Liên hoan múa Rồng Hà Nội 2019 tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm

Đã có 15 đội rồng của 15 quận, huyện tham gia Liên hoan múa Rồng Hà Nội sẽ diễn ra vào sáng 6/10 tại khu vực phía trước Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Liên hoan múa Rồng Hà Nội 2019 tại không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm ảnh 1Biểu diễn múa Rồng. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Liên hoan múa Rồng Hà Nội 2019 sẽ diễn ra vào sáng 6/10 tại khu vực phía trước Tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh, ngã ba Đinh Tiên Hoàng-Hàng Dầu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây là một trong những sự kiện văn hóa, nghệ thuật lớn, có ý nghĩa đặc biệt trong chuỗi các hoạt động hướng tới chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

Thông tin này được Ban tổ chức liên hoan cho biết sáng 19/9.

Đến nay, đã có 15 đội rồng của 15 quận, huyện tham gia Liên hoan múa Rồng Hà Nội gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Oai, Gia Lâm, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Cầu Giấy, Long Biên, Đan Phượng, Chương Mỹ và Thanh Trì. Đây đều là những quận, huyện có đội rồng mạnh, đã từng tham gia nhiều hoạt động liên quan do địa phương và thành phố tổ chức.

Mỗi đơn vị sẽ mang đến liên hoan một chương trình được dàn dựng độc lập, sử dụng một hoặc nhiều con rồng kết hợp múa “tứ linh” (long, lân, quy, phượng) để tạo thành một thông điệp cụ thể chào mừng kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

[Tưng bừng Lễ hội Lân Sư Rồng Quốc tế Đà Nẵng năm 2019]

Các đoàn có thể sử dụng các kỹ xảo phức tạp, hấp dẫn như xếp hình cao, phun lửa, phun mưa, nhào lộn, xếp hình có nội dung… Số lượng người biểu diễn trong mỗi đoàn múa rồng không hạn chế. Sau khi kết thúc biểu diễn, các đội rồng tham gia diễu hành xung quanh hồ Hoàn Kiếm phục vụ công chúng.

Ông Dương Minh Châu, Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội, Trưởng Ban tổ chức khẳng định, múa rồng là một bộ môn nghệ thuật dân gian thường được biểu diễn trong các dịp lễ hội, các sự kiện đặc biệt quan trọng.

Hình tượng rồng gắn liền với nguồn gốc “con Rồng, cháu Tiên” của người Việt. Đối với Thủ đô Hà Nội, nơi mệnh danh là “Thành phố rồng bay,” hình tượng rồng lại càng gần gũi và thân thương hơn.

Thăng Long là kinh đô của nước Đại Việt xưa, cũng là tên gọi đầu tiên của Thủ đô Hà Nội ngày nay. Tuy đã trải qua hơn nghìn năm thăng trầm nhưng tên gọi này vẫn luôn gắn liền với Hà Nội. Vì vậy, lựa chọn tổ chức Liên hoan múa Rồng trong ngày lễ lớn của Thủ đô cũng là cách để tái hiện lại lịch sử của dân tộc Việt Nam và của Hà Nội một cách sống động, đầy cảm xúc và tự hào.

Với tổng số 17 giải, bên cạnh các giải nhất, nhì, ba và khuyến khích, Liên hoan Múa rồng Hà Nội 2019 còn dành sự ghi nhận cho giải “Con rồng thiết kế và trang trí đẹp nhất” cùng giải “Sáng tạo nghệ thuật múa.”

Liên hoan múa Rồng Hà Nội 2019 đánh dấu lần thứ 5 được tổ chức với quy mô lớn, rộng khắp toàn Hà Nội.

Liên hoan hứa hẹn góp phần tạo nên một lễ hội văn hóa truyền thống rộn ràng, vui tươi cho đông đảo nhân dân trong nước và du khách nước ngoài nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Hàng nghìn người tập trung tại Nhà thờ St. Mary tận hưởng không khí lễ hội Giáng sinh với các tiết mục ánh sáng và những câu chuyện cổ tích. (Ảnh: Lê Đạt/TTXVN)

Rộn ràng không khí đón Giáng sinh 2024 ở Australia

Chiều Giáng sinh 2024, người dân thành phố Sydney nhộn nhịp tập trung tại các khu phố, trung tâm thương mại, nhà thờ lớn để tận hưởng một bầu không khí Giáng sinh ấm áp, đầy sắc màu và âm nhạc.

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Brussels sôi động mùa lễ hội cuối năm

Thủ đô Brussels (Bỉ) mỗi dịp cuối năm lại trở nên lung linh huyền ảo hơn bao giờ hết với hàng ngàn ánh đèn lấp lánh trên khắp các con phố và nhiều hoạt động sôi động, tạo nên một mùa lễ hội đáng nhớ.

Gian hàng món ngon Sài Thành giới thiệu phong phú món ăn. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Khai mạc Lễ hội ẩm thực đường phố Sài Gòn 2024

Lễ hội lấy cảm hứng từ tinh hoa ẩm thực Việt với 5 hương vị nguyên bản, gồm vị của “tuổi thơ” hồn nhiên, “thanh xuân” tươi mới, “vấp ngã” đầy thử thách, “trưởng thành” chín chắn và “đời” sâu lắng.