Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chia sẻ nhiều kinh nghiệm tại ASOSAI 15

Tại hội nghị chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chủ trì tiểu chủ đề: Nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững.
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham gia chủ trì tiểu chủ đề số 2: Nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. (Ảnh: Vietnam+)
Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham gia chủ trì tiểu chủ đề số 2: Nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. (Ảnh: Vietnam+)

Tuyên bố Bangkok 2021 tại Đại hội Tổ chức các Cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 15 có nội dung tập trung vào chủ đề chung tại Hội nghị chuyên đề lần thứ 8 là “ASOSAI và trạng thái bình thường mới: Năng lực phục hồi giữa những thách thức” diễn ra ngày 8/9.

Chuyên đề tập chung vào có 4 tiểu chủ đề, bao gồm SAI và việc thúc đẩy quản trị tốt trong trạng thái bình thường mới, nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công và Ứng phó của SAI với thiên tai và đại dịch.

Tại hội nghị chuyên đề, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam tham gia chủ trì tiểu chủ đề số 2: Nỗ lực của SAI trong việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đồng thời chỉa sẻ kinh nghiệm tại tiểu chủ đề số 3: Tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công.

Kiểm toán chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế 

Ông Nguyễn Lương Thuyết, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cho biết trong giai đoạn 2018-2021, hầu hết các hoạt động phát triển bền vững của Chính phủ đều được Kiểm toán quan tâm, bố trí kiểm toán theo các kế hoạch và lộ trình hợp lý. Kết quả, nhiều phát hiện từ hoạt động kiểm toán đã giúp các cơ quan quản lý kịp thời chấn chỉnh, góp phần không nhỏ vào việc đạt các mục tiêu theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

[ASOSAI nhiệm kỳ 2021-2024: Chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới]

Qua kiểm toán các chương trình mục tiêu quốc gia, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra các bất cập, hạn chế trong tổ chức thực hiện các chương trình, như cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và huy động sự tham gia của các bên chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, nguồn lực huy động đáp ứng nhu cầu tài chính còn hạn chế, trong khi việc sử dụng kinh phí nhiều địa phương còn chưa đúng nội dung, đối tượng, không sử dụng hết kinh phí phải hủy dự toán, công tác phân bổ vốn còn chậm, chưa đảm bảo thứ tự ưu tiên…  Từ đó, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị để chấn chỉnh công tác quản lý, chỉ đạo đối với từng chương trình. 

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chia sẻ nhiều kinh nghiệm tại ASOSAI 15 ảnh 1(Ảnh: Vietnam+)

Đặc biệt, ông Thuyết cho biết trong giai đoạn 2018-2021, Kiểm toán Nhà nước đã đẩy mạnh kiểm toán môi trường, một lĩnh vực kiểm toán mới tại Việt Nam. Công tác kiểm toán có tác động lan tỏa và tích cực đến nhiều mục tiêu trong phát triển bền vững. 

Kết quả kiểm toán giai đoạn này chỉ ra việc ban hành văn bản hướng dẫn công tác quản lý môi trường thiếu đồng bộ. Mặt khác, công tác thẩm định, phê duyệt hồ sơ, cấp phép đề án bảo vệ môi trường còn hạn chế; thiếu biện pháp quản lý, giám sát tình hình khắc phục của các cơ sở vi phạm; công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch tổng thể quản lý xử lý chất thải còn tồn tại, bất cập. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, chưa xây dựng, lắp đặt đầy đủ các công trình bảo vệ môi trường đối với nước thải, khí thải và nhiều cơ sở đang hoạt động có nguy cơ xả thải, tác động xấu đến môi trường.

Ông Thuyết cho biết Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị đối với các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, hoàn thiện các quy định và chế tài sử phạt vi phạm về môi trường…, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, chính quyền và người dân về bảo vệ môi trường, từng bước cải thiện chất lượng sống của người dân tại các địa phương được kiểm toán.

Tại hội nghị, ông Thuyết chia sẻ một số giải pháp hiệu quả trong hoạt động kiểm toán Nhà nước tại Việt Nam. Thứ nhất là bám sát chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển bền vững để xây dựng kế hoạch kiểm toán nhằm hỗ trợ tốt nhất cho Chính phủ, Quốc hội trong các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững theo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Thứ hai là đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động kiểm toán, trong đó chú trọng phát triển các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán mới, phù hợp với yêu cầu và mục tiêu kiểm toán đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

Thứ ba là xây dựng các đề án kiện toàn tổ chức bộ máy; phát triển nguồn nhân lực của Kiểm toán Nhà nước theo hướng tinh gọn, chuyên sâu.

Thứ tư là tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế cả song phương và đa phương để tham khảo và chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động kiểm toán các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và học tập các kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế, các cơ quan kiểm toán tối cao có kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán này.

Cuối cùng là đẩy mạnh cơ chế phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức về phát triển kinh tế-xã hội nói chung và phát triển bền vững nói riêng; tạo nền tảng đồng thuận chung trong các đánh giá và kiến nghị của kiểm toán trong lĩnh vực kiểm toán các mục tiêu về phát triển bền vững.

Sẽ quản lý dữ liệu bằng trí tuệ nhân tạo 

Về tiểu chuyên đề "Tối ưu hóa công nghệ hiện đại trong kiểm toán công," Kiểm toán Nhà nước Việt Nam, Chuyên ngành VII đã gửi đến hội nghị tham luận.

Theo đó, đại diện của Việt Nam cho rằng trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, thẩm quyền và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thể hiện tại hệ thống công nghệ thông tin (bao gồm phần cứng, phần mềm và dữ liệu của các cơ quan công quyền). 

Thông qua các hoạt động kiểm toán, lưu trữ hồ sơ, các hoạt động nghiên cứu, đào tạo nội bộ..., Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã có một kho dữ liệu khổng lồ tích lũy qua nhiều năm. Các kho dữ liệu thô trên cần được tổ chức sắp xếp tự động bằng trí tuệ nhân tạo (AI) tạo thành dữ liệu lớn (Big Data) phục vụ công tác kiểm toán.

Kiểm toán Nhà nước Việt Nam chia sẻ nhiều kinh nghiệm tại ASOSAI 15 ảnh 2(Ảnh: Vietnam+)

Tham luận cũng cho biết trong thời gian tới Kiểm toán Nhà nước Việt Nam từng bước tiến hành kiểm toán các hệ thống công nghệ thông tin và các cơ sở dữ liệu quốc gia tại các ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thuế, Tổng Cục Hải quan, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đạt được một số kết quả tốt.

Tuy nhiên, đại diện Kiểm toán Nhà nước cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Cụ thể, các hoạt động triển khai kiểm toán công nghệ thông tin, trong đó tiếp tục hoàn thiện thể chế cơ sở pháp luật, hướng dẫn chi tiết cách thức kiểm toán công nghệ thông tin đặt trọng tâm vào các tài nguyên số công.

Bên cạnh đó, cơ quan kiểm toán cũng tiến hành khảo sát sơ bộ hệ thống tài nguyên số công hằng năm và xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên số công làm trọng tâm để từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu kiểm toán chuyên ngành. Trong đó đặt trọng tâm vào các loại dữ liệu sẵn sàng chia sẻ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia. 

Ngoài ra, cơ quan kiểm toán cũng sớm nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tri thức kiểm toán dựa trên AI, tiến hành kiểm toán định kỳ các hệ thống công nghệ thông tin tài chính quốc gia tiến hành kiểm toán định kỳ.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục