Kế hoạch Phục hồi của Venezuela: Một năm nhìn lại

Các nhà hoạch định Kế hoạch Phục hồi của Venezuela chưa tính toán hết những biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt với nước này, đặc biệt khi thời điểm khởi động kế hoạch là vào tháng 8/2018.
Kế hoạch Phục hồi của Venezuela: Một năm nhìn lại ảnh 1Kiểm đồng Bolivar chủ quyền tại thủ đô Caracas, Venezuela. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo mạng 15 y Último của Venezuela, không ai có thể đoán trước diễn biến của các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt với Venezuela, nhưng dường như các nhà hoạch định Kế hoạch Phục hồi của nước này chưa tính toán hết những nguy cơ đến từ Mỹ khi các “biến số” này luôn treo lơ lửng trên đầu Venezuela từ vài năm qua, đặc biệt khi thời điểm khởi động kế hoạch là vào tháng 8/2018.

Vì vậy, lập luận kiểu “chữa cháy” theo kiểu đổ trách nhiệm cho cuộc bao vây, phong tỏa của Mỹ đã khiến cho mọi việc không diễn ra như mong đợi chỉ là một lối thoát của chủ nghĩa dễ dãi.

Mọi đánh giá đều phải xuất phát từ việc Kế hoạch Phục hồi đáng ra phải được đặt trong bối cảnh giả định rằng các biện pháp trừng phạt và phong tỏa đó có thể không chỉ bị kéo dài, mà sẽ còn bị siết chặt hơn nữa.

Trong cuộc họp báo của Bộ trưởng Truyền thông ngày 18/8/2018, trong đó các quan chức khẳng định thông tin về việc đưa vào sử dụng đồng tiền điện tử El Petro, và việc neo đồng "bolivar chủ quyền" vào đồng tiền “ảo” này, đồng nghĩa với “sự kết thúc của đồng USD song hành (do đồng nội tệ mất giá quá nhanh nên nhiều giao dịch tại Venezuela sử dụng trực tiếp và trái phép đồng USD) và để đương đầu với các biện pháp trừng phạt và phong tỏa.

[Venezuela phát hành tiền mệnh giá cao đối phó siêu lạm phát]

Đồng "bolivar chủ quyền" là đồng nội tệ mới của Venezuela từ năm 2018, với mệnh giá bằng 100.000 đồng “bolivar mạnh” trước đây, vốn cũng mới được đưa vào sử dụng từ năm 2008, do tình trạng mất giá quá nhanh.

Bằng chứng này cho thấy giới lãnh đạo Venezuela không chỉ ý thức rõ về tình cảnh bị phong tỏa và chiến tranh kinh tế, mà rõ ràng Kế hoạch Phục hồi ra đời với ý tưởng để đối diện với tình cảnh đó. Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, việc bao vây phong tỏa của Mỹ không phải là vấn đề duy nhất phải tính tới khi đánh giá lại việc triển khai Kế hoạch Phục hồi. Còn có một vài yếu tố khác có lẽ khá rõ ràng trên lý thuyết nhưng trong thực tế lại không phải vậy.

Venezuela có sẵn sàng để tiến hành kế hoạch này không? Và chính xác Kế hoạch Phục hồi là gì?

Về câu hỏi đầu tiên, điểm đáng nói ở đây là đã sau 1 năm kể từ tuyên bố về Kế hoạch Phục hồi và xét tới những diễn biến từ đó tới nay cũng như tình hình gay cấn hiện tại và bối cảnh tương lai trước mắt, việc rà soát và tổng kết là một nhu cầu thiết yếu.

Thế nhưng, dường như đây lại chỉ là nhu cầu của người dân bình thường mà không phải của Chính phủ hay những người có trách nhiệm trong kế hoạch này. Trong một số ít lần mà các quan chức chính phủ đề cập tới mục tiêu hay thời hạn cụ thể (chứ không phải những tuyên bố ý định và mong muốn), thì câu trả lời luôn là câu chuyện hai năm hay thậm chí 5 năm tới, và do đó, chưa thể chờ đợi kết quả cụ thể gì từ kế hoạch này.

Kế hoạch Phục hồi của Venezuela: Một năm nhìn lại ảnh 2Người dân mua bán hàng hóa tại chợ ở Caracas, Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong một bài diễn văn hồi cuối tháng 7/2018, Tổng thống Nicolás Maduro tuyên bố: “Tôi tính toán khoảng hai năm để đạt được sự ổn định cao, rằng chúng ta có thể thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự thịnh vượng mới mà không từ bỏ sự bảo trợ và an toàn xã hội, các chương trình về nhà ở, giáo dục, y tế, các gói trợ cấp, hưu trí và phân phối lương thực,” và sau đó là: “Giờ đây chúng ta có một chương trình toàn diện tiên tiến nhất từ trước tới nay để phục hồi kinh tế đất nước, để tăng cường các lực lượng sản xuất trong vòng ít nhất 5 năm, và thông qua con đường phục hồi tăng trưởng đất nước sẽ tiến tới sự thịnh vượng kinh tế.”

Mặc dù đúng là trong bài diễn văn đó, ông Maduro cũng có nói về các “thắng lợi sớm” kể từ ngày 20/8 - mà sau đó trở thành ngày công bố Kế hoạch Phục hồi - đặc biệt là trong vấn đề giá cả, nhưng không nghi ngờ gì những thời hạn mập mờ và xa xôi là một khía cạnh quan trọng phải tính tới khi thực hiện đánh giá.

Và xét một cách chặt chẽ theo những gì được Chính phủ “sắp đặt,” thì hiện giờ vẫn còn là quá sớm để làm công việc tổng kết, và chúng ta chỉ có thể phàn nàn về việc thiếu vắng những “thắng lợi sớm,” hay đúng hơn nói rằng chúng mới chỉ như những ngôi sao băng, khi mà sức mua chỉ được khôi phục trong vòng hai tuần, chủ yếu là nhờ việc đổi tiền. Điều này khiến tất cả giá cả trải qua một đợt điều chỉnh tương ứng, nhưng rồi sau đó thang vật giá lại trở về với đà leo chóng mặt và người dân còn phải đối diện tình trạng đắt đỏ trầm trọng hơn cả trước khi điều chỉnh.

Tuy nhiên, liệu người dân Venezuela có 5 năm để chờ đợi trong tình trạng khủng hoảng trầm trọng hiện tại không? Và quá trình hồi phục đó sẽ diễn ra theo hình mẫu nào: Liệu Venezuela sẽ tiến lên chút một để tới bến bờ mong ước; hay đi theo kiểu tiến một bước, lùi hai bước; hay xứ sở Nam Mỹ này sẽ phải băng qua một hoang mạc khắc nghiệt của sự thiếu thốn, cùng quẫn, để rồi như tới một ngày đã định theo kế hoạch, cập tới bến bờ tăng trưởng và thịnh vượng như một câu chuyện thần thoại trong Kinh thánh?

Và câu hỏi quan trọng nhất: hình thái xã hội và kinh tế nào sẽ là kết quả của Kế hoạch Phục hồi?

 Trên thực tế, trước cả các yếu tố được liệt kê ở trên như chính sách thù địch của Mỹ hay chu kỳ chờ đợi, có lẽ khó khăn lớn nhất trong việc đánh giá Kế hoạch Phục hồi đó là không có cách nào để phân tích chính xác về kế hoạch này mà thực tế có đến hai kế hoạch khác nhau. Và tùy thuộc vào việc lựa chọn kế hoạch nào để đánh giá, mới có thể rút ra kết quả tốt hoặc xấu, rằng đó là thành công hay thất bại.

Theo dõi việc triển khai những cải cách được đề ra kể từ khi kế hoạch mang tính chiến lược này bắt đầu, có thể nói phần lớn trong số chúng, nếu không muốn nói là tất cả, đều bị kẹt trong một logic đầy mâu thuẫn.

Không chỉ các phương tiện và cơ chế thực hiện đều hướng tới việc làm nghiêm trọng hơn thay vì giảm nhẹ những vấn đề đã được “chỉ mặt đặt tên” để giải quyết, mà ngay cả giữa bản thân những mục tiêu này cũng có những mâu thuẫn sâu sắc.

Kế hoạch Phục hồi của Venezuela: Một năm nhìn lại ảnh 3Người dân Venezuela xếp hàng nhận hàng hóa cứu trợ ở Caricuao, ngoại ô Caracas. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các vấn đề này chỉ có thể đạt được một cách riêng rẽ chứ không đồng thời và trong một số trường hợp, việc mục tiêu này thất bại chính là điều kiện cần để đạt được mục tiêu khác.

Dưới góc độ này, như đã nêu trên, có ít nhất hai kế hoạch: kế hoạch đầu tiên có thể gọi là theo đường lối “phi quy chuẩn - tiến bộ” mà ban đầu chiếm thế chủ đạo trên chính trường với việc ràng buộc đồng "bolivar chủ quyền" vào đồng tiền ảo Petro, và đồng Petro vào giá dầu theo đơn vị thùng; định hướng khôi phục sức mua; áp trần giá cả..; và kế hoạch khác theo con đường quy chuẩn về kinh tế học và quản lý tiền tệ, bao gồm dự định đối phó tình trạng lạm phát siêu phi mã bằng cách giảm thâm hụt tài chính và giảm phát hành tiền (hay thắt chặt tiền tệ).

Kế hoạch đầu tiên kéo dài chính xác 3 tháng 8 ngày vì tới ngày 28/11/2018, với tuyên bố về quyết định “chỉnh sửa,” nó đã bị đẩy xuống thứ yếu để nhường đường cho kế hoạch theo quan điểm kinh tế - duy tiền tệ chính thống.

Một trong những bước đi thể hiện rõ sự chuyển hướng này là việc bỏ liên hệ ràng buộc giá trị giữa đồng "bolivar chủ quyền" với đồng Petro, cũng như việc tạo ra hai phiên bản của đồng tiền ảo này: một là như một đơn vị đo lường giá trị ràng buộc với một vài chỉ số giá trị nhất định - chủ yếu là tiền lương, và một như một đơn vị tài sản - điện tử để tích lũy với giá trị dao động theo tỷ giá hối đoái chính thức DICOM, trong đó chia giá trị của Petro ra 60 lần khi hoán đổi với đồng USD mà không có một lý do chính đáng nào.

Đây là một sự lặp lại của hệ thống hối đoái phức tạp của Venezuela, từng làm méo mó và gây thất thoát lớn cho Nhà nước và nền kinh tế với việc ấn định tỷ giá xa rời thực tế. Hệ thống này có 2-3 tỷ giá chính thức khác nhau chênh lệch vài lần tùy thuộc vào mức độ ưu tiên của hoạt động nhập khẩu được cấp phép, nhưng tất cả đều thấp hơn từ vài chục, có lúc lên tới vài nghìn lần so với tỷ giá “chợ đen,” dẫn tới một loạt hệ lụy tiêu cực.

Từ đây lại bắt đầu một cuộc săn tìm đồng USD thông qua tỷ giá chính thức DICOM để mang ra đổi lại trên thị trường chợ đen béo bở, hoạt động cho tới nay chưa hề có xu hướng dừng lại bất chấp việc Caracas đã bắt đầu nới lỏng rồi thả nổi tỷ giá hối đoái kể từ tháng 4-5 vừa qua.

Về vấn đề này, một số chuyên gia phát biểu rằng việc neo buộc giá trị đồng lương vào đồng Petro - trong tư cách là đơn vị đo lường giá trị - là một sai lầm, khi tất cả các giá trị khác đều được neo vào DICOM đầu tiên và sau đó là vào tỷ giá ngân hàng.

Ở cấp độ này của việc hoạch định chính sách, sẽ chẳng bao giờ có những sai lầm tương tự mà không phải là cố ý. Rõ ràng đây là một quyết định đã được tính toán với mục đích ép giá trị thực của đồng lương xuống mức thấp tối đa để qua đó, giảm thiểu mức độ tiêu thụ, làm chậm tốc độ tăng giá và giảm thâm hụt tài chính - cả từ khía cạnh giảm thực tế việc phát hành tiền và ngân sách công lẫn thu nhỏ lực lượng lao động nhà nước.

Bởi việc hủy hoại đồng lương thực tế cũng kéo theo cả việc hủy hoại nhiều việc làm dài hạn và quyền lao động đi kèm, thậm chí còn “lây lan” sang cả khu vực kinh tế tư nhân khi khiến cho nhân công không thể rẻ hơn được nữa.

Thành quả tức thì của chính sách quy chuẩn tự do và duy tiền tệ cực đoan này đúng là giảm bớt tốc độ lạm phát phi mã của Venezuela, từ mức trên 100% vào khoảng cuối năm 2018 tới tháng 2/2019 xuống mức dưới 50% trong các tháng sau đó, ngay cả theo các thống kê của Quốc hội đối lập và đang bị đình chỉ hoạt động cho các tháng Năm, Sáu và Bảy (các thống kê của ngân hàng trung ương mới chỉ có tới tháng 4/2019).

Vấn đề là đây chỉ là một thành quả phù du, không phải bởi nó quá ít mà vì đó là một thành quả mong manh.

Về mặt kỹ thuật Venezuela đã không còn trong tình trạng lạm phát phi mã, nhưng các điều kiện để tình trạng này quay lại vẫn luôn trực chờ, và dù sao thì với mức lương đã bị tàn phá hiện tại của người lao động Venezuela, thì mức lạm phát 30% cũng không phải là nhỏ.

Như vậy, thành quả trên đạt được bằng cái giá là bóp nghẹt sức mua và hoạt động kinh tế nói chung tới mức bần cùng hóa, hủy hoại đồng lương, việc làm dài hạn chính thức và chính cả đồng "bolivar chủ quyền" - mà trong một năm tồn tại vừa qua nếu như chưa mất hết giá trị chỉ vì lý do duy nhất là về mặt kỹ thuật nó không thể mất giá tới mức âm.

Theo cách đó, vào đúng ngày 20/8, tức là tròn một năm sau khi Kế hoạch Phục hồi được công bố, tỷ giá hối đoái chính thức (đã được thả nổi từ vài tháng qua) là 14.483,54 "bolivar chủ quyền" đổi 1 USD.

Tỷ giá hối đoái chính thức khi khởi động kế hoạch này, tức 60 "bolivar chủ quyền" đổi 1 USD, thì tức là việc trượt giá ở tốc độ 24.039,23%, hay nói cách khác là đồng nội tệ Venezuela trong đúng 1 năm đã mất 99,58% giá trị so với đồng bạc Mỹ.

Còn về tiền lương, mức tối thiểu được quy định khi khởi đầu Kế hoạch Phục hồi, 1.800 "bolivar chủ quyền"/tháng, tương đương với 30 USD (thấp hơn 11 lần so với mức trung bình của khu vực Nam Mỹ), và với số tiền đó một người dân có thể mua được khoảng 20 kg thịt gà theo thời giá khi đó.

Ngày hôm nay, mức lương tối thiểu theo quy định - sau khi được Chính phủ tăng vài lần - đang ở mức 40.000 "bolivar chủ quyền"/tháng, tương đương với khoảng 2,7 USD (chỉ bằng 1/122 mức trung bình của khu vực), số tiền có thể mua được 1-2kg thịt gà.

Bàn về đề tài đổi tiền và mệnh giá tiền, chỉ trong vòng chưa đầy 10 tháng đồng tiền mới đã phải “phá trần,” với đồng tiền có mệnh giá lớn nhất từ tờ 500 "bolivar chủ quyền" giờ đây đã chuyển thành tờ 50.000 "bolivar chủ quyền," một tốc độ mở rộng gần như biến mức trần khởi điểm ngày 20/8/2018 thành mức đáy, khi mà các đồng 500 và 100 "bolivar chủ quyền" vẫn còn lưu hành được chỉ là nhờ người dân thường không kiếm được đồng 10.000 và 20.000, trong khi các tờ có mệnh giá 1.000 và 2.000 không được phát hành.

Nếu như chừng đó vẫn chưa đủ, thì phải nói thêm rằng chính sách bóp nghẹt kinh tế này không chỉ thổi bay giá trị đồng nội tệ trong thời gian kỷ lục, mà còn bao gồm cả việc ngừng đưa thêm tiền mặt vào lưu thông.

Đồng tiền có mệnh giá lớn nhất vào tháng 8/2018 (500 "bolivar chủ quyền") theo tỷ giá hiện tại chỉ tương đương 0,03 USD, trong khi đồng có mệnh giá lớn nhất hiện tại (50.000 "bolivar chủ quyền") tương đương 3,4 USD.

Nếu tính tổng lượng tiền mặt đồng "bolivar chủ quyền" đang được lưu hành theo thống kê mà ngân hàng trung ương công bố trong báo cáo mới nhất, thì số lượng tưởng chừng lớn với rất nhiều chữ số này chỉ tương đương 761,672 triệu USD. Số tiền này chỉ chưa bằng nửa giá trị tài sản của tỷ phú Lorenzo Mendoza.

Và nếu chỉ nói thuần túy trên khía cạnh con số, ông chủ tập đoàn thực phẩm và đồ uống Polar nổi tiếng của Venezuela, chỉ cần bỏ ra 45% tài sản để đổi toàn bộ số "bolivar chủ quyền" của ngân hàng trung ương và USD hóa toàn bộ thị trường Venezuela.

Chính vì thế, giờ đây khoảng 50% giao dịch thương mại nói chung tại Venezuela (và trong một số lĩnh vực cụ thể như phụ tùng ô tô, mua bán ô tô hay bất động sản, tỷ lệ này còn lên tới mức 70-90%) được ưu tiên thực hiện bằng đồng USD, thậm chí bằng các đồng tiền khác miễn là không phải đồng bolivar, hay các loại hình thương mại bán lẻ hàng đổi hàng hay trả một số dịch vụ bằng thực phẩm.

Tất cả những điều này diễn ra trong khi các quan chức chính phủ vẫn ăn mừng vì đồng Petro, đồng tiền ảo mà họ tạo ra với mục đích giúp đối phó tình trạng phong tỏa, cấm vận, nhưng giờ đây chỉ còn chức năng đáng kể duy nhất là đơn vị thanh toán trong chuỗi cửa hàng quần áo hàng hiệu Traki.

Các con số thống kê về mặt tiền tệ và hối đoái phi lý tới mức nếu không có quyết định đổi tiền thì giờ đây tỷ giá hối đoái chính thức đã ở mức 1,483 tỷ "bolivar mạnh" đổi 1 USD (đồng nội tệ cho tới năm 2018 của Venezuela). Vào cuối năm nay, kinh tế Venezuela được dự báo sẽ có quy mô chỉ tương đương 30% so với giai đoạn 2012-2013.

Điều cuối cùng, cần ý thức rằng các chính sách cắt giảm thâm hụt tài chính và thắt chặt tiêu thụ ngay cả trong các điều kiện bình thường luôn gây mất lòng dân. Trong bối cảnh ngặt nghèo với suy thoái kinh tế suốt 5 năm và thiếu hoàn toàn sức bật như tại Venezuela hiện nay, thực hiện những định hướng khắc khổ trên là rất khó khăn.

Với đặc điểm “kín cổng cao tường” về thống kế thường thấy của Chính phủ hiện tại, vẫn chưa thể biết con số thâm hụt ngân sách trong năm nay ở mức độ nào, nhưng vào giữa năm ngoái (theo số mới nhất được công bố) chỉ số này ở ngưỡng 20% GDP.

Và để cắt giảm mức thâm hụt khổng lồ này, việc giảm chi phí công, cả theo mệnh giá lẫn theo giá trị thực, mà điều này cần được song hành cùng với mức tăng đáng kể nguồn thu ngân sách, thường qua con đường thuế hoặc như trong trường hợp Venezuela là qua doanh thu dầu khí.

Nếu tạo được ra vế thứ hai này, việc cắt giảm chi tiêu không khác gì một cuộc hiến tế tài chính, như hệ quả tất yếu của tình trạng suy thoái kinh tế. Chí ít thì từ thời nhà kinh tế học John Keynes, người ta đã biết rằng trong bối cảch suy thoái, các biện pháp giảm thâm hụt ngân sách theo kiểu bó hẹp chi tiết sẽ tạo ra hiệu ứng ngược lại.

Bởi một lý do đơn giản rằng trong các nền kinh tế nơi thành phần nhà nước có sức nặng lớn như tại Venezuela hiện nay, một mức chi tiêu công thấp hơn sẽ chuyển thành mức tiêu thụ thấp hơn, và sau đó là hoạt động buôn bán thấp hơn và nguồn thu từ thuế thấp hơn.

Những vấn đề còn tồn tại như trốn thuế, lách luật, cùng một danh sách dài những miễn trừ nghĩa vụ được thông qua dưới hình thức “khuyến khích” doanh nghiệp vẫn diễn ra trong bối cảnh lạm phát phi mã, suy thoái tiền tệ và mức sụt giảm thu nhập từ dầu khí do sản lượng lao dốc của tập đoàn dầu khí quốc gia PDVSA.

Đây là “bức tranh” sau khi Venezuela mới chỉ trải qua một năm của Kế hoạch Phục hồi, và hãy tưởng tượng tương lai đang chờ đợi quốc gia Nam Mỹ này trong 2 năm hay 5 năm thực hiện kế hoạch như cam kết của Chính phủ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục