Khởi động đàm phán một trong những FTA lớn nhất thế giới

FTA  giữa Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tạo ra một trong những FTA lớn nhất thế giới, với cơ hội thương mại trị giá lên đến 2.400 tỷ USD.

Khởi động đàm phán một trong những FTA lớn nhất thế giới

Tiềm năng phát triển của Hiệp định Thương mại Tự do (FTA ) giữa sáu quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) và Thổ Nhĩ Kỳ là rất lớn.

Theo nhận định của giới phân tích, thỏa thuận sẽ thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai bên và có khả năng tạo ra một trong những FTA lớn nhất thế giới, với cơ hội thương mại trị giá lên đến 2.400 tỷ USD.

Các quốc gia vùng Vịnh đã bắt đầu các cuộc đàm phán thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara sau khi hai bên ký một thỏa thuận vào tháng 3/2024 để bắt đầu thương thảo về FTA.

Ông Nasser Saidi, cựu Bộ trưởng Kinh tế đồng thời là Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Lebanon nhận xét: "Bằng cách tự do hóa thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, FTA giữa GCC và Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng tạo ra một trong những FTA lớn nhất thế giới trị giá 2.400 tỷ USD. Điều này sẽ đòi hỏi các bên phải đạt được thống nhất về nhiều nội dung liên quan đến thủ tục hải quan cũng như các quy tắc và quy định về điều kiện thương mại."

Năm ngoái, Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) đã ký Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện (CEPA) với Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận được kỳ vọng sẽ đưa trao đổi thương mại phi dầu mỏ giữa hai nước lên hơn 40 tỷ USD trong 5 năm tới, từ 19 tỷ USD của năm 2023.

Hai nước cũng đã ký kết các thỏa thuận và hiệp định trị giá 50,7 tỷ USD nhân chuyến thăm UAE của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vào tháng 7/2203.

Năm 2022, Ngân hàng Trung ương UAE đã hoàn tất thỏa thuận hoán đổi tiền tệ song phương với Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ nhằm cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Ông Saidi cho rằng hội nhập kinh tế và tài chính khu vực sẽ mang lại lợi ích cho nỗ lực đa dạng hóa kinh tế và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

GCC và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được hưởng lợi từ FTA khi thương mại toàn cầu bị gián đoạn do các lệnh trừng phạt và thuế quan vào thời điểm Mỹ và Trung Quốc có một số bất đồng thương mại.

Ông Saidi nói thêm: "FTA giữa GCC và Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ có hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với các quốc gia khác, chẳng hạn như Iraq và Syria. Hai nước này có thể hưởng lợi khi các mối liên kết thương mại và đầu tư giữa GCC và Thổ Nhĩ Kỳ phát triển."

Bà Monica Malik, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi (UAE), cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ hướng tới chính sách tiền tệ chính thống hơn là yếu tố tích cực cho vùng Vịnh. Thổ Nhĩ Kỳ có dân số đông, nền kinh tế đa dạng và có tiềm năng tăng trưởng nhu cầu rất lớn.

Theo bà Malik, GCC cũng sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Thổ Nhĩ Kỳ, với các lĩnh vực dầu mỏ, ngân hàng, bất động sản và xây dựng cũng như năng lượng xanh được hưởng lợi từ FTA này.

Còn ông Hasnain Malik, người đứng đầu bộ phận chiến lược thị trường mới nổi tại công ty nghiên cứu đầu tư Tellimer có trụ sở tại Dubai (UAE), đánh giá: "Thổ Nhĩ Kỳ có lĩnh vực xuất khẩu hàng chế tạo lớn hơn, với giá cả cạnh tranh hơn nhiều so với GCC. Do vậy, FTA có khả năng mang lại lợi ích cho Thổ Nhĩ Kỳ nhiều hơn về cả tăng trưởng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài từ GCC. Trong khi đó, các ngân hàng ở Kuwait, Qatar và UAE cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ thị trường Thổ Nhĩ Kỳ."

GCC đang tiến hành đàm phán để ký kết các thỏa thuận thương mại và kinh tế với các đối tác trên toàn thế giới. Hồi tháng 12/2023, GCC đã ký FTA với Hàn Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế giữa hai bên.

Khối này cũng ký một thỏa thuận tương tự với Pakistan vào tháng 9/2023. GCC hiện đang tiến hành đàm phán về FTA với Vương quốc Anh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục