Indonesia công bố danh sách thuốc không có tác dụng điều trị COVID-19

Hiệp hội bác sỹ Indonesia công bố 5 loại thuốc không hiệu quả trong điều trị COVID-19 gồm: Ivermectin, Chloroquine, Oseltamivir, Azithromycin và huyết tương của người mắc trong giai đoạn hồi phục.
Indonesia công bố danh sách thuốc không có tác dụng điều trị COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bandung, Tây Java, Indonesia. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 7/2, Hiệp hội bác sỹ Indonesia (IDI) công bố danh sách một số loại thuốc không có tác dụng trong việc điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19, thậm chí còn gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, người đứng đầu Lực lượng đặc nhiệm COVID-19 thuộc Ban điều hành IDI Zubairi Doerban, cho biết 5 loại thuốc không hiệu quả trong điều trị COVID-19 hiện nay gồm: Ivermectin, Chloroquine, Oseltamivir, Azithromycin và huyết tương của người mắc trong giai đoạn hồi phục.

Ông Zubairi giải thích Ivermectin là loại thuốc điều trị ký sinh trùng như giun, chấy, do vậy, việc sử dụng Ivermectin cho bệnh nhân COVID-19 không được Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận.

Thực tế, nhiều báo cáo ghi nhận trường hợp bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện sau khi dùng Ivermectin.

[Tổng thống Indonesia nêu quan điểm về biến thể Omicron]

Trong khi đó, Chloroquine là thuốc trị sốt rét, do vậy, việc sử dụng loại thuốc này cho bệnh nhân COVID-19 vừa không có hiệu quả trong diệt virus SARS-CoV-2, vừa có thể gây tác dụng phụ cho tim mạch.

Oseltamivir là thuốc kháng sinh sử dụng trong trị bệnh cúm A và cúm B.

Hiện không có bằng chứng khoa học nào cho thấy loại thuốc này tiêu diệt được virus SARS-CoV-2.

Tương tự, Azithromycin là thuốc kháng sinh không có kháng virus SARS-Covid-2, cả ở mức độ nhẹ đến trung bình.

Phương pháp miễn dịch thụ động bằng cách sử dụng huyết tương của người mắc COVID-19 để điều trị cho người mắc mới cũng được IDI khuyến cáo không có tác dụng trong điều trị COVID-19.

Ông Zubairi cũng cho biết thêm phương pháp nghiên cứu này cũng rất tốn kém và mất nhiều thời gian.

Số ca mắc COVID-19 tại Indonesia đã tăng cao trở lại từ tháng Một. Ngày 6/2, số ca mắc mới trong ngày tại nước này lên đến 36.057 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Bộ Giao thông Vận tải Indonesia vừa ban hành quy định mới đối với công dân nước này và người nước ngoài xuất nhập cảnh bằng đường không với mục đích du lịch, trong nỗ lực kiểm soát và ngăn chặn đại dịch COVID-19.

Quy định có hiệu lực từ ngày 3/2, theo đó công dân Indonesia và người nước ngoài xuất nhập cảnh với mục đích du lịch không được sử dụng Sân bay Soekarno Hatta - sân bay lớn nhất của Indonesia nằm ở ngoại ô thủ đô Jakarta.

Trong một tuyên bố ngày 6/2, Vụ trưởng Hàng không dân dụng Novie Riyanto cho biết các đối tượng trên chỉ được phép đi qua 3 sân bay gồm I Gusti Ngurah Rai ở Bali, Hang Nadim ở Batam, và Raja Haji Fisabilillah ở Tanjung Pinang.

Người nước ngoài nhập cảnh du lịch phải trình thị thực du lịch ngắn hạn hoặc giấy phép nhập cảnh khác theo quy định hiện hành và có bảo hiểm y tế với giá trị thanh toán tối thiểu 25.000 USD, cũng như cung cấp bằng chứng đặt phòng và thanh toán tiền phòng khi lưu trú tại Indonesia.

Ông Novie cho biết Bộ Giao thông Vận tải sẽ giám sát các nhà khai thác hàng không và các du khách liên quan. Các hãng hàng không sẽ phải cung cấp danh sách hành khách, phi hành đoàn cho lực lượng chức năng ở sân bay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục