Hội nghị Trung ương 7: Cán bộ, đảng viên nêu nhiều ý kiến tâm huyết

Tại Lâm Đồng và Nghệ An, phóng viên TTXVN đã ghi nhận ý kiến của một số cán bộ, đảng viên về các Đề án quan trọng được Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII tập trung thảo luận, xem xét.
Hội nghị Trung ương 7: Cán bộ, đảng viên nêu nhiều ý kiến tâm huyết ảnh 1Quang cảnh cuộc họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII đang diễn ra, thu hút sự quan tâm theo dõi của cán bộ, đảng viên.

Tại Lâm Đồng và Nghệ An, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã ghi nhận ý kiến của một số cán bộ, đảng viên về các Đề án quan trọng được Hội nghị Trung ương 7 Khóa XII tập trung thảo luận, xem xét.

Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực, phẩm chất và uy tín

Đảng viên Nguyễn Đức Vũ, Trưởng phòng Tổ chức biên chế, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng quan tâm đến Đề án Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Trong giai đoạn 2015-2018, tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc rà soát sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các đơn vị, qua đó khắc phục tình trạng chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý. Đồng thời các đơn vị tổ chức rà soát, sắp xếp lại bộ máy, giảm đầu mối phù hợp với thực tế địa phương.

Trong quá trình thực hiện Nghị định 108 của Chính phủ, Lâm Đồng đã tinh giản được 306 người trong tổng kinh phí thực hiện 31 tỷ đồng. Tỉnh có đề án thực hiện tinh giản biên chế giai đoạn 2018-2021, sẽ giảm biên chế 283 người trong tổng số biên chế được giao năm 2014 là 2.820 người, đạt 10,04%.

Đối với khối sự nghiệp, tỉnh sẽ giảm 2.919 người trong tổng số 29.045 số lượng người làm việc, bằng 10,05%. Lộ trình đến năm 2025, tỉnh Lâm Đồng giảm 10% số đầu mối đơn vị so với năm 2015. Trong đó, ngành giáo dục và đào tạo rà soát lại hệ thống trường học, sáp nhập các cấp học vào một đơn vị trường tại những địa phương cụ thể.

Ngành y tế thành lập Trung tâm kiểm soát bệnh tật, sáp nhập năm trung tâm vào trung tâm này để giảm số lượng các đầu mối đơn vị.

Theo ông Nguyễn Đức Vũ, việc thực hiện nội dung sắp xếp lại các đơn vị, tổ chức, tinh giản biên chế là hết sức cần thiết, cần sớm tổ chức thực hiện, vì số người làm việc giao cho các đơn vị quá lớn, khiến cho tính tự chủ chưa cao. Muốn giảm số người làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước, cần lựa chọn những người có trình độ năng lực và tính kỷ luật cao; từ đó phát huy khả năng của mỗi cá nhân, tính cạnh tranh trong cơ quan, đơn vị, để nâng cao hiệu quả công việc, giảm gánh nặng ngân sách.

Qua thực hiện tinh giản bộ máy, cơ quan nhà nước mới có cơ chế chuyển đổi tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức phù hợp. Hiện số người làm việc phụ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước quá lớn. Số đơn vị tự chủ được nguồn tài chính của mình rất ít. Việc thực hiện Đề án trên sẽ giảm thiểu số người hưởng lương nhà nước, từ đó làm cơ sở nâng lương cho cán bộ trong thời gian tới phù hợp.

[Hội nghị Trung ương 7 thảo luận về xây dựng cán bộ cấp chiến lược]

Ông Nguyễn Long, hội viên cựu chiến binh, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, cho hay thời gian qua, trong công tác cán bộ, Đảng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và đổi mới công tác đào tạo, quy hoạch, luân chuyển, thi tuyển. Ở các địa phương cấp xã, đội ngũ cán bộ đang được nâng cao về chất lượng, trẻ hơn và được đào tạo bài bản hơn trước. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bổ nhiệm không bảo đảm tiêu chuẩn, không đúng quy trình; nạn chạy chức, chạy quyền và những bất cập trong công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển cán bộ vẫn còn nhiều.

Ở Nghệ An vẫn còn tình trạng cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm khi tuổi còn quá trẻ, kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều, trình độ chuyên môn chưa cao, không đặc biệt xuất sắc; trong đó, có cả những người được bổ nhiệm là con của lãnh đạo nên đã gây hoài nghi, dư luận đặt nhiều câu hỏi.

Ông Nguyễn Long đề nghị Trung ương và các địa phương, các ngành chức năng sớm tìm giải pháp khắc phục những hạn chế, thiếu sót, bất cập của công tác cán bộ trong thời gian tới. Mặt khác, cũng cần sớm đổi mới công tác cán bộ, gắn với mục tiêu tinh giản, làm trong sạch và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị. Đồng thời, cần sớm giảm một số biên chế và những đối tượng được hưởng phụ cấp ở cấp xã, xóm.

Cần sớm thực hiện cải cách chính sách tiền lương

Theo đảng viên Lê Quang Huy, Trưởng phòng Lao động tiền lương và Bảo hiểm xã hội, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng, đề án Cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp là đề án rất cần thiết, cần sớm được thực hiện để phát triển đất nước, phù hợp với thời kỳ đổi mới hiện nay.

Trong hàng chục năm qua, chế độ tiền lương xuất hiện những bất cập, không theo kịp xu thế hội nhập quốc tế. Chính sách, chế độ tiền lương cũ chưa thể hiện rõ ràng giữa với sự cống hiến và thụ hưởng. Chế độ lương cũng chưa phân biệt giữa lãnh đạo và nhân viên, cụ thể có những chuyên viên hưởng lương cao hơn lãnh đạo.

Trong Đề án này, đã có những thay đổi mang tính tích cực như thể hiện rõ chức vụ nào ăn lương đó. Trong hệ thống thang lương của cán bộ, công chức và người lao động, trong lực lượng vũ trang cũng thể hiện rạch ròi giữa nhiệm vụ phải làm và tiền lương được thụ hưởng với từng đối tượng cụ thể theo quy định. Đối với các doanh nghiệp, đề án này không can thiệp sâu vào vấn đề tiền lương, để doanh nghiệp tự chủ, chi trả lương cho người lao động, xứng đáng với công sức bỏ ra. Nếu Đề án được đưa vào thực hiện, sẽ phát huy được tài năng và sự cống hiến của người lao động; đồng thời khắc phục các hành vi tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức do thu nhập đã đảm bảo được mức sống cần thiết.

Hội nghị Trung ương 7: Cán bộ, đảng viên nêu nhiều ý kiến tâm huyết ảnh 2Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)


Để thực hiện đề án này, cần cải tổ bộ máy cơ quan, đơn vị hưởng ngân sách nhà nước, từ các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và hệ thống chính trị. Bởi thực tế hiện nay, số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đông đảo, nhưng hiệu quả công việc chưa cao.

Theo ông Lê Quang Huy, mức lương giữa các chức vụ Trưởng phòng, Chi cục trưởng, Phó Giám đốc các sở, ngành cần điều chỉnh cho phù hợp. Ví dụ, mức lương của Chi cục trưởng chỉ nên để ở mức 13 triệu đồng, thay vì mức 14 triệu đồng như đề án đưa ra. Hoặc chế độ thâm niên của lãnh đạo nên tính theo từng năm, thay vì 5 năm được hưởng 10%, nên để mỗi năm hưởng 2%. Bởi nếu người đó luân chuyển công tác sang vị trí khác trong khi chưa đủ 5 năm, sẽ mất quyền lợi của những năm trước.

Theo ông Trần Ngọc Anh, công tác trong ngành giao thông tỉnh Nghệ An, những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn có những giải pháp quan tâm đến đời sống cán bộ, công chức viên chức, người lao động. Tuy nhiên, trước những khó khăn chung của đất nước và những bất cập khác nên hiện thu nhập từ lương chưa bảo đảm được cuộc sống của người lao động. Mặt khác, hệ thống thang, bảng lương chưa phù hợp.

Ngay trong ngành giao thông, thu nhập từ lương của công nhân đi làm trên 20 năm tùy vị trí, công việc nhưng cũng chỉ giao động từ 6-10 triệu đồng/tháng. Với đồng lương này không thể đáp ứng được nhu cầu học hành của con cái và những chi tiêu tối thiểu khác trong gia đình. Từ thực tế này, ông Trần Ngọc Anh mong Đảng, Nhà nước sớm cải cách triệt để chính sách tiền lương, ưu tiên nhiều hơn cho đội ngũ công nhân, những người không có phụ cấp chức vụ hoặc không có các khoản thu nhập khác ngoài lương. 

Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội

Đảng viên Trần Văn Sơn, Trưởng phòng Quản lý thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh Lâm Đồng, quan tâm đến Đề án Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Đề án nếu được thực hiện sẽ góp phần tăng lên tỷ lệ tham gia bảo hiểm xã hội, trong đó biện pháp trọng tâm là xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội với chương trình hưu trí đa tầng nhằm tăng diện bao phủ, đồng thời tạo điều kiện cho người về hưu có điều kiện đa dạng hóa các nguồn lương hưu. Với mô hình bảo hiểm xã hội đổi mới này, mọi đối tượng trong độ tuổi lao động và người có tuổi đều có thể tham gia, không có giới hạn.

Về nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội thấp (Lâm Đồng chỉ đạt 11,5%) là do các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hộ gia đình chủ yếu làm nghề nông nghiệp hoặc dịch vụ, có thời gian làm việc không ổn định nên không tham gia bảo hiểm xã hội; không thu hút được lao động từ địa phương khác đến làm việc trong các khu công nghiệp. Một bộ phận người lao động có nhận thức “nếu đóng bảo hiểm xã hội sau 20 năm mới được hưởng trợ cấp thì thời gian dài quá” nên không tham gia.

Một vấn đề khác cũng cần được nghiên cứu là đối với những người có thu nhập cao muốn đóng bảo hiểm xã hội cao để hưởng tiền cao sẽ tạo nên chênh lệch thu nhập, tạo bất bình đẳng trong xã hội. Trong khi đó, mức độ thông tin truyên truyền đến người dân, nhất là vùng sâu vùng xa còn thấp; nhiều doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không kiểm chứng được lao động đang làm việc tại doanh nghiệp do thay đổi địa chỉ...

Vì vậy, theo ông Trần Văn Sơn cần có cơ chế linh hoạt đối với cán bộ thực hiện công tác bảo hiểm xã hội; phương thức đóng bảo hiểm xã hội cần nhanh gọn về thủ tục; tăng cường phối hợp với chi cục thuế để yêu cầu doanh nghiệp phải tham gia bảo hiểm xã hội; tăng cường công tác thanh tra.

Còn theo chị Trần Thị Hằng, giáo viên ở thành phố Vinh (Nghệ An), thời gian qua, việc triển khai thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội đã có nhiều thành công, đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội và những người tham gia. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm xã hội chưa đạt được mục tiêu; chính sách bảo hiểm đang tồn tại nhiều bất cập, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động.

Hội nghị Trung ương 7 đưa vấn đề cải cách chính sách bảo hiểm xã hội vào bàn thảo là việc làm cần thiết, đáp ứng được mong đợi của xã hội, trong đó có việc rút ngắn điều kiện thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu và quan tâm đến đối tượng nông dân, người nghèo trong xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục