Liên minh châu Âu nhất trí cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga

EU đã ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga trong một thỏa thuận có sự thỏa hiệp với Hungary để phản đối Moskva vì đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Liên minh châu Âu nhất trí cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga ảnh 1Toàn cảnh nhà máy lọc dầu OMV lớn nhất của Áo ở Schwechat, gần Vienna. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo EU ngày 30/5 đã ủng hộ lệnh cấm nhập khẩu hơn 2/3 lượng dầu mỏ từ Nga trong một thỏa thuận có sự thỏa hiệp với Hungary để phản đối Moskva vì đã tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Trên mạng xã hội Tweeter, quan chức này cho hay đã có sự nhất trí cấm xuất khẩu dầu của Nga sang EU và lệnh cấm ngay lập tức áp dụng đối với hơn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, cắt giảm một nguồn tài chính khổng lồ của Nga.

Theo quan chức này, đây là quyết định nhằm gây sức ép tối đa lên Nga.

Ông Charles Michel cho biết thêm các nhà lãnh đạo EU cũng nhất trí loại ngân hàng lớn nhất của Nga Sberbank khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT và cấm thêm 3 đài thuộc sở hữu nhà nước Nga.

[EU không đạt được nhất trí về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga]

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Ursula von der Leyen, người đã đề xuất gói trừng phạt thứ sáu hồi đầu tháng 5, cho biết liên minh vẫn chưa đạt được sự đồng thuận.

Tại Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU diễn ra trong hai ngày 30-31/5 tại thủ đô Brussels, các nhà lãnh đạo châu Âu cũng thảo luận về sự cần thiết phải đảm bảo tính thanh khoản cho nền kinh tế Ukraine.

Hội đồng châu Âu (EC) đã đề xuất viện trợ lên tới 9 tỷ euro trong năm nay cho Ukraine và đảm bảo an ninh lương thực khi nguồn ngũ cốc lớn từ Ukraine do chiến tranh không tới được các nước cần nhập khẩu, nhất là các nước châu Phi.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị cũng ủng hộ việc thành lập một quỹ quốc tế để tái thiết Ukraine sau chiến tranh, đồng thời cam kết đẩy nhanh việc giúp Ukraine chuyển ngũ cốc ra khỏi đất nước tới các khách hàng toàn cầu bằng đường sắt cũng như đường bộ và thực hiện các bước để nhanh chóng không phụ thuộc vào năng lượng của Nga./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục