Kiên Giang: Giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng hơn 7%

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng như bia, giày da, quần áo may sẵn, tôm đông lạnh, cá đóng hộp, ximăng, điện thương phẩm, gạch không nung, gỗ các loại...
Kiên Giang: Giá trị sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm tăng hơn 7% ảnh 1Mặt hàng cá đóng hộp xuất khẩu sản xuất chế biến tại Khu công nghiệp Cảng cá Tắc Cậu, xã Bình An, huyện Châu Thành (Kiên Giang). (Ảnh: Lê Huy Hải/TTXVN)

Theo Sở Công Thương Kiên Giang, 5 tháng đầu năm nay, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đạt hơn 20.415 tỷ đồng, đạt 37,5% kế hoạch, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng như bia, giày da, quần áo may sẵn, tôm đông lạnh, cá đóng hộp, ximăng, điện thương phẩm, gạch không nung, gỗ các loại...

Bốn ngành kinh tế công nghiệp cấp 1 của tỉnh, mặc dù chưa đạt kế hoạch đề ra trong 5 tháng đầu năm, nhưng vẫn tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái như khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện, khí đốt; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải. Một số sản phẩm sản lượng giảm như bột cá, mực đông, clinker, bao bì PP...

[Kiên Giang: 16 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn]

Lãnh đạo Sở Công Thương Kiên Giang cho biết dịch COVID-19 kéo dài hơn một năm qua, diễn biến phức tạp, tiếp tục ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sở Công Thương đã triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện "mục tiêu kép," vừa phát triển sản xuất kinh tế công nghiệp, vừa phòng, chống dịch COVID-19, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì ổn định. Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh những tháng đầu năm 2021 tăng khá so với cùng kỳ năm trước, góp phần duy trì ổn định, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Sở Công Thương Kiên Giang cung cấp thông tin giá cả, thị trường trong và ngoài nước cho các doanh nghiệp để định hướng, chủ động trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đặc biệt, một số thị trường xuất khẩu dần hồi phục, ổn định trở lại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu.

Qua đó, 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt khoảng 317 triệu USD, đạt hơn 42% kế hoạch năm, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời kích thích, vực dậy nhiều lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh khác của tỉnh phục hồi phát triển.

Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp có giải pháp kinh doanh phù hợp, thích nghi với diễn biến dịch bệnh, triển khai kịp thời các hợp đồng cung ứng nên hoạt động sản xuất kinh doanh tăng trưởng khá.

Các doanh nghiệp giày da, may mặc đẩy mạnh sản xuất theo đơn hàng ký kết đầu năm nay nên sản lượng tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng gạch không nung tăng cao do nhu cầu thị trường, doanh nghiệp tăng công suất sản xuất.

Mặt khác, Sở Công Thương theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của dịch bệnh và hoạt động sản xuất, kinh doanh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hướng dẫn các doanh nghiệp công nghiệp xây dựng kịch bản ứng phó với tình hình dịch bệnh theo từng giai đoạn, thực hiện cập nhật bản đồ sống chung an toàn với COVID-19.

Bên cạnh đó, trong 5 tháng qua, tỉnh thành lập mới 625 doanh nghiệp, tăng 28% về số lượng và 2,5 lần về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động giảm và doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh tăng dần trở lại, tạo ra sản phẩm hàng hóa và giá trị sản xuất công nghiệp cho tỉnh.

Sở Công Thương Kiên Giang tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện "mục tiêu kép", vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế công nghiệp trong trạng thái bình thường mới theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và của tỉnh.

Ngoài quyết liệt, tập trung phòng, chống dịch COVID-19 trong toàn lĩnh vực công thương, Sở Công Thương Kiên Giang phối hợp với các ngành liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình sản xuất, kinh doanh; kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.

Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi, nhất là về thủ tục hành chính, triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ để thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả.

Tỉnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu các khu, cụm công nghiệp đang triển khai trên địa bàn sớm hoàn thành để vừa tiếp tục mời gọi, thu hút đầu tư, vừa tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, doanh nghiệp triển khai các dự án đã được cấp giấy phép, dự án phê duyệt chủ trương đầu tư./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục