Kinh tế Pháp sẽ ra sao sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris?

Nhiều chuyên gia và giới kinh doanh tỏ ý lo ngại rằng du lịch, lĩnh vực chiếm gần 8% GDP của Pháp, sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên từ vụ tấn công khủng bố.
Kinh tế Pháp sẽ ra sao sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris? ảnh 1Cảnh sát đặc nhiệm Pháp làm nhiệm vụ tại hiện trường một vụ tấn công khủng bố ở Bichat, trung tâm Paris ngày 13/11. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nền kinh tế phục hồi còn mong manh của Pháp đang đứng trước khó khăn sau vụ tấn công khủng bố vừa xảy ra tại thủ đô Paris của nước này, với lĩnh vực du lịch và chi tiêu tiêu dùng dự kiến sẽ bị ảnh hưởng tệ hại nhất.

Chỉ mấy giờ trước khi xảy ra vụ tấn công, Bộ trưởng Tài chính Pháp Michel Sapin dự báo kinh tế Pháp đã “bước sang thời kỳ mới” khi ra khỏi giai đoạn tăng trưởng yếu kéo dài, với GDP tăng 0,3% trong quý 3/2015. Tuy nhiên, hiện thời, nhiều chuyên gia và giới kinh doanh tỏ ý lo ngại rằng du lịch, lĩnh vực chiếm gần 8% GDP của Pháp, sẽ chịu ảnh hưởng trước tiên từ vụ tấn công khủng bố.

Paris là điểm đến du lịch hàng đầu trên thế giới, và đã đón gần 84 triệu lượt khách trong năm ngoái.

Nhà nghiên cứu Agnès Benassy-Queré của Trường Kinh tế Paris cho rằng vụ tấn công sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các khách sạn và nhà hàng, nhưng tỏ ra lạc quan hơn khi nói đất nước Pháp còn nhiều điểm du lịch khác ngoài Paris, và những tác động kể trên chỉ kéo dài trong vài tuần.

Người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng Natixis, ông Philippe Waechter nhận xét vụ tấn công có thể đẩy đất nước vào trong trạng thái “ngóng chờ” và bất ổn, khiến người tiêu dùng tiết kiệm hơn thay vì mạnh tay chi tiêu mua sắm. Xu hướng này có thể diễn ra đối với đầu tư của khối doanh nghiệp, nhưng tác động yếu hơn.

Mở cửa phiên giao dịch đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ khủng bố trên, đồng tiền chung châu Âu giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác, trong khi chỉ số chứng khoán Paris hạ 1,1% xuống 4.756,92 điểm, với cổ phiếu của các hãng hàng không và lữ hành bị ảnh hưởng nặng nề do tâm lý lo ngại về triển vọng của ngành du lịch sau vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp hôm 13/11.

Tình trạng bán tháo cổ phiếu của các hãng hàng không cũng diễn ra trên sàn giao dịch châu Á trong phiên 16/11, với giá cổ phiếu của hai hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines và ANA giảm lần lượt 3% và 3,5%.

Cổ phiếu của Virgin Australia niêm yết trên sàn giao dịch Sydney mất tới 6,5% giá trị, và cổ phiếu của hãng hàng không quốc gia Hàn Quốc Korean Air giảm giá 3,33%. Công ty lữ hành hàng đầu Hàn Quốc Hana Tour ghi nhận giá cổ phiếu hạ 8,94% sau khi hãng hủy bỏ hàng loạt tour du lịch đến Pháp, khi chính phủ nước này khuyến cáo người dân không nên đến Paris và các khu vực lân cận.

Nhà phân tích Zhang Qi của Haitong Securities tại Thượng Hải nhận định vụ khủng bố gây tâm lý tiêu cực trong những lĩnh vực liên quan đến du lịch. Tuy nhiên, chuyên gia Shane Oliver của AMP Capital Investors cho rằng những tác động chỉ mang tính tạm thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục