Hồi ức về nhà báo Hứa Kiểm, người tác nghiệp trên 'cung đường lửa'

Nhà báo Hứa Kiểm từng nói rằng làm phóng viên chiến trường là phải biết lăn xả, phải chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận hy sinh thì mới có được những bức ảnh tốt.
Hồi ức về nhà báo Hứa Kiểm, người tác nghiệp trên 'cung đường lửa' ảnh 1Nhà báo Hứa Kiểm để lại một di sản ảnh tư liệu to lớn về chiến tranh. (Ảnh: Mai Phạm/Vietnam+)

Theo thông tin từ ông Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, nhà báo lão thành Hứa Kiểm, phóng viên thông tấn quân sự, nhà báo chiến trường nổi tiếng một thời của đất nước đã ra đi.

Nhà báo Trần Mai Hưởng bày tỏ sự bất ngờ và thương tiếc: “Dù biết đây là điều khó tránh khỏi khi anh tuổi cao, bệnh trọng nhưng tôi vẫn cảm thấy rất đột ngột. Dịp 30/4 vừa rồi, trò chuyện với tôi, anh vẫn say sưa nói về những dự định và ôn lại những kỷ niệm chúng tôi cùng trải qua. Tôi vẫn cảm nhận được nhiều khát khao và tâm huyết ở người cầm máy đã 84 tuổi mà tôi đã từng có nhiều gắn bó.”

Xung kích trên nhiều chiến trường

Nhà báo Hứa Kiểm (tên thật là Hứa Thanh Kiểm) sinh năm 1938 ở Lạng Sơn. Năm 1953, khi đang ngồi trên ghế nhà trường, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, người thanh niên ấy đã viết đơn tình nguyện lên đường nhập ngũ. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hứa Kiểm được đơn vị cử đi học, sau đó về làm giáo viên văn hóa của Tổng cục Chính trị. Năm 1964, đế quốc Mỹ đánh phá miền Bắc, ông lại viết đơn xung phong ra trận.

Đầu năm 1966, sau khi được đào tạo nghiệp vụ báo chí, ông nhận công tác tại tổ ảnh chiến sự của Việt Nam Thông tấn xã, thực hiện nhiệm vụ trực chiến ở các trận địa pháo cao xạ tại những trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ như: Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy gang thép Thái Nguyên, cầu Phú Lương (Hải Dương)...

Hồi ức về nhà báo Hứa Kiểm, người tác nghiệp trên 'cung đường lửa' ảnh 2Nhà báo Hứa Kiểm (thứ hai từ phải sang) cùng các phóng viên thông tấn quân sự Hồng Thụ, Hoàng Thiển và Trần Mai Hưởng tại phòng truyền thống Thông tấn xã Việt Nam năm 2015. (Ảnh: Nhà báo Trần Mai Hưởng cung cấp)

Cuối năm 1966, ông được phân công thường trú tại Vĩnh Linh (Quảng Trị). Từ đó, ông thường xuyên được phân công chụp các trận đánh lớn, chiến dịch quan trọng. Từ 1970, ông đi cùng quân dân Campuchia chụp ảnh các trận đánh. Năm 1971-1972, ông lại trực chiến thường xuyên ở các trận địa cao xạ, tên lửa, không quân, hải quân, lăn lộn với binh chủng tăng, thiết giáp ở miền Bắc.

Mùa Xuân năm 1975, Hứa Kiểm được phân công vào Tổ tin, ảnh mũi nhọn của Thông tấn xã Việt Nam đi cùng Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào giải phóng Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Bốn năm sau, ông trở lại Campuchia ghi lại hình ảnh về cuộc đấu tranh chống diệt chủng ở nước bạn.

[“Với phóng viên chiến trường, càng gian khổ càng vinh quang"]

Nhà báo Hứa Kiểm từng nói: “Làm phóng viên chiến trường là phải biết lăn xả, phải chấp nhận nguy hiểm, chấp nhận hy sinh thì mới có được những bức ảnh tốt. Chỉ có vào những chỗ gian khổ nhất, mới có thể có được vinh quang.”

Trong suốt sự nghiệp của mình, ông luôn trăn trở làm thế nào có thể truyền tải những hình ảnh chân thực nhất của cuộc chiến, có những bức ảnh chất lượng gửi về cơ quan, góp phần cổ động các tầng lớp nhân dân…

Hồi ức về nhà báo Hứa Kiểm, người tác nghiệp trên 'cung đường lửa' ảnh 3Nhà báo Hứa Kiểm gặp gỡ với người dân trên đường phố Sài Gòn sáng 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Sau những chuyến “lăn xả” đó, nhà báo Hứa Kiểm mang về cho cơ quan hàng ngàn bức ảnh tư liệu vô cùng quý giá, trong đó có bộ ảnh về “cung đường lửa” kéo dài khoảng 10km từ Tây Quảng Bình đến biên giới Việt-Lào.

Bộ ảnh “Đường 20 Quyết thắng” gồm năm ảnh: “Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe,” “Vượt lầy,” “Chiến sỹ lái xe Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, vượt cung đường 20 Quyết thắng,” “Mở đường qua ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ,” và “Cua chữ A - một trọng điểm trong cụm liên hoàn ATP.”

Bộ ảnh đã “kể” cho công chúng của nhiều thế hệ sau này biết được những khó khăn, gian khổ, những nỗ lực vượt khó và chiến tích phi thường của chiến sỹ ta ngày ấy và được nhận giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (lĩnh vực nhiếp ảnh) năm 2016.

Sinh thời, nhà báo Hứa Kiểm tâm niệm: “Mình đã hoàn thành nhiệm vụ, còn những bức ảnh ấy thuộc về cuộc chiến, thuộc về những người trong ảnh.”

Hồi ức những ngày vào sinh ra tử

Nguyên phóng viên ảnh Chu Chí Thành là người từng có nhiều năm gắn bó, cùng trải qua sự ác liệt trên chiến trường với nhà báo Hứa Kiểm. Nhớ về người bạn, người đồng nghiệp của mình, nhà báo Chu Chí Thành cho rằng Hứa Kiểm luôn sống hồn nhiên, khiêm tốn, vui vẻ. không bao giờ nề hà khó khăn nguy hiểm, không ngại chiến dịch gần hay xa.

“Ông lăn lộn với các binh chủng Bộ binh, Tăng thiết giáp, Phòng không-Không quân, Hải quân, Công binh, Thanh niên xung phong, Dân quân tự vệ…Ông là người đi suốt cuộc chiến từ Bắc vào Nam, từ Lào tới Campuchia. Hàng ngàn tấm phim ảnh về chiến tranh do Hứa Kiểm chụp đều được lưu trữ tại Kho tư liệu ảnh Thông tấn xã Việt Nam,” nhà báo Chu Chí Thành cho biết.

Hồi ức về nhà báo Hứa Kiểm, người tác nghiệp trên 'cung đường lửa' ảnh 4Tác phẩm: Chiến sỹ Lê Văn Bạch, giáo viên xung phong vào chiến trường, lái xe vượt Đường 20 Quyết thắng.

Nhớ về bộ ảnh “Đường 20 Quyết thắng,” ông chia sẻ rằng năm 2013, chính ông đã cùng nhà báo Hứa Kiểm chọn ra những bức ảnh này để tham dự festival ảnh báo chí quốc tế tại Pháp.

“Năm 2014, bộ ảnh đã được trưng bày trang trọng tại Festival diễn ra ở thành phố Perpignan, miền Nam nước Pháp. Bức ảnh ‘Công binh vượt lầy’ được phóng to khoảng 40-50m2,” ông cho biết.

Nguyên phóng viên chiến trường Đinh Quang Thành cũng đã từng cùng nhà báo Hứa Kiểm, Chu Chí Thành, Lâm Hồng Long, Trần Mai Hưởng tác nghiệp tại chiến trường miền Nam năm 1975. Thời điểm đó, hai phóng viên Đinh Quang Thành và Hứa Kiểm đi cùng nhau từ Hà Nội rồi vào đến Đà Nẵng thì “hội quân” cùng những người khác.

Hồi ức về nhà báo Hứa Kiểm, người tác nghiệp trên 'cung đường lửa' ảnh 5Tác phẩm: "Công binh vượt lầy."

Chia sẻ với phóng viên VietnamPlus, ông không giấu được sự ngậm ngùi, xúc động khi nhớ về những kỷ niệm cũ cùng người đồng đội vào sinh ra tử.

“Từ Hà Nội, chúng tôi lên đường với hành trang là thiết bị, máy ảnh cùng 50kg gạo được cơ quan cấp cho. Có gạo nhưng không có nồi niêu, chúng tôi bỏ gạo và nước vào càmên (gamelle, cặp lồng cơm) rồi bỏ dưới nắp capô ô tô. Khi xe chạy thì máy nóng lên, làm chín cơm,” ông kể.

Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là khi theo đoàn quân giải phóng qua cầu Thị Nghè, người dân nô nức ra đón các chiến sỹ rất đông. Lúc đó, phóng viên Đinh Quang Thành xuống xe trước để chụp ảnh, người dân hồ hởi tiến lại gần với những món quà trên tay, bao thuốc, gói kẹo… nhưng ông Đinh Quang Thành không để ý vì còn mải chụp ảnh. Từ trên xe, nhà báo Hứa Kiểm ghi lại được hình ảnh ấy.

Hồi ức về nhà báo Hứa Kiểm, người tác nghiệp trên 'cung đường lửa' ảnh 6Tác phẩm: "Lễ tuyên thệ quyết tâm vượt cung đường lửa của những chiến sỹ lái xe."

Bức ảnh đó trở thành một kỷ niệm đẹp trong cuộc đời phóng viên chiến trường mà ông luôn trân trọng. Giờ đây, khi người đồng đội đã đi xa, bức ảnh lại có thêm một tầng ý nghĩa đối với nhà báo Đinh Quang Thành.

“Đêm ngày 28/4/1975, chúng tôi còn cùng nhau đi đào hố để chôn xác những chiến sỹ hy sinh. Tôi và Hứa Kiểm đã từng sống chết có nhau, nay nghe tin anh ra đi, tôi vô cùng xúc động,” nhà báo Đinh Quang Thành chia sẻ.

Với nhà báo Trần Mai Hưởng, ông không bao giờ quên hình ảnh người phóng viên có dáng vóc cao lớn và hiền hoà, dũng cảm, dày dạn trận mạc, xông xáo và rất tháo vát – nhà báo Hứa Kiểm.

“Anh và các đàn anh như Vũ Tạo, Lâm Hồng Long, Đinh Quang Thành là chỗ dựa tin cậy cho một phóng viên trẻ như tôi trong những tháng ngày thử thách gian nan,” ông nói.

Hồi ức về nhà báo Hứa Kiểm, người tác nghiệp trên 'cung đường lửa' ảnh 7Tác phẩm: "Mở đường tại Ngầm Tà Lê sau trận bom của máy bay B52 Mỹ."

Trong bài thơ "Những con đường Thông tấn," nhà báo Trần Mai Hưởng đã viết:

“Những con người thầm lặng hy sinh

Vì danh xưng chung - Người phóng viên thông tấn

Những người chép sử bằng máu mình trong lửa đạn

Trên mỗi nẻo đường chiến tranh.”

Với những đóng góp xứng đáng của mình, nhà báo Hứa Kiểm là một thành viên trong đội ngũ ấy, di sản ông để lại sẽ còn mãi song hành cùng những trang tư liệu về lịch sử hào hùng của dân tộc, như nhà báo Trần Mai Hưởng cảm thán: “Anh Hứa Kiểm ơi, xin anh hãy ra đi thanh thản. Cuộc đời của mỗi con người là hữu hạn. Nhưng những bức ảnh của anh sẽ sống mãi với thời gian"./.

Nhà báo Hứa Kiểm (1938-2021)

Quá trình công tác:

1953-1959: Chiến sỹ E83.F335 Tây Bắc
19640-1964: Giáo viên Văn hóa Quân đội
1964-1989: Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam
1989: Nghỉ hưu.

Khen thưởng:

Huân chương Quân công hạng Ba (1981), Huy chương Chiến thắng hạng Hai (1960), Huy chương Quân kỳ quyết thắng (1981), Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, hạng Hai, hạng Ba (1960), Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2016).

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục