Indonesia khó đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045

Nếu không thực hiện kinh tế xanh, thu nhập bình quân đầu người của Indonesia không đạt được mục tiêu mong muốn là 12.000-13.000 USD, điều khó có thể giải phóng Indonesia khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Indonesia khó đạt mục tiêu trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045 ảnh 1Một tuyến phố ở thủ đô Jakarta, Indonesia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giám đốc Môi trường thuộc Bộ Kế hoạch Phát triển Quốc gia Indonesia  Medrilzam ngày 6/1 nhấn mạnh nếu Indonesia không thực hiện nền kinh tế xanh thì mục tiêu đưa Indonesia trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 của Tổng thống Joko Widodo (Jokowi) sẽ khó đạt được.

Điều này là do nền kinh tế xanh với tư cách là một mô hình phát triển có thể ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu, hủy hoại môi trường và gây hại cho Indonesia.

Ông Medrizal nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi tiếp tục kinh doanh như bình thường (không có thay đổi) thì điều này sẽ làm tăng lượng khí thải, mặc dù cường độ phát thải khí nhà kính của nước này đã giảm xuống, nhưng có vẻ như lượng phát thải dự kiến sẽ bị chi phối bởi ngành năng lượng và điều này cần được giải quyết đúng cách."

Mặt khác, nếu không thực hiện nền kinh tế xanh, thu nhập bình quân đầu người của Indonesia sẽ không đạt được mục tiêu mong muốn là 12.000 USD hoặc 13.000 USD, điều khó có thể giải phóng Indonesia khỏi bẫy thu nhập trung bình.

[Indonesia phân bổ gần 1 tỷ USD để phục hồi kinh tế trong năm 2022]

Cũng theo ông Medrizal, để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, mô hình kinh doanh thông thường với tốc độ tăng trưởng kinh tế 5% mỗi năm không thể thúc đẩy thu nhập bình quân đầu người của Indonesia.

Do vậy phải tham vọng hơn nữa để theo đuổi tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình 6% mỗi năm, một trong số đó là thông qua nền kinh tế xanh và carbon thấp.

Nền kinh tế xanh này có thể khuyến khích tạo việc làm và đầu tư xanh mới. Nền kinh tế xanh cũng phải được thực hiện với sức mạnh tổng hợp của các bên khác nhau để huy động đầu tư, cả với giới kinh doanh và chính quyền địa phương.

Đầu tư xanh vào nền kinh tế tuần hoàn có thể tạo ra 4,4 triệu việc làm mới ở nước này vào năm 2030, trong đó khoảng 75% tương đương 3,3 triệu việc làm cho lao động nữ.

Ngoài việc tạo ra việc làm, đầu tư xanh trong một nền kinh tế tuần hoàn cũng có thể làm tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Indonesia lên 638.000 tỷ rupiah vào năm 2030.

Nền kinh tế tuần hoàn cũng được cho là sẽ giảm lượng chất thải từ 18% đến 52% so với kinh doanh thông thường vào năm 2030, do đó góp phần giảm phát thải khí nhà kính 126 triệu tấn CO2.

Trên thực tế, một số quốc gia đã bắt đầu tuyên bố rằng hầu hết các sản phẩm của họ được sản xuất từ quy trình kinh tế xanh. Do vậy, các tiến trình chuyển đổi kinh tế xanh do chính phủ thiết kế đều có thể đạt được, đặc biệt là trong điều kiện theo đuổi các mục tiêu ngoài bẫy thu nhập trung bình trước năm 2045./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục