IOM: 40.000 người di cư bị thiệt mạng kể từ năm 2000

Trên phạm vi toàn cầu, IOM ước tính có ít nhất 4.077 người di cư bị thiệt mạng trong năm 2014 và kể từ năm 2000 con số này lên tới 40.000 người.
IOM: 40.000 người di cư bị thiệt mạng kể từ năm 2000 ảnh 1Thi thể của những người di cư bất hợp pháp được tìm thấy trong một vụ chìm tàu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) được công bố ngày 29/9 cho thấy số người di cư bị coi là đã chết ở Địa Trung Hải đã tăng từ 700 năm 2013 lên tới 3.072 người trong năm 2014.

Trên phạm vi toàn cầu, IOM ước tính có ít nhất 4.077 người di cư bị thiệt mạng trong năm 2014 và kể từ năm 2000 con số này lên tới 40.000 người. Trên thực tế, con số người chết có thể cao hơn nhiều trong các chuyến di cư định mệnh vì nhiều trường hợp tử vong xảy ra ở những vùng xa xôi trên thế giới và không được ghi nhận.

Trong năm 2014, gần 70% các trường hợp tử vong được IOM ghi nhận liên quan đến những người di cư bị mất tích, thường ở trên biển. Phần lớn các trường hợp tử vong xảy ra vào năm 2014 không thể xác định giới tính là nam hay nữ.

Thông tin về các khu vực xuất xứ cho thấy phần lớn người di cư bị thiệt mạng trong năm 2014 là từ châu Phi và Trung Đông.

Ngoài ra, báo cáo còn cho thấy sự khác biệt quan trọng trong xu hướng tử vong giữa các vùng. Mặc dù phương pháp tính có khác nhau, nhưng trong vòng 20 năm qua châu Âu dường như ghi nhận con số cao nhất đối với các trường hợp tử vong được báo cáo.

Kể từ năm 2000, hơn 22.000 người di cư đã mất mạng khi đang cố gắng để đến được châu Âu. Từ năm 1996 đến năm 2013, ít nhất 1.790 người di cư bị chết khi cố gắng vượt qua sa mạc Sahara. Từ năm 1998, hơn 6.000 người di cư đã chết vì cố gắng để vượt qua biên giới Mỹ-Mexico.

Ở Australia, Bộ phận giám sát xuyên biên giới của Trường đại học Monash ước tính gần 1.500 người di cư chết trong các chuyến di cư đến Australia từ năm 2000 đến năm 2014.

Trong những năm qua, nhiều lựa chọn chính sách khác nhau đã được thảo luận nhằm tìm ra cách thức làm thế nào có thể giải quyết được các thách thức trước những cái chết liên quan đến người di cư vượt biên giới.

Một loạt những khó khăn đang phải đối mặt từ việc xử phạt hành vi buôn người, đến việc tạo ra hành lang an toàn và trật tự hơn cho việc di cư, bao gồm việc tăng hạn ngạch tái định cư cho người tị nạn.

Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing đã kêu gọi tất cả các chính phủ trên thế giới cùng giải quyết điều được diễn tả là "dịch bệnh của tội phạm và nạn nhân"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục