Một số nước có khả năng tẩy chay World Cup 2018 tại Nga

Bộ Ngoại giao Nga đã mời đại sứ các nước tại Moksva tới trụ sở bộ này gặp lãnh đạo và chuyên gia Vụ các vấn đề giải trừ và kiểm soát vũ khí để thảo luận làm rõ vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal.
Một số nước có khả năng tẩy chay World Cup 2018 tại Nga ảnh 1Các nhà ngoại giao Nga và gia đình rời Đại sứ quán Nga ở London, Anh ngày 20/3. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 20/3, truyền thông đưa tin các nước Thụy Điển, Đan Mạch, Iceland và Ba Lan đang xem xét khả năng tẩy chay Vòng chung kết bóng đá thế giới (World Cup) 2018 tại Nga vào tháng 6 tới.

Ngoại trưởng Iceland Goodleihur Tor Thordason tuyên bố hiện chính quyền nước này đang xem xét khả năng không cử đoàn quan chức tham dự World Cup 2018 vì vụ việc cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh.

Dù quyết định cuối cùng chưa được đưa ra, song theo ông Thordason, quyết định sẽ được quốc đảo này thảo luận với các nước đồng minh. Tương tự, Thụy Điển và Đan Mạch cũng để ngỏ khả năng này.

Trong khi đó, ngày 20/3, Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã chính thức từ chối không cử đại diện Ba Lan tham dự Vòng chung kết giải bóng đá thế giới (World Cup) 2018 diễn ra tại Nga.

Ông Duda cũng cho biết sẽ không có mặt tại lễ khai mạc giải thể thao được chờ đợi lớn nhất hành tinh vào ngày 14/6 tại Moskva.

[Chính phủ Nga dọa trả đũa Anh liên quan vụ đầu độc điệp viên]

Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May cũng tuyên bố các bộ trưởng và đại diện cấp cao của nước này, cụ thể là các thành viên Hoàng gia, sẽ không tới Nga tham dự World Cup vì những cáo buộc Moskva đứng sau vụ đầu độc trên. Mặc dù vậy, cho đến nay, các chính phủ Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố không tẩy chay World Cup 2018 tại Nga. 

Ngày 21/3, Bộ Ngoại giao Nga đã mời đại sứ các nước tại Moksva tới trụ sở bộ này gặp lãnh đạo và chuyên gia Vụ các vấn đề giải trừ và kiểm soát vũ khí để thảo luận làm rõ vụ đầu độc diễn ra tại thành phố Salisbury, Tây Nam nước Anh, liên quan cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết nội dung thảo luận chính trong cuộc gặp là tình hình xung quanh tuyên bố của Anh về việc sử dụng chất độc trên lãnh thổ nước này.

Theo bà Zakharova, mặc dù Anh liên tục cáo buộc Nga trong vụ việc, trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng xuất hiện nhiều ý kiến, đánh giá của các chuyên gia, song cho tới nay không ai biết chính xác loại chất độc nào đã được sử dụng, cũng không rõ tình hình của cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái. Đại diện Nga khẳng định phía Anh không hề đưa ra các chứng cứ xác thực nào ngoài những cáo buộc "lỗ mãng" nhằm vào Nga.

Tuy nhiên, ngày 21/3, Đại sứ quán Anh tại Nga cho biết Đại sứ Anh Laure Bristow sẽ không tham dự cuộc họp trên tại Bộ Ngoại giao Nga.

Đại sứ quán Mỹ tại Nga cùng ngày cũng cho biết Đại sứ Mỹ tại Nga Jon Huntsman​ cũng không tham dự cuộc gặp. Đại sứ quán một số nước phương Tây như Đức, Pháp... cử đại diện. 

Theo Reuters, Điện Kremlin ngày 21/3 đã lên án quyết định của Đại sứ Anh tại Moskva không tham gia cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu với phóng viên: "Đây lại là một ví dụ điển hình khác về tình trạng vô lý khi câu hỏi được đưa ra nhưng lại không sẵn sàng nghe câu trả lời."

Cuộc tranh cãi Nga-Anh liên quan đến vụ việc trên đã khiến quan hệ ngoại giao giữa hai nước "rơi tự do," với việc Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố London đình chỉ hoạt động tiếp xúc ngoại giao cấp cao với Nga, rút lại lời mời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov​ tới thăm Anh, đồng thời trục xuất 23 nhà ngoại giao Nga tại Anh.

Đáp lại, Nga cũng trục xuất số nhà ngoại giao tương tự, yêu cầu đóng cửa Văn phòng Hội đồng Anh tại Nga cũng như Tổng lãnh sự quán Anh tại St. Petersburg./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục