Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng

Hiện nay, tại Quảng Trị, mưa lớn vẫn tiếp tục, nước sông vẫn đang lên, có nơi vượt đỉnh lũ năm 1983, tình hình mưa lũ sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp.
Một trạm y tế xã bị ngập sâu trong nước tại Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)
Một trạm y tế xã bị ngập sâu trong nước tại Quảng Trị. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Mưa lũ ở khu vực Trung Bộ từ ngày 6-8/10 đã gây ra những thiệt hại nặng nề về người và tài sản trên địa bàn.

Quảng Trị: Mực nước có nơi vượt đỉnh lũ năm 1983

Hiện nay, tại Quảng Trị, mưa lớn vẫn tiếp tục, nước sông vẫn đang lên, có nơi vượt đỉnh lũ năm 1983, tình hình mưa lũ sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. 

Trong các ngày từ 5-8/10, lượng mưa đo được trên địa bàn tỉnh phổ biến từ 500-700mm, một số nơi lớn hơn như tại Hướng Linh là 990,8mm, tại Đakrông là 840mm, tại Linh Thượng là 767,6mm, tại Đầu Mầu là 758mm, tại Hướng Sơn là 730mm...

Lũ trên các sông đều lên nhanh và đạt đỉnh phổ biến ở mức trên báo động 2 đến báo động 3, có nơi trên báo động 3, riêng sông Hiếu vượt đỉnh lũ lịch sử 1983.

Hiện nay, mực nước các sông vẫn đang ở mức cao, tại sông Hiếu, Thạch Hãn vẫn duy trì ở mức báo động 3. Mưa lũ đã khiến 2 người chết, 7 người mất tích. 

Mưa lớn đã khiến hàng ngàn nhà dân bị ngập sâu trong nước. Tại huyện Hướng Hóa, các xã Tân Thành, Tân Long, Thuận, Thanh, Hướng Phùng, Hướng Việt và thị Trấn Lao Bảo bị ngập lụt, chia cắt cục bộ. Đường vào trung tâm xã Hướng Linh bị sạt lở 2 điểm thuộc địa phận xã Hướng Tân, hiện các loại phương tiện không qua lại được.

Tại huyện Đakrông, tuyến đường 588 bị ngập sâu, chia cắt nhiều điểm của các xã Triệu Nguyên, Ba Lòng, Mò Ó; đường vào trung tâm xã A Vao, Ba Nang cũng bị chia cắt nhiều vị trí như cầu Đá đỏ, Ra Lây,Tà Rẹc; thôn Đá Nỗi xã Ba Lòng và một số vị trí của thôn Na Nẫm xã Triệu Nguyên bị ngập lụt; một số tuyến đường liên thôn A Bung xã A Bung - thôn A Rồng trên xã A Ngo, đường nội thôn Gia Giã, xã Hướng Hiệp, nội thôn Húc Nghì xã Húc Nghì, thôn Ly Tôn xã Tà Long bị chia cắt do các tràn và ngầm tràn mực nước ngập sâu 1-2m...

Đặc biệt, tại huyện Hải Lăng, Triệu Phong, hầu hết các xã đều bị ngập lụt trên diện rộng. Các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ mưa lớn cũng khiến hàng nghìn ngôi nhà bị ngập từ 1-1,5m.

Trước tình hình trên, chính quyền địa phương các cấp đã triển khai lực lượng sơ tán 3.645 hộ dân với 11.842 người đến các khu vực an toàn. 

Hiện nay, mực nước ở các đập thủy điện trên địa bàn huyện đã vượt ngưỡng tràn từ 1,8-4m. Tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, trên tuyến đường Hồ Chí Minh tại Km 50+150 đã xảy ra tắc đường tại huyện Cam Lộ.

Các tuyến đường Cu Vơ, xã Hướng Linh; Hướng Tân-Hướng Linh; đường Hướng Phùng- Hướng Sơn; đường Quốc lộ 9; Hồ Chí Minh nhánh tây; ĐT586; ĐT587 sạt lở mái taluy đường...

Mưa lũ cũng đã khiến 6 tàu gặp sự cố trong đó có 3 tàu chìm. Tàu Vietship TK 12 bị chìm gần khu vực phao số 0 luồng hàng hải Cửa Việt, trên tàu có 5 người, 3 người đã được tàu Vietship 01 cứu, đưa lên tàu an toàn, hiện đang tìm kiếm 2 người còn lại.

Tàu Thanh Thành Đạt 55 gồm 7 thuyền viên, 6 thuyền viên đã được tàu Thanh Thành Đạt 68 cứu, đang tìm kiếm 1 người còn lại. Tàu Vietship 09 bị chìm, 4 người trên tàu đã bơi vào bờ an toàn.

Ngoài ra có 2 tàu bị mắc cạn gồm tàu Vietship 01 có 12 thuyền viên mắc cạn tại phao số 0, cách cảng Cửa Việt 1km; tàu Hoàng Tuấn 26, gồm 12 thuyền viên vẫn an toàn. Hiện nay, còn tàu Thanh Thành Đạt 68, gồm 9 thuyền viên, thả neo tại phao số 1, cách cảng Cửa Việt 1,5km đang bị trôi dạt.

Để đảm bảo ứng cứu các thuyền viên trên các tàu, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đang triển khai lực lượng cứu hộ, cứu nạn tuy nhiên do mưa lớn, sóng to nên gặp rất nhiều khó khăn. 

Mưa lớn cũng khiến hơn 537ha nuôi trồng thủy hải sản bị ngập, cá nuôi tại 30 lồng bị chết; hơn 150ha diện tích hoa màu các loại bị hư hại; hơn 1.000 chậu hoa bị hỏng; 32.000 con gia cầm bị chết hoặc nước cuốn trôi...

Quảng Nam kêu gọi người dân di dời đến nơi an toàn khỏi mưa lũ

Từ ngày 6-8/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to kéo dài, tổng lượng mưa bình quân từ 262-542mm, gây ngập úng tại một số địa phương, làm thiệt hại đến các công trình công cộng, tài sản của các hộ dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Tại thành phố Hội An, nước từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước sông Hoài dâng nhanh, làm ngập một số tuyến đường trong khu vực phố cổ, gồm Bạch Đằng, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Phúc Chu, chợ Hội An bị ngập sâu khoảng 0,3 - 0,5 m.

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng ảnh 1Đường Hoàng Văn Thụ, thành phố Hội An, nơi có nhiều di tích lịch sử văn hóa bị ngập sâu trong nước lũ. (Ảnh: Hữu Trung/TTXVN)

Để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách, chính quyền địa phương đã căng dây cảnh báo nguy hiểm tại các tuyến đường trên. Bên cạnh đó, các cấp địa phương của thành phố Hội An đã huy động các lực lượng tổ chức vớt rác, ngăn gỗ lớn trôi trên sông để phòng tránh va đập làm hư hỏng các công trình công cộng, nhà dân ở ven sông. Lo sợ nước còn tiếp tục dâng cao, một số hộ dân ở thành phố Hội An đã di dời đồ đạc, vật dụng quý giá.

Huyện Đại Lộc, địa phương được người dân Quảng Nam gọi là “rốn lũ,” cũng đã chìm trong "biển nước." Do lượng nước từ thượng nguồn đổ về quá nhiều, nước sông Vu Gia dâng cao làm nhiều xã của huyện Đại Lộc ngập nước trong nhiều ngày, gồm các xã: Đại Hưng, Đại An, Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Hòa và thị trấn Ái Nghĩa.

Ông Hồ Ngọc Mẫn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Đại Lộc cho biết: Hiện mực nước sông Vu Gia đã ở trên mức báo động 3. Trên địa bàn huyện, một số tuyến đường đã bị ngập sâu trong nước gây ách tắc giao thông, nhiều hộ dân phải dùng thuyền và các vật nổi làm phương tiện di chuyển.

Để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân, Ủy ban Nhân dân huyện Đại Lộc đã cử người chốt chặn tại các điểm đầu của các tuyến đường bị ngập, không để người dân đi qua để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Tại các huyện miền núi Tây Giang, Nam Trà My, mưa lớn kéo dài đã làm sạt lở nghiêm trọng tuyến đường Hồ Chí Minh chạy qua các huyện này. Các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ và đường liên xã chạy qua các huyện trên cũng bị sạt lở nặng nề nhiều vị trí, gây ách tắc giao thông.

Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục trên địa bàn của 2 huyện trên cũng bị ngập, nước tràn vào trường học, cuốn trôi và làm hư hỏng một số trang thiết bị giảng dạy của giáo viên và đồ dùng học tập của học sinh.

Trường Trung học cơ sở bán trú Lý Tự Trọng ở xã A Xan, huyện Tây Giang bị nước tràn vào nhà kho bán trú của học sinh. Trường Tiểu học Làng Ông Sinh ở xã Trà Vân và khu bếp ăn tập thể của trường Trung học cơ sở Trà Vân (huyện Nam Trà My) có nguy cơ bị sạt lở.

Để tránh nguy cơ gây thương tích cho giáo viên và học sinh, xã Trà Vân đã tổ chức di dời giáo viên và học sinh các trường học trên đến nơi an toàn.

Theo cảnh báo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, từ tối 8/10 đến tối 10/10, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to.

Để phòng tránh thiệt hại và đảm bảo an toàn về người và tài sản cho người dân, chính quyền các cấp tỉnh Quảng Nam đã kêu gọi các hộ gia đình ở những nơi nguy hiểm di dời đến nơi an toàn để trú ẩn; kêu gọi tàu thuyền vào bờ tránh trú an toàn…

Mưa lớn gây ngập lụt nhiều khu dân cư ở Đà Nẵng

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa Bắc của dãy hội tụ nhiệt đới đi qua Trung Bộ nối với vùng áp thấp trên Biển Đông nên từ chiều 6/10 đến chiều 8/10, tại thành phố Đà Nẵng đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), đến 11 giờ ngày 8/10, mưa lũ đã làm 8/11 xã trên địa bàn huyện Hòa Vang bị ngập lũ; chủ yếu ở các xã vùng trũng thấp, dọc các tuyến sông như các xã: Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Liên …

Mưa lũ gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Trị, Quảng Nam, Đà Nẵng ảnh 2Nhà của người dân thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang bị ngập trong nước và khu dân cư bị chia cắt với bên ngoài. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Một số tuyến đường liên xã, liên thôn bị ngập úng cục bộ như: tuyến đường ĐH2, tuyến đường từ Phước Thái đi Diêu Phong thuộc xã Hòa Nhơn; tuyến đường ĐH8, đoạn thôn Lệ Sơn 2 (Cầu Bến Giang) xã Hòa Tiến…

Mưa lũ đã làm sạt lở, gây bồi lấp tuyến đường ADB5 tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên đi xã Hòa Bắc, tổng sạt lở tại 4 điểm, khoảng trên 30 m3; xói lở đường bê tông dài 90m gần đoạn Cầu Quảng xã Hòa Liên; xói lở Tuyến đường ĐT 601 tại tổ 4, thôn Quan Nam 3, xã Hòa Liên (đang thi công đường ống dẫn nước) làm đất tràn vào nhà 4 hộ dân; có 6,8ha rau màu các loại bị ngập úng tại xã Hòa Nhơn…

Chiều 8/10, tại thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, hàng chục nhà dân trong thôn bị ngập trong nước, chia cắt với bên ngoài, có nơi ngập sâu đến 1,5m, người dân phải kê cao đồ đạc, tài sản trong nhà. Các hộ dân phải dùng thuyền và bè chuối nối lại để làm phương tiện di chuyển ra ngoài mua lương thực, thực phẩm. 

Ông Hà Thúc Tín, người dân ở thôn Trung Sơn cho biết: Tình trạng ngập nước tại thôn đã diễn ra nhiều năm nay, mỗi khi có mưa lớn kéo dài là hàng chục hộ dân bị ngập trong nước vì khu vực thôn Trung Sơn nằm ở vùng trũng thấp.

Một nguyên nhân khác là do các dự án kéo dài nhiều năm xung quanh thôn, khi thi công đã đổ đất làm ảnh hưởng đến việc thoát nước của khu dân cư.

Trưởng thôn Trung Sơn, ông Võ Chí Thanh cho biết, mưa lớn từ ngày 7/10 đã làm nước đổ dồn về gây ngập trong thôn, người dân phải kê cao đồ đạc, tài sản trong nhà và đem đi gửi để tránh hư hỏng.

Hiện thôn có 54 hộ với 204 khẩu đang bị kẹt lại trong khu vực ngập nước và bị chia cắt; người dân muốn ra ngoài mua lương thực, thực phẩm phải di chuyển bằng thuyền hoặc bè chuối tự chế.  

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hòa Vang đã khẩn trương triển khai công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó với mưa lũ tại các xã và các nơi xung yếu.

Đến nay, đã có 5 xã sơ tán được 24 hộ dân và 73 nhân khẩu đến nơi an toàn và thông báo kịp thời cho học sinh các cấp trên địa bàn huyện được nghỉ học từ sáng 8/10.

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hòa Vang đã tổ chức trực 24/24 giờ theo dõi tình hình diễn biến mưa lũ tại các địa phương và tiếp tục hỗ trợ người dân.

Ban Chỉ huy đã chỉ đạo các xã khắc phục sạt lở, cắt tỉa cây xanh ngã đổ tại các tuyến đường ĐT605, ABB5 Hòa Liên, Hòa Bắc, ĐT601 nhằm đảm bảo lưu thông cho người dân đi lại.

Các lực lượng công an, quân đội huyện, xã... hỗ trợ khắc phục khơi thông dòng chảy các điểm ứ đọng rác tại Đập Bara An Trạch và rào chắn các tuyến đường bị ngập lũ để đảm bảo an toàn cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục