Ngày 16/7, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An tổ chức Hội nghị công bố các chỉ số về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh năm 2023.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, ông Nguyễn Văn Út cho biết, hội nghị nhằm phân tích, đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) năm 2023 của tỉnh Long An.
Tại đây, tỉnh tập trung phân tích chi tiết các chỉ số thành phần, làm rõ nguyên nhân, tồn tại và hạn chế đối với những chỉ số thành phần còn thấp điểm, giảm hạng và đề xuất các giải pháp cải thiện bền vững trong giai đoạn tới, qua đó góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An Nguyễn Văn Được cho hay, năm 2023, chỉ số PCI của tỉnh tăng cao về điểm số và thứ bậc, xếp thứ 2 cả nước; chỉ số PGI cũng có sự đột phá khi tăng 16 bậc so với năm 2022, xếp thứ 12 cả nước; chỉ số Cải cách hành chính (PAR Index) xếp thứ 8. Kết quả này đã tiếp tục khẳng định niềm tin, sự đánh giá hài lòng ngày càng cao từ cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Được đề nghị, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, tỉnh cần nhìn thẳng sự thật về hạn chế yếu kém. Đó là mức độ hài lòng về sự phục vụ hành chính của người dân, đánh giá về hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh còn ở mức thấp.
Các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị-xã hội cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị được giao; tiếp tục đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, lấy việc phục vụ nhân dân làm mục tiêu, đảm bảo dân chủ, khách quan và minh bạch; chú trọng giáo dục nâng cao đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Đồng thời, tập trung rà soát, cắt giảm thời gian thực hiện và đơn giản hóa các thủ tục hành chính; trọng tâm là các thủ tục hành chính về đất đai, quy hoạch, xây dựng, sản xuất kinh doanh... Tỉnh phấn đấu năm 2024 giữ top 5 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Út, mặc dù Long An đạt được những kết quả nổi bật nhưng qua phân tích vẫn còn một vài chỉ số thành phần đạt điểm thấp.
Cụ thể, chỉ số gia nhập thị trường (hạng 43 - giảm 14 bậc so với năm 2022); chỉ số tính minh bạch (hạng 34 - giảm 22 bậc so với năm 2022)...
Tỉnh vẫn còn những hạn chế như trở ngại trong việc tiếp cận đất đai có dấu hiệu gia tăng và tiếp tục là điểm nghẽn lớn tồn đọng trong nhiều năm qua, gây cản trở cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Tính minh bạch về các thông tin quy hoạch, chính sách, văn bản điều hành của tỉnh vẫn chưa thật sự tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp được tiếp cận một cách đầy đủ và toàn diện. Bên cạnh đó, gánh nặng về thanh tra, kiểm tra có xu hướng tăng mạnh trở lại.
Cũng theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, thời gian tới tỉnh tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính một cửa, một cửa liên thông, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, những phản ánh, kiến nghị, giải quyết triệt để, thấu đáo của nhân dân, doanh nghiệp.
Đối với những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách chung làm cản trở việc nâng cao các chỉ số, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương chủ động nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền giải quyết kịp thời. Qua đó, tiếp tục tạo dựng và củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân, doanh nghiệp.
Ngoài ra, Long An tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm, nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; chủ động giải quyết công việc theo thẩm quyền, không đùn đẩy trách nhiệm, phát huy tính năng động, tiên phong sáng tạo, thường xuyên quán triệt cán bộ, công chức, viên chức tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ.
Tỉnh kiên quyết sàng lọc, thay thế kịp thời những cá nhân không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm pháp luật, kỷ luật, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, làm giảm sút uy tín, nhất là nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp.
Dịp này, Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An công bố và vinh danh Top 10 đơn vị đứng đầu trong Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh khối sở, ban, ngành và khối địa phương (DDCI) năm 2023./.
Năm 2030, An Giang là tỉnh phát triển khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long
Đến năm 2030, An Giang sẽ là trung tâm du lịch sinh thái của vùng; đầu mối giao thương, hợp tác với Campuchia; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, thích ứng với biến đổi khí hậu.