Phát biểu ngày 7/11 trước báo giới ở thủ đô Amman của Jordan, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết mặc dù hai bên vẫn còn căng thẳng, song các nhà lãnh đạo Israel và Palestine đều tái khẳng định cam kết tham gia các cuộc hòa đàm.
Theo ông Kerry, điều quan trọng là các nhà thương lượng của Israel và Palestine đều đang hướng tới một hiệp ước về một quy chế cuối cùng.
Trong khi đó, trong một nỗ lực ngoại giao con thoi nhằm khôi phục đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine, ông Kerry đã quyết định kéo dài chuyến thăm Trung Đông thêm một ngày (đến ngày 8/11) so với kế hoạch ban đầu và có cuộc gặp thứ 2 trong 24 giờ qua với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas tại Jordan.
Trước đó, ngày 6/11, Ngoại trưởng Kerry đã gặp ông Abbas tại thành phố Bethlehem ở khu Bờ Tây và có hai cuộc tiếp xúc riêng rẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Dự kiến, ngày 8/11, Ngoại trưởng Kerry sẽ quay trở lại Jerusalem để tiếp tục trao đổi với nhà lãnh đạo Israel.
Chuyến công du lần thứ 7 của ông Kerry đến Trung Đông kể từ khi nhậm chức Ngoại trưởng Mỹ diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Israel và Palestine lên cao sau phiên đàm phán bí mật giữa hai bên hôm 5/11 với sự phản đối kịch liệt của phía Palestine đối với quyết định xây thêm các khu định cư Do Thái mới được Israel đưa ra trước đó.
Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu chỉ trích thái độ của phía Palestine né tránh những quyết định cần thiết để kiến tạo hòa bình thực sự. Ông Kerry đang nỗ lực để các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine mới được nối lại hồi tháng Bảy vừa qua rơi vào bế tắc.
Người Palestine muốn thành lập một nhà nước độc lập ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và dải Gaza, phần đất bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh năm 1967, đồng thời sẵn sàng điều chỉnh lại đường biên giới cho phép Nhà nước Do Thái giữ một số khu định cư ở Bờ Tây như một phần của thỏa thuận "đổi đất."
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Netanyahu kiên quyết phản đối quay lại đường biên giới trước năm 1967, cho rằng vấn đề biên giới là không thể bàn cãi.
Ông Netanyahu cũng yêu cầu Palestine công nhận Israel là một nhà nước Do Thái, điều mà Palestine từ chối vì cho rằng sẽ làm tổn hại các quyền của người gốc Arập và người tị nạn Palestine. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Israel từ chối chia sẻ quyền kiểm soát khu vực Đông Jerusalem mà Palestine muốn lấy làm thủ đô./.