Lâm Đồng: Hàng chục cây thông 20 năm tuổi bị cưa hạ để chiếm đất rừng

Chủ tịch UBND thị trấn Nam Ban cho biết do giá đất tăng cao, các đối tượng phá rừng đã dùng các máy móc hiện đại lén lút cưa hạ các cây thông 20 năm tuổi để lấn chiếm đất rừng.
Lâm Đồng: Hàng chục cây thông 20 năm tuổi bị cưa hạ để chiếm đất rừng ảnh 1Tại tiểu khu 263B, liên tiếp có 2 vụ phá rừng khác đã được cơ quan chức năng phát hiện với hơn 80 cây thông 3 lá 20 năm tuổi bị cưa hạ, đốt gốc. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Từ đầu năm đến nay, hàng trăm cây thông ba lá hơn 20 năm tuổi tại lô a3, khoảnh 1, Tiểu khu 263B, lâm phần do Ban Quản lý rừng nguyên liệu giấy Lâm Hà, Công ty Cổ phần tập đoàn Tân Mai, chi nhánh Lâm Đồng, trồng và quản lý, bảo vệ, đã bị cắt hạ để lấn chiếm đất lâm nghiệp.

Từ trung tâm thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, phong viên di chuyển khoảng 15 phút bằng xe máy là đến điểm "nóng" phá rừng.

Hai cán bộ tiểu khu, phụ trách quản lý, bảo vệ rừng đã cho phóng viên thấy những gốc thông bị cắt sát gốc, sau đó được các đối tượng phá rừng phủ một lớp đất lên bề mặt nhằm che mắt lực lượng chức năng. Ngoài ra, còn có những gốc thông nằm trên đường mới mở được đào hố chôn xuống đất.

"Khu vực này trở thành 'miếng mồi' ngon của các đối tượng cộm cán đến cưa hạ cây thông nhằm mục đích lấn chiếm đất rừng do giá đất tăng cao. Các vụ việc phá rừng diễn ra âm thầm, lén lút với sự hỗ trợ của máy móc, phương tiện hiện đại cùng sự manh động của kẻ xấu."

Ông Trần Phú Cường, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị trấn Nam Ban nhận định như vậy về công tác, quản lý bảo vệ rừng trên khu vực thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng.

[Điều tra vụ hàng loạt cây thông cổ thụ tại khu đất vàng Đà Lạt bị hạ]

Khoảng 23 giờ 23 phút ngày 26/2, lực lượng chức năng tiến hành mật phục vây bắt các đối tượng phá rừng, san ủi đất lâm nghiệp tại lô a3, khoảnh 1, tại Tiểu khu 263B, thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà.

Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng tiếp cận hiện trường, các đối tượng đã nhanh chóng bỏ trốn.

Tại hiện trường, một chiếc máy múc vẫn còn đang nổ máy, 41 cây thông đường kính từ 15-40cm bị cưa hạ sát mặt đất. Phần thân những cây thông được cắt ngắn, đưa xuống vườn cà phê cách hiện trường khoảng 20m. Những cành nhánh nhỏ của cây thông bị đốt cháy để phi tang.

Các đối tượng phá rừng còn mở một con đường dài trên 70 mét, rộng 2,5 mét trên đất lâm nghiệp. Qua kiểm đếm, lực lượng chức năng xác định có khoảng 10,470 m3 gỗ thông bị thiệt hại trên diện tích hơn 1.300m2 đất lâm nghiệp.

Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Hà đã giao Công an huyện phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ.

Tại tiểu khu này liên tiếp có 2 vụ phá rừng khác được cơ quan chức năng phát hiện với hơn 80 cây thông 3 lá 20 năm tuổi bị cưa hạ, đốt gốc. Các đối tượng phá rừng đã cưa hạ hơn 12m3 gỗ thông, gây thiệt hại trên diện tích hơn 1.400m2.

Chiều 10/3, cơ quan chức năng huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, đã thành lập đoàn tổ chức khám nghiệm hiện trường gồm Công an huyện, Hạt Kiểm lâm. Bí thư và Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lâm Hà đã trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm tra.

Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Lâm Hà đã triệu tập một số đối tượng có liên quan để điều tra làm rõ vụ việc.

Trước thực trạng phá rừng diễn biến phức tạp tại các địa phương, ngày 17/2, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng."

Trong đó, đáng chú ý là nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời chỉ đạo thực hiện nghiêm trách nhiệm chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp xã trong việc quản lý tài nguyên rừng, đất đai, khoáng sản…

Hằng năm, lãnh đạo tỉnh đi kiểm tra rừng ít nhất 1 lần/tháng; Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn, đi kiểm tra rừng, dự án có rừng ít nhất hai lần/tháng để nắm bắt tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc và xử lý vi phạm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục