Ngày 11/1, giới chức Na Uy đã công bố số người nhập cư kỷ lục bị trục xuất khỏi nước này trong năm 2015 là 7.825 người, tăng 8% so với năm trước đó.
Theo Cơ quan Kiểm soát nhập cư Na Uy, Chính phủ nước này đã đạt mục tiêu sau khi trục xuất hàng nghìn người nhập cư nói trên. Những người bị trục xuất là do bị bác đơn xin tị nạn tại Na Uy, hoặc đang phải chịu hình phạt nào đó hoặc không đủ lý do chính đáng để ở lại Na Uy và những người không tìm được người bảo lãnh.
Trong năm 2015, tổng cộng có 31.145 người di cư đến Na Uy và dự kiến sẽ lên đến 60.000 người trong năm nay.
Trong diễn biến liên quan, theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Volkan Bozkir cho biết Ankara sẽ cấp giấy phép lao động cho người tị nạn Syria ở nước này.
Đây được xem là động thái đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thực hiện cam kết giúp giảm lượng người tị nạn vào Liên minh châu Âu (EU) để đổi lấy hỗ trợ tài chính trị giá 3 tỷ euro cho người tị nạn, cũng như nới lỏng các quy định về thị thực giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, theo báo chí Đức ngày 11/1, chưa rõ tuyên bố trên liệu đã được Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thông qua bằng một nghị quyết cụ thể hay đây chỉ là một tuyên bố mang tính hứa hẹn.
Tại cuộc gặp với Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Frans Timmermans, Bộ trưởng Bozker cũng cho biết trong năm qua đã có hơn 150.000 người di cư trái phép vào Thổ Nhĩ Kỳ và mỗi ngày có khoảng 500 người tị nạn bị chặn lại ở khu vực biên giới.
Bộ Nội vụ liên bang Đức nhận định trong năm nay sẽ có khoảng 1 triệu người tị nạn tìm cách qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ để vào châu Âu.
Các giới chức hàng đầu ở EC cảnh báo EU sẽ không thể kiểm soát được cuộc khủng hoảng hiện nay nếu số người tị nạn vào liên minh này không giảm mạnh cho tới muộn nhất vào giữa năm nay.
Trong khi đó, tại Estonia, đảng bảo thủ cánh hữu "Thống nhất Nhân dân" không có chân trong Quốc hội nước này đã thu thập đủ 19.000 chữ ký để phản đối chính sách tị nạn của chính phủ.
Theo báo Tiêu điểm của Đức ngày 11/1, trong tuần này, đảng trên sẽ chuyển một bản danh sách chữ ký tới Quốc hội Estonia và một bản tới Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker để kêu gọi Chính phủ Estonia phản đối hạn ngạch phân bổ người tị nạn của EU, đồng thời quan tâm hơn tới lợi ích quốc gia trong chính sách di cư.
Bất chấp thời tiết băng giá không thuận lợi, hàng nghìn người di cư và tị nạn tiếp tục hướng tới khu vực Tây và Bắc Âu qua lộ trình Balkan.
Lực lượng bảo vệ bờ biển Hy Lạp cũng như Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) đã cứu sống hàng trăm người ngoài khơi các đảo Megisti, Kos, Samos, Leros, Chios và Lesbos.
Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), từ đầu năm tới nay đã có 39 người thiệt mạng hoặc mất tích trên biển Aegea./.