Malaysia tiếp tục giữ vị trí nền kinh tế Hồi giáo hàng đầu thế giới

Chính phủ Malaysia đã xác định rõ tài chính Hồi giáo và kinh tế số Hồi giáo là những hoạt động tăng trưởng kinh tế chủ chốt nhằm đạt được và duy trì vị thế trung tâm fintech Hồi giáo toàn cầu.
Malaysia tiếp tục giữ vị trí nền kinh tế Hồi giáo hàng đầu thế giới ảnh 1Bank Islam, ngân hàng Hồi giáo hàng đầu của Malaysia. (Ảnh: New Straits Times)

Theo Báo cáo Kinh tế Hồi giáo toàn cầu năm 2020, Malaysia tiếp tục dẫn đầu năm thứ 8 liên tiếp trong bảng xếp hạng Chỉ số Kinh tế Hồi giáo toàn cầu (GIEI).

Bản báo cáo nhận định, các lĩnh vực kinh tế và công nghệ tài chính (fintech) của Malaysia tiếp tục phát triển với những hỗ trợ từ chính phủ cùng sự thúc đẩy liên tục của Tập đoàn Kinh tế Kỹ thuật số Malaysia (MDEC) trong nỗ lực mở rộng số hóa nền kinh tế, định hình hệ sinh thái thuận lợi cho phát triển.

[BIM được vinh danh là ngân hàng bán lẻ Hồi giáo mạnh nhất năm 2020]

Trong những năm qua, chính phủ Malaysia đã xác định rõ tài chính Hồi giáo và kinh tế số Hồi giáo là những hoạt động tăng trưởng kinh tế chủ chốt nhằm đạt được và duy trì vị thế trung tâm fintech Hồi giáo toàn cầu. Cùng với đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng là nhà phát hành trái phiếu Hồi giáo Sukuk lớn nhất thế giới song song với hệ thống tiêu chuẩn Halal toàn cầu. 

Phó Chủ tịch MDEC Gopi Ganesalingam khẳng định sự công nhận các giá trị này ở phạm vi toàn cầu mở đường cho Malaysia tiếp tục ở vị trí dẫn đầu với tư cách là trung tâm fintech Hồi giáo và hướng tới trở thành "trái tim" của ASEAN về lĩnh vực số hóa. 

Ông Gopi khẳng định, với hệ sinh thái kinh tế số mạnh mẽ tại các nước thành viên của tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), Malaysia có lợi thế so sánh so với các quốc gia khác trong việc cung cấp dịch vụ tài chính Hồi giáo và fintech theo luật Sharia trên toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục