệm 60 tuổi bằng một hoạt động thật ý nghĩa. Một ý tưởng nảy ra mà tất cả thành viên trong lớp đồng ý, là đi tìm mộ hai bạn liệt sỹ của lớp. Nhóm “Tìm bạn về” ngay lập tức được thành lập và lên kế hoạch bắt đầu tìm kiếm.

Nhắc đến lý do khởi xướng việc tìm lại các bạn học là liệt sỹ đã mất tích, lớp trưởng lớp G, trường Chu Văn An ngày ấy, ông Bá Dũng nói: “Lý do đơn giản thôi, không phải là to tát, phức tạp. Tôi làm nhiệm vụ ‘làm mõ’ cho lớp nên thông tin các thành viên trong lớp tôi giữ. Thi thoảng giở ra đọc xem còn bạn nào, đang ở đâu thì phát hiện ra có những người còn sống chưa liên lạc được và có cả những người đã mất rồi vẫn chưa tìm thấy."

“Hai người bạn mất tích trong chiến tranh chúng tôi đã có thông tin lâu rồi nhưng lúc trước còn đi làm nên mới dừng ở việc hỏi thăm thông tin, giấy tờ, đơn vị của các bạn. Lúc họp 'LỚP G TUỔI 60,' tôi nghĩ ngay chỉ lúc mới về hưu này mọi người mới còn có sức để tìm lại các bạn ấy về, nếu không làm ngay bây giờ sau này có thể sẽ không còn có cơ hội nữa,” ông Bá Dũng bồi hồi.

Trong ký ức những cựu học sinh lớp G, trường cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội) 1970-1973, những ngày tháng học trò tinh nghịch như còn rất rõ ràng, những giờ học tự quản, kiểm tra bài tập, trốn học đi chơi, nhảy tàu điện... như mới ngày hôm qua. Liệt sỹ Đặng Trần Cảnh trong ký ức bạn học thời đó là một cậu thanh niên hiền lành, nghiêm túc, thích đánh đàn.

Năm 1972, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, liệt sỹ Đặng Trần Cảnh nghỉ học và xin vào trường lái xe của Bộ Thủy Lợi ở Thanh Hóa và tháng 9/1972 nhập ngũ từ đây, để rồi đi sâu vào chiến trường Nam Bộ.

Ông Nguyễn Quý Bình nhớ lại: “Trước ngày Cảnh nhập ngũ may mắn chúng tôi được gặp nhau. Cảnh hiền lành là thế nhưng khi quyết định lên đường cầm súng ra mặt trận rất nhiệt tình, hào hứng như những học sinh ngày ấy sôi sục quyết tâm ra trận với suy nghĩ đất nước lâm nguy nên sống đúng tinh thần của anh hùng Lê Mã Lương “Cuộc đời đẹp nhất là trên mặt trận chống quân thù”.

Cũng trong mùa Hè năm 1972 ấy, hàng nghìn thanh niên đủ từ 17 tuổi trở lên đến từ các trường học tại Hà Nội lên đường chiến đấu trong Chiến dịch Xuân Hè 1972. Liệt sỹ Vũ Duy Hùng, học sinh lớp 9G, trường Chu Văn An cũng là một trong những thanh niên Thủ đô lên đường nhập ngũ, rồi nhanh chóng ra chiến trường Quảng Trị khốc liệt.

Bà Hạ Hồng Hà kể rằng: “Ngày 6/1/1972 ấy, chúng tôi chia nhau đến các điểm tiễn các bạn lên được ra trận, ai cũng muốn chào tạm biệt được thật nhiều bạn… Tiễn các bạn đi mà khóc rất nhiều, xót xa vì các bạn quá trẻ, vì chiến tranh quá khốc liệt và vì có thể các bạn đi là không trở về nữa.”

Quyết tâm tìm lại những người bạn đã hy sinh khi chưa trong 18 tuổi và vẫn còn đang mất tích. Những người bạn học tìm đến gặp mẹ liệt sỹ Đặng Trần Cảnh, bà đã 94 tuổi, còn rất minh mẫn nhưng không còn khỏe. Khi đến thăm, là đã mấy tháng nay bà chỉ ăn cháo, ngồi cả ngày soi đèn pin viết bài khấn để cho con cháu sau này có đọc khấn bà thì gồm cả đoạn được dành khấn cho liệt sỹ Đặng Trần Cảnh.

Mẹ liệt sỹ Đặng Trần Cảnh nói: “Chú Cảnh chết trẻ quá, không biết chết nơi nào? Chả để lại hài cốt, cũng chả có vợ con...”. Hình ảnh người mẹ già yếu vẫn đau đáu thương nhớ về con trai khiến những người bạn cùng lớp xưa càng sôi sục quyết tâm đi tìm bạn.

Hành trình kỳ diệu

Bắt đầu hành trình “Tìm bạn về” với vẻn vẹn hai tờ giấy báo tử ghi: Liệt sỹ Vũ Duy Hùng E141 F312, hy sinh ngày 25/11/1972 tại mặt trận Quảng Trị, chôn tại nghĩa trang mặt trận và Liệt sỹ Đặng Trần Cảnh, bị viết tên thành Đặng Xuân Cảnh, hy sinh 18/8/1973 tại mặt trận phía Nam, đã mai táng tại nghĩa trang mặt trận. Hai gia đình cũng đã đi hỏi thăm nhưng cũng không có được thông tin gì hơn là Cảnh chiến đấu ở vùng Rạch Giá.

Hành trình “tìm bạn về” kỳ diệu của cựu học sinh trường Chu Văn An ảnh 2Nhóm Tìm bạn về đến các nghĩa trang liệt sỹ tại tỉnh Kiên Giang tìm kiếm mộ liệt sỹ Đặng Trần Cảnh. (Ảnh: Nhóm Tìm bạn về)

Trong hành trình tìm kiếm ấy, có những lúc tưởng nhưng như không còn chút dấu vết, thông tin nào nhưng những người bạn chưa lúc nào nghĩ đến việc từ bỏ.

Trong hai tuần nỗ lực tìm kiếm ở khắp nơi mà họ nghĩ là có thể có thông tin, từ Cục Chính sách Bộ Quốc phòng đến các kho tư liệu từ trên mạng, khảo sử chiến trận, thông tin về hệ thống nghĩa trang liệt sỹ, kết nối với các cựu chiến binh... Song, tin tức về những người bạn vẫn bặt vô âm tín.

May mắn thay, qua bạn bè, họ nhận được từ Trung tâm hỗ trợ thông tin các gia đình liệt sỹ Việt Nam “Liệt sỹ Đặng Trần Cảnh có hồ sơ tại quân khu 9, hy sinh tại Trạm phẫu T, số điện thoại ông Hiệp, trưởng ban liên lạc cựu chiến binh E20 phía Bắc”. Nhóm “Tìm bạn về” xin được thông tin về khu vực chiến trường xưa nơi liệt sỹ Đặng Trần Cảnh chiến đấu và hy sinh ở Kênh Hai Út, Rạch Giá (Kiên Giang) và quyết định lên đường tìm ở thực địa tại Kiên Giang.

Bà Hạ Hồng Hà kể lại, có đi tận nơi mới biết có tới 6 nghĩa trang liệt sỹ trong vùng Kênh Hai Út. Đợt đại quy tập hài cốt liệt sỹ năm 1983 từ rất nhiều vùng đất và hoàn cảnh di dời về các nghĩa trang mới và lớn của các huyện và của tỉnh làm việc tìm kiếm lại càng khó khăn hơn.

“Chúng tôi cố gắng xâu chuỗi các sự kiện, các đợt quy tập, quyết định cách làm là làm lễ tại đài liệt sỹ rồi 2 người soát bia mộ, 2 người nghiên cứu hồ sơ, đọc rồi chụp hết danh sách liệt sỹ. Đầu tiên là đến nghĩa trang huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, được biết nghĩa trang có khoảng 1.700 mộ mà dến 3/4 là vô danh vì mất thông tin do đợt quy tập năm1983…​,” cô Hạ Hồng Hà nói.

Rồi bà bảo, “đêm ở trong gian nhà trọ, viết báo cáo với lớp trên Viber kênh THÔNG TIN LỚP G là nhiều mộ vô danh lắm. Lớp ào lên dặn dò giữ sức khỏe và khấn gọi Cảnh chỉ đường... Tuy nhiên, không có giây phút nào chúng tôi nghĩ đến thất bại”.

Hôm sau, cả nhóm lại bàn bạc, phân tích khả năng tìm kiếm mộ rồi cùng cựu chiến binh E20 ông Phương Bình do ông Hiệp giới thiệu để giúp đỡ đoàn, di chuyển đến Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang tiếp tục tìm kiếm. Ông Trần Khả Năng, Người quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gò Quao ngay khi gặp đã trả lời “không có liệt sỹ tên Đặng Trần Cảnh ở đây và ở Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Kiên Giang cũng không có đâu!”.

Cuộc tìm kiếm tưởng chừng như hết dấu vết nhưng lại may mắn bất ngờ, khi nghe câu chuyện về mẹ già của Liệt sỹ Đặng Trần Cảnh, về câu chuyện những người bạn "Tìm bạn về", ông Năng quản trang lục tìm lại hộp tài liệu riêng của ông thì lại tìm thấy một tờ giấy vẽ sơ đồ nghĩa trang liệt sỹ ấp 6 Kim. Tờ giấy kẻ ô, viết tay, và ở hàng ngang 1 cột dọc thứ 6 có dòng chữ mất nét “Đặng Trần Cảnh, hs 23.9.73, qq Bưởi, HN.”

Theo bà Hạ Hồng Hà, “lúc ấy cả nhóm đờ ra nhìn vào tờ giấy, cảm giác như bạn mình đang ở đây, đang dẫn dắt nhau đi...”

Hoá ra, ông Trần Khả Năng nguyên là Phó phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Gò Quao. Năm xưa có việc về vùng Vĩnh Hòa Hưng Bắc, thấy ở xã có tấm sơ đồ nghĩa trang liệt sỹ ấp 6 Kim mà ông Tư Quắm, người chịu trách nhiệm chôn cất liệt sỹ và lập ra từ năm 1973 vẽ lại, ông Khả Năng photo và cất giữ lại cho đến giờ.

Cả nhóm chụp rõ bản sơ đồ đó và sơ đồ di chuyển mộ từ ấp 6 Kim về Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Kiên Giang. Tại nghĩa trang Liệt sỹ tỉnh Kiên Giang họ được ông Phan Đình Sáu, trưởng ban Quản lý Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Kiên Giang giúp đỡ tìm được cụm mộ được di chuyển từ nghĩ trang 6 Kim trùng với sơ đồ của ông Tư Quắm và cả danh sách di chuyển...

Hành trình “tìm bạn về” kỳ diệu của cựu học sinh trường Chu Văn An ảnh 3Cô Hà Mùi và mẹ liệt sỹ Đặng Trần Cảnh. (Ảnh: Nhóm Tìm bạn về)

Vậy là, khi trở về Hà Nội nhóm "Tìm bạn về" - lớp G trường Chu Văn An đã làm giúp mẹ liệt sỹ Cảnh làm hồ sơ xin xác định danh tính qua giám định ADN và xác định danh tính cho 118 liệt sỹ khác vốn cùng được chôn cất tại nghĩa trang 6 Kim và được di dời về Nghĩa trang liệt sỹ Kiên Giang cùng liệt sỹ Cảnh để đệ trình lên Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) xem xét.

Bà Hà Mùi thì nhớ mãi giây phút mẹ liệt sỹ Đặng Trần Cảnh nhận vào tay Bản Trích lục hồ sơ quân nhân của liệt sỹ Cảnh do nhóm Tìm bạn về xin cấp tại Quân khu 9 và Giấy Xác nhận tình trạng di dời hài cốt liệt sỹ từ Nghĩa trang liệt sỹ 6 Kim về Nghĩa trang liệt sỹ Kiên Giang, bà tươi tỉnh, khỏe mạnh, mừng vui như con bà sắp trở về.

Trong suốt hành trình tìm kiếm, niềm tin chắc chắc sẽ tìm lại được bạn mình khiến những cựu học sinh trường Chu Văn An ngày ấy đã không bỏ cuộc. Hình ảnh người mẹ già 94 tuổi chỉ còn ăn được cháo vẫn chờ con là động lực cho họ trên suốt cả hành trình, thương bạn bao nhiều họ càng thương mẹ bạn bấy nhiêu.

Và như may mắn kỳ diệu, những người đi tìm kiếm đã tìm thấy những thông tin quý báu từ Trung tâm hỗ trợ thông tin các gia đình liệt sỹ Việt Nam và gặp được những người quản trang nhiệt tình, chân thành đã giữ lại những manh mối quan trọng như chờ nhóm tìm đến.

Vẫn còn một người bạn chưa trở về, hành trình tìm kiếm vẫn chưa kết thúc. Nhưng chiến trường Quảng Trị khốc liệt đã giữ lại hàng nghìn chiến sỹ hy sinh mất xác, người bạn liệt sỹ của họ lại là một trong những liệt sỹ đã nằm lại chiến trường này. Thông tin càng tìm hiểu, hy vọng tìm kiếm càng mong manh nhưng nhóm "Tìm bạn về" sẽ lại tiếp tục hành trình và biết đâu điều kỳ diệu sẽ lại xảy ra một lần nữa./.

Ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: “Đã lấy được 127 mẫu hài cốt vô danh để xác nhận danh tính liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Kiên Giang và xét nghiệm đối chiếu với mẫu thân nhân gia đình Liệt sỹ Đặng Trần Cảnh. Những mẫu hài cốt này sẽ được phân tích và lưu trữ tại Viện pháp y quân đội, thân nhân gia đình liệt sỹ còn lại được quy tập cùng liệt sỹ Đặng Trần Cảnh cũng sẽ được mời đến để giám định ADN xác định danh tính.”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục