Lao động đi làm việc ở nước ngoài: Sửa luật tạo môi trường minh bạch

Những quy định mới được sửa đổi, bổ sung nhằm tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Người lao động xem danh sách thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Người lao động xem danh sách thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy tình trạng thu phí người lao động Việt Nam ở nước ngoài cao hơn mức trần theo quy định của luật còn khá phổ biến. Một số người được phỏng vấn cho biết họ đã phải trả từ 163 triệu đồng đến 372 triệu đồng (7.000-16.000 USD) để đi làm việc tại Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc)..., cao hơn nhiều so với mức giới hạn theo quy định của pháp luật.

Thực trạng này cho thấy việc tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ giúp giải quyết vấn đề thu phí quá cao so với mức luật định, ngoài ra cũng dễ giám sát và thực thi hơn.

Những thay đổi này đều đã được luật hóa trong dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sửa đổi. Dự thảo luật đã được Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 10 sắp tới của Quốc hội.

Đối tượng bao quát hơn

Dự thảo luật sửa đổi Điều 1 về phạm vi điều chỉnh để đảm bảo phạm vi rộng hơn các quan hệ việc làm của người lao động Việt Nam ở nước ngoài, bao quát cả việc đưa người đi và người lao động đi theo hợp đồng do người lao động trưc tiếp giao kết. Luật hiện hành chỉ quy định về “hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” nhấn mạnh vào hoạt động đưa người đi; còn dự thảo luật sửa đổi quy định về “người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.”

Ngoài ra, dự thảo luật cũng đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp này hoạt động phi lợi nhuận, chỉ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo thỏa thuận quốc tế đã được địa phương ký kết.

Bổ sung thêm các chính sách mới

Dự thảo đưa ra một số đề xuất mới về chính sách như mở thị trường có thu nhập cao và thị trường có công việc, ngành nghề giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động; hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp; chính sách đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đồng thời đưa nội dung lồng ghép bình đẳng giới trong hoạt động người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi luật lần này là tập trung vào mở các thị trường, ưu tiên các ngành nghề có thể giúp nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề cho người lao động để sau khi về nước họ có thể đóng góp vào công cuộc xây dựng kinh tế đất nước.

Minh bạch và giảm thiểu chi phí

Dự thảo luật đã sửa đổi khái niệm về tiền dịch vụ và các quy định liên quan đến tiền dịch vụ để bảo đảm minh bạch và giảm thiểu chi phí cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bổ sung quy định về tiền dịch vụ: "Trường hợp bên nước ngoài đã trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ thì doanh nghiệp dịch vụ chỉ được thu của người lao động số tiền dịch vụ bằng với mức trần tiền dịch vụ trừ đi số tiền dịch vụ đã nhận của bên nước ngoài tiếp nhận lao động.”

Lao động đi làm việc ở nước ngoài: Sửa luật tạo môi trường minh bạch ảnh 1Lao động làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài. (Ảnh minh họa: Hồng Kiều/Vietnam+)

Bổ sung khái niệm về hợp đồng môi giới, không sử dụng khái niệm “tiền môi giới” mà thay bằng khái niệm “thù lao theo hợp đồng môi giới” và quy định ”Hai bên thỏa thuận về thù lao theo hợp đồng môi giới trong Hợp đồng môi giới nhưng không vượt quá mức trần theo quy định.” Đặc biệt, dự thảo bỏ quy định về việc người lao động có trách nhiệm hoàn trả một phần tiền môi giới cho doanh nghiệp dịch vụ tại quy định liên quan đến thù lao theo hợp đồng môi giới.

Quy định chặt chẽ về ký quỹ

Dự thảo luật đã quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc ký quỹ và bảo lãnh đối người lao động đi làm việc ờ nước ngoài; quy định cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ trong việc quản lý các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ để đảm bảo công bằng xã hội, tránh dẫn đến việc cưỡng bức lao động.

[ăng cường bảo vệ, hỗ trợ người lao động Việt Nam ở nước ngoài]

Đáng lưu ý, dự thảo luật cũng có quy định cấm áp dụng các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ ngoài biện pháp ký quỹ và bảo lãnh. Điều này sẽ hạn chế việc các cá nhân, tổ chức lợi gây sức ép về kinh tế lên người lao động. Việc quy định trong luật về việc ký quỹ, bảo lãnh nhằm đảm bảo tính minh bạch, cụ thể của quy định pháp luật và phù hợp với thực tiễn bối người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hiện nay.

Nâng cao điều kiện với doanh nghiệp

Về điều kiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, dự thảo luật đã sửa đổi theo hướng nâng cao các điều kiện về vốn chủ sở hữu, ký quỹ, người đại diện theo pháp luật, nhân viên nghiệp vụ, cơ sở vật chất và trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, bổ sung quy định phải duy trì các điều kiện hoạt động nêu trên trong suốt quá trình hoạt động để đảm bảo lựa chọn những doanh nghiệp thực sự có năng lực tài chính, có bộ máy đảm bảo hoạt động, bảo vệ có hiệu quả quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động,

Dự thảo bổ sung quy định mới “thời hạn giấy phép là 5 năm, được gia hạn giấy phép nhiều lần, mỗi lần 5 năm.” Đây là nội dung mới cần thiết, phù hợp với quy định về thời hạn của các giấy phép khác trong lĩnh vực lao động hiện nay; tạo sự chuyển động tích cực đối với hoạt động của doanh nghiệp sau khi được cấp phép; bảo đảm các doanh nghiệp sau khi cấp phép luôn nỗ lực nâng cao năng lực, uy tín hoạt động, duy trì và phát triển mở rộng thị trường và chăm lo quyền lợi của người lao động do mình đưa đi, và tạo cơ chế kiểm soát chặt chẽ hơn cho cơ quan quản lý nhà nước với hoạt động của các doanh nghiệp.

Nới việc tuyển chọn nguồn lao động

Để thực hiện chủ trương đào tạo nguồn nhân lực, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong những ngành nghề có việc làm, thu nhập tốt và có trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề cao, dự thảo luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung các điều luật liên quan đến đào tạo nguồn nhân lực, tuyển chọn, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, đào tạo tác phong lao động và ý thức tuân thủ kỷ luật.

Dự thảo cho phép hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; đẩy mạnh hợp tác hoạt động người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm mở thêm thị trường lao động mới, thị trường mang lại việc làm có thu nhập cao, công việc và ngành nghề giúp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Một điểm mới là dự thảo luật quy định cho phép doanh nghiệp dịch vụ được chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động, chủ động hơn  trong công tác chuẩn bị. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng doanh nghiệp lợi dụng quy định để tuyển chọn, đào tạo tràn lan, gây thiệt hại cho người lao động và lãng phí cho xã hội, dự thảo luật cũng quy định cụ thể các điều kiện để doanh nghiệp được chuẩn bị nguồn, cơ chế quản lý đối với hoạt động chuẩn bị nguồn, trách nhiệm và hậu quả pháp lý của doanh nghiệp trong hoạt động chuẩn bị nguồn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục