Khoa học công nghệ: “Chìa khóa vàng” của ngành nông nghiệp

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất biến khoa học công nghệ trở thành “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững của ngành.
Khoa học công nghệ: “Chìa khóa vàng” của ngành nông nghiệp ảnh 1Áp dụng cơ giới hóa trong thu hoạch lúa. (Ảnh: Minh Đông/TTXVN)

Năm 2015 được đánh giá là một năm vượt khó ngoạn mục của ngành nông nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành duy trì ở mức trên 30 tỷ USD. Đó là một cố gắng rất lớn trong khi đầu năm xuất khẩu âm đến mấy chục phần trăm, lúc đó đã có dự đoán xuất khẩu chỉ đạt 27 tỷ USD. Mặc dù, giá trị xuất khẩu của ngành năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với năm 2014, nhưng vượt xa mục tiêu của Kế hoạch 5 năm đã đề ra (là 21 tỷ USD).

Trong năm 2016, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, tạo được chuyển biến rõ rệt hơn trên thực tiễn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2015.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát xung quanh những thuận lợi, khó khăn của ngành trong năm nay để hoàn thành kế hoạch và hội nhập thành công.

- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của ngành nông nghiệp trong năm qua?

Bộ Trưởng Cao Đức Phát: Năm 2015 là năm có nhiều khó khăn, đặc biệt là về thiên tai, thị trường và nguồn lực hạn chế; song với sự theo dõi sát sao và những chủ trương, giải pháp kịp thời, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã gặt hái được nhiều kết quả, mang dấu ấn đậm nét của ngành.

Ngành nông nghiệp đã đạt được 6 dấu ấn đáng ghi nhận: Một là sức bật ngoạn mục của ngành hàng rau quả. Việc khai thông, mở cửa thị trường cho ngành hàng rau quả đã đưa kim ngạch xuất khẩu của ngành rau quả ước đạt 1,83 tỷ USD, tăng tới 23,4% so với năm 2014. Đây là mức tăng trưởng ngoạn mục, nếu không nói là thần kỳ của một ngành sản xuất có nhiều lợi thế, thế mạnh này.

Hai là, sản lượng lúa tăng thêm 241.000 tấn, đưa khối lượng xuất khẩu gạo năm 2015 ước đạt gần 6,7 triệu tấn, tăng 5,8% so với năm 2014.

Ba là, tận dụng cửa hẹp để tôm sú phát triển và giúp người dân có thu nhập cao hơn. Năm nay, ngành thủy sản nói chung và đặc biệt là ngành tôm có những khó khăn. Chính vì thế, ngành đã tập trung chỉ đạo các địa phương ven biển duy trì con tôm thẻ, nhưng tập trung vào con tôm sú để tăng sản lượng và tận dụng cửa hẹp về thị trường của con tôm sú.

Bốn là, lâm nghiệp tăng trưởng vượt bậc với mức tăng 7,9% so với năm trước; giá trị tổng sản lượng tăng đến 10,89% và xuất khẩu cũng tăng 10% so với năm 2014, vượt qua mức 7,1 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng rất cao, bởi chỉ 10 năm trước đây mức tăng của ngành này chỉ xoay quanh 1-2%.

Năm là, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành duy trì ở mức trên 30 tỷ USD. Đó là một cố gắng rất lớn trong khi đầu năm xuất khẩu âm đến mấy chục phần trăm, lúc đó đã có dự đoán xuất khẩu chỉ đạt 27 tỷ USD. Mặc dù, giá trị xuất khẩu của ngành năm 2015 đạt 30,14 tỷ USD, giảm 0,8% so với năm 2014, nhưng vượt xa mục tiêu của Kế hoạch 5 năm đã đề ra (là 21 tỷ USD).

Sáu là, chương trình xây dựng nông thôn mới đã đạt rất nhiều kết quả tích cực và trở thành phong trào sâu rộng, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn và cải thiện điều kiện sống cho khoảng 50 triệu dân nông thôn.

- Khép lại năm 2015, mặc dù ngành nông nghiệp duy trì được đà tăng trưởng nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực những năm trước như lúa gạo, thủy sản liên tục sụt giảm mạnh. Vậy theo Bộ trưởng đâu được xem là giải pháp then chốt để ngành nông nghiệp phát triển bền vững?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Năm 2016, ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ tập trung chỉ đạo, thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất, tạo được chuyển biến rõ rệt hơn trên thực tiễn, phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn năm 2015.

Khoa học công nghệ: “Chìa khóa vàng” của ngành nông nghiệp ảnh 2Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhưng nhìn chung việc áp dụng khoa học công nghệ vẫn ở mức thấp. Những kết quả nghiên cứu, chọn tạo được chưa nhiều, chưa thể hiện được tính vượt trội và vẫn chưa hình thành được ngành công nghệ sinh học, mới chỉ là những nhen nhóm ban đầu.

Do đó, bước sang giai đoạn mới, để có thể cạnh tranh hiệu quả trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, ngành nông nghiệp phải tập trung vào việc tổ chức lại sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết, làm cơ sở để thúc đẩy việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả trong sản xuất ở các mặt hàng có lợi thế và biến khoa học công nghệ trở thành “chìa khóa vàng” cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.

Trong đó, Bộ sẽ tập trung triển khai quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâmvề việc điều chỉnh cơ cấu sản xuất phù hợp với lợi thế của từng địa phương, của cả nước và diễn biến của thời tiết, thị trường.

Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ tạo đột phá trong tái cơ cấu: ưu tiên cao nhất cho nghiên cứu, chuyển giao và sản xuất các loại giống chất lượng cao, công nghệ chế biến, bảo quan giảm tổn thất sau thu hoạch, phát triển nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

- Trong bối cảnh Cồng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã ra đời cùng các hiệp định thương mại tự do TPP được thực thi, lĩnh vực nào trong nông nghiệp được lợi nhiều nhất và lĩnh vực nào dễ bị tác động nhất, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cũng như những thách thức đan xen. Những ngành hàng nông sản Việt Nam được hưởng lợi là những sản phẩm xuất khẩu mà chúng ta đã có lợi thế từ trước đến nay như: thủy sản, cà phê, rau quả, gạo, gỗ và các sản phẩm gỗ…

Những sản phẩm cây công nghiệp như cà phê, cao su, điều… gia nhập PPP sẽ tạo cơ hội để Việt Nam mở rộng xuất khẩu sang các nước khác như Malaysia, Mexico hoặc tìm nguồn nguyên liệu tin cậy với giá thấp hơn như Australia.

Đối mặt hàng rau quả, năm qua lần đầu tiên nhiều loại trái cây như: nhãn, vải, xoài đã tiếp cận được với nhiều thị trường xuất khẩu khó tính như: Mỹ, Australia, EU, Nhật Bản… thì TPP chính là cánh cửa để phát triển mạnh hơn những sản phẩm này.

Bên cạnh đó, một số loại nông sản mà chúng ta không có lợi thế như chăn nuôi sẽ gặp khó khăn. Trong thời gian tới, nếu rào cản thuế quan được dỡ bỏ thì các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh quyết liệt hơn với các sản phẩm thịt bò, sữa từ Australia, New Zealand; lợn, gà từ Hoa Kỳ, Canada… Hiện ngành chăn nuôi chúng ta đang gặp nhiều khó khăn, nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và cạnh tranh về giá cả thì chúng ta rất dễ bị thua ngay trên sân nhà.

- Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục lấy chủ đề tập trung đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Vậy năm tới, công tác này sẽ được thực hiện cụ thể như thế nào thưa Bộ Trưởng?

Khoa học công nghệ: “Chìa khóa vàng” của ngành nông nghiệp ảnh 3Mô hình trồng cà chua bi trong nhà màng cho hiệu quả và chất lượng cao. (Mạnh Linh/TTXVN)

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Năm 2016 Bộ xác định là năm tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho xuất khẩu và tiêu thụ nông sản, giải quyết tốt hơn những bức xúc của xã hội về an toàn thực phẩm, bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng.

Năm qua, mặc dù công tác thanh kiểm tra được thực hiện mạnh mẽ song vấn đề an toàn thực phẩm vẫn còn gây nhức nhối trong xã hội và chưa đáp ứng được mong đợi của nhân dân.

Bộ cũng luôn xác định, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nhiệm vụ trọng tâm số 1 của toàn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Do đó, để quản lý tốt hơn chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, cần có sự phối hợp, vào cuộc chặt chẽ của các bộ, ngành từ trung ương đến địa phương.

Trong năm 2016, Bộ sẽ chỉ đạo tổng thanh tra chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trên toàn quốc, trong đó tập trung vào việc quản lý chất cấm trong chăn nuôi và thủy sản. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, văn bản quy phạm pháp luật để xử lý nghiêm minh, đảm bảo sức răn đe các vi phạm.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục