Đầu Xuân mới, đông đảo du khách nô nức tới xã Hải Lựu, huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc để dự lễ hội chọi trâu cổ nhất Việt Nam, trong khi Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc ở Hải Dương, lại thu hút công chúng với Liên hoan pháo đất.
Lễ hội chọi trâu cổ nhất Việt Nam
Từ 16-17/2 (tức ngày 16 và 17 tháng Giêng Âm lịch), tại xã Hải Lựu , huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), hàng vạn du khách thập phương và nhân dân trong vùng đã có mặt chứng kiến lễ hội chọi trâu được coi là cổ nhất Việt Nam.
Sau nhiều năm gián đoạn, lễ hội chọi trâu tiếp tục được tổ chức từ năm 2002.
Năm nay có 32 "ông Cầu"- tức trâu chọi, tăng sáu trâu so với năm 2013, trong đó có 25 trâu của các thôn và bảy trâu của các ban, ngành, đoàn thể và các doanh nghiệp đến từ các thôn trong xã tham gia, có 16 cặp đấu loại trực tiếp để chọn các ông Cầu thắng vào thi đấu ở vòng trong.
Ông Cầu thắng trận sẽ được nhận số tiền thưởng lên tới 40 triệu đồng.
Trước khi bước vào thi đấu vào ngày 16 tháng Giêng, các ông Cầu phải làm lễ tế trình ở vọng đài tưởng niệm tâm linh vào ngày 15 tháng Giêng để kính cáo với thánh thần là trâu được tham gia vào hội.
Các ông Cầu được mua về từ các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Yên Bái, Phú Thọ… qua tuyển chọn kỹ càng, theo những tiêu chí như mình trường, móng hến, đuôi trai, sừng khum, mắt đỏ, đặc biệt các ông Cầu phải đủ 250 vanh (vòng ngực) trở lên mới được thi đấu.
Tiếp đó, các ông Cầu được chăm sóc, huấn luyện bằng chế độ đặc biệt trong suốt hơn nửa năm.
Ông Nguyễn Đức Dục, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hải Lựu cho biết: “Lễ hội chọi trâu Hải Lựu hàng năm thu hút khoảng 5-6 vạn du khách. Dự kiến lượng du khách đến lễ hội năm nay còn tăng hơn so với năm trước do được tổ chức vào hai ngày cuối tuần. Để hạn chế sự quá tải, ban tổ chức sẽ hạn chế lượng vé bán ra (mức giá là 50.000 đồng/vé).
Liên hoan pháo đất Hải Dương
Ngày 15/2, tại khu di tích chùa Côn Sơn, thị xã Chí Linh đã diễn ra Liên hoan pháo đất tỉnh Hải Dương lần thứ 4, một trong những hoạt động phần hội sôi động nhất được tổ chức sau lễ khai mạc Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc năm 2014, thu hút đông đảo sự nhân dân và du khách thập phương đón xem cổ vũ.
Liên hoan quy tụ 156 pháo thủ đến từ sáu xã gồm An Đức, Nghĩa An, Quyết Thắng (huyện Ninh Giang), Minh Đức, Quang Khải (huyện Tứ Kỳ), Đức Xương (huyện Gia Lộc).
So với ba lần tổ chức trước, liên hoan năm nay có số đội tham dự nhiều nhất (tăng hai đội thi so với liên hoan lần thứ 3).
Theo quy định, mỗi đội tổ chức thi đấu bốn dây pháo. Mỗi dây pháo thi đấu trong 45 phút. Ở mỗi dây, mỗi pháo thủ chỉ được gieo một pháo. Pháo gieo xuống bàn pháo phải ra từ 2 thước trở lên (40cm/thước) ở hai đầu mép ngoài của manh pháo mới được tính điểm.
Sau gần một ngày thi đấu sôi nổi, chung cuộc, đội pháo đất xã Minh Đức (huyện Tứ Kỳ) đã xuất sắc giành giải nhất toàn đoàn với thành tích 551,2 điểm. Giải nhì thuộc về xã Nghĩa An (huyện Ninh Giang), giải ba được trao cho xã Quang Khải (huyện Tứ Kỳ).
Giải cá nhân về dài dây, pháo thủ Nguyễn Đình Ngũ (xã Nghĩa An) đoạt giải nhất với thành tích 33,4 thước; giải nhì thuộc về pháo thủ Phạm Văn Đoàn (xã Nghĩa An) với thành tích 32,7 thước và giải ba thuộc về pháo thủ Nguyễn Văn Đoàn (xã Minh Đức) với thành tích 32,5 thước.
Giải thành tích bền dây 8 thước được trao cho hai pháo thủ Nguyễn Đình Ngũ và Phạm Văn Đoàn.
Thi pháo đất là trò chơi dân gian đặc sắc có từ lâu đời ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có nhiều địa phương của tỉnh Hải Dương.
Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, các dịp tháng Tư, tháng Năm âm lịch, nhân dân nhiều xã ở các huyện Ninh Giang, Tứ Kỳ, Gia Lộc lại tổ chức thi pháo đất. Trò chơi này mô phỏng theo nghi lễ cầu mùa, hình thành trong quá trình người Việt chống chọi với thiên tai, địch họa. Vì thế, có thời kỳ, trong tâm thức người dân một số xã, pháo đất đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu tại ngày hội cầu mùa.
Dân gian quan niệm, tiếng pháo càng to càng báo hiệu một mùa mưa nắng thuận hòa, cây cối tươi tốt.
Đến nay phong trào chơi pháo đất vẫn còn duy trì thường xuyên ở một số xã trong đó có xã Nghĩa An, An Đức, Quyết Thắng thuộc huyện Ninh Giang, Minh Đức, Quang Khải thuộc huyện Tứ Kỳ và Đức Xương thuộc huyện Gia Lộc.
Diễn ra trong khuôn khổ lễ hội mùa Xuân Côn Sơn-Kiếp Bạc, liên hoan này không chỉ là sân chơi rèn luyện sức khỏe của người dân địa phương mà còn thu hút sự quan tâm của cộng đồng trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc./.