Năm dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Nga

Xung đột với Ukraine đã gây ra cú sốc bên ngoài lớn nhất đối với kinh tế Nga kể từ năm 1991, song nền kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD này vẫn chưa có dấu hiệu chìm xuống thậm chí còn phục hồi đáng kể.
Năm dấu hiệu cho thấy đà phục hồi của nền kinh tế Nga ảnh 1Quang cảnh bên ngoài tòa cao ốc Trung tâm thương mại quốc tế Moskva ở thủ đô Moskva (Nga) ngày 25/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Mặc dù các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt đối với Nga do cuộc xung đột với Ukraine đã gây ra cú sốc bên ngoài lớn nhất đối với kinh tế Nga kể từ năm 1991, song nền kinh tế trị giá 1.800 tỷ USD này vẫn chưa có dấu hiệu "chìm xuống" thậm chí cho đến nay đã phục hồi đáng kể. Theo các chuyên gia, có năm dấu hiệu cho thấy kinh tế Nga vẫn đang phục hồi.

Đồng tiền mạnh nhất thế giới

Đồng ruble từng là đồng tiền mà trong nhiều thập kỷ ngay cả người Nga cũng xa lánh vì nó quá yếu và dễ biến động. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại đồng ruble đã trở thành đồng tiền có mức tăng giá trị hàng đầu thế giới so với USD. Đồng nội tệ của Nga đã được đẩy cao hơn nhờ tiền thu được từ xuất khẩu hàng hóa, sự sụt giảm của hoạt động nhập khẩu. Bên cạnh đó, chính sách kiểm soát vốn đã bảo vệ đồng tiền này khỏi tình trạng bán tháo trên diện rộng.

Phiên 22/6, đồng ruble đã đạt mức cao nhất trong 7 năm so với đồng USD và đồng euro. Theo số liệu của Ngân hàng Trung ương Nga, thặng dư tài khoản vãng lai  của “xứ bạch dương” đạt 110,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng so với mức 32,1 tỷ USD cùng kỳ năm ngoái.

Tài nguyên quý

Dầu mỏ, vốn được coi là hàng hóa đem lại sự sống cho kinh tế Nga đã được giao dịch trên 100 USD/thùng kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine. Trong phiên 27/6, dầu Brent được giao dịch ở mức giá 112,99 USD/thùng. Với giá dầu cao, Nga - quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới sau Saudi Arabia và là quốc gia xuất khẩu khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới - đã có một khoản tiền hàng nghìn tỷ USD mỗi năm để ứng phó các lệnh trừng phạt.

Dù dầu Urals của Nga được bán với giá thấp hơn so với dầu Brent nhưng vẫn ở mức cao. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã buộc Nga phải bán dầu của mình với mức chiết khấu lớn lên tới 40 USD/thùng cho Trung Quốc và Ấn Độ. Nhưng các quan chức Mỹ cho biết hiện nay Nga vẫn thu được nhiều tiền hơn từ xuất khẩu năng lượng so với trước khi xảy ra xung đột với Ukraine.

[Nga đứng trước nguy cơ vỡ nợ lần đầu tiên trong hàng chục năm qua]

Lãi suất

Ngân hàng Trung ương Nga hạ lãi suất chủ chốt xuống mức 9,5% vào ngày 10/6 và đã để ngỏ khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa khi lạm phát giảm tốc. Ngay sau khi tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine, Nga đã tăng lãi suất lên 20%. Song, con số này vẫn  thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 150% được áp dụng ngay trước đợt thả nổi đồng ruble tháng 8/1998. 

Nguồn thực phẩm dồi dào

Nguồn thực phẩm tại các cửa hàng ở thủ đô Moskva vẫn khá dồi dào và chưa có dấu hiệu cho thấy sự quan ngại quá mức của người dân. Ngay sau cuộc xung đột với Ukraine, đã có một số người lo ngại và mua tích trữ một số mặt hàng như đường. Tuy nhiên, tình trạng này đã lắng xuống, khi lượng thực phẩm trong các cửa hàng đầy ắp. Điều này trái ngược hẳn với tình trạng mua bán hoảng loạn năm 1998 và tình trạng thiếu lương thực hồi đầu thập niên 1990.

Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục

Trong tháng Tư, tỷ lệ thất nghiệp tại Nga đứng ở mức 4%, mức thấp kỷ lục, so với mức 4,1% trong tháng Ba và thấp hơn kỳ vọng của thị trường là 4,3%. Số người thất nghiệp giảm khoảng 80.000 người so với một tháng trước xuống còn 3 triệu người, trong khi số người có việc làm tăng 400.000 người lên 71,9 triệu người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục