Nam Phi nối lại phiên xử vụ tham nhũng liên quan cựu Tổng thống Zuma

Tòa án nối lại phiên xét xử vụ bê bối mua bán vũ khí trị giá khoảng 4,8 tỷ USD (thời điểm 1999) với các cáo buộc tham nhũng và hối lộ có liên quan cựu Tổng thống Jacob Zuma.
Nam Phi nối lại phiên xử vụ tham nhũng liên quan cựu Tổng thống Zuma ảnh 1Cựu Tổng thống Jacob Zuma phát biểu tại quê nhà ở Nkandla, Nam Phi, ngày 4/7. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 21/9, Tòa án thượng thẩm thành phố Pietermartizburg của Nam Phi đã nối lại phiên xét xử vụ bê bối mua bán vũ khí trị giá khoảng 4,8 tỷ USD (thời điểm 1999) với các cáo buộc tham nhũng và hối lộ có liên quan cựu Tổng thống Jacob Zuma.

Sau khi liên tục phải hoãn xét xử do các lập luận pháp lý, phiên tòa liên quan vụ bê bối nói trên dự kiến được tiến hành vào tháng Năm vừa qua.

Tuy nhiên, một lần nữa, phiên tòa này tiếp tục bị trì hoãn theo yêu cầu từ phía luật sư bào chữa cho cựu Tổng thống Zuma, trong đó kiến nghị thay thế công tố viên chính Billy Downer với cáo buộc nhân vật này thiên vị.

Ông Zuma không xuất hiện tại phiên tòa ngày 21/9 và không thừa nhận cáo buộc tham nhũng, rửa tiền cũng như gian lận liên quan thương vụ vũ khí 4,8 tỷ USD nói trên. Tập đoàn vũ khí Thales của Pháp - một bên tham gia thương vụ này, cũng phủ nhận hành vi sai trái.

Trước đó, cựu Tổng thống Zuma bị cáo buộc đã nhận hối lộ của Thales khoảng 33.900 USD mỗi năm trong thời gian tại nhiệm từ 2009-2018 để giúp tập đoàn này tránh khỏi việc bị điều tra liên quan gói phòng thủ chiến lược.

[Tòa án Nam Phi bác đơn kháng cáo án tù của cựu Tổng thống Zuma]

Gói Phòng thủ chiến lược, thường biết đến với tên gọi thương vụ vũ khí, là một chương trình mua sắm quân sự của Nam Phi được thực hiện nhằm tái trang bị cho các lực lượng vũ trang thời kỳ hậu phân biệt chủng tộc và giúp Nam Phi đóng góp nhiều hơn cho các hoạt động gìn giữ hòa bình tại châu Phi.

Năm 1999, Chính phủ Nam Phi, do đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền, đã mua các thiết bị quốc phòng trị giá 4,8 tỷ USD, bao gồm các tàu hộ tống, tàu ngầm, máy bay chiến đấu, trực thăng và máy bay huấn luyện hiện đại.

Ngay từ đầu, thương vụ vũ khí đã dấy lên những nghi vấn liên quan hối lộ và tham nhũng đáng kể trong khi các chuyên gia chưa thể lý giải được quy mô và mục đích của thương vụ này, do Nam Phi không phải đối mặt với bất kỳ mối đe dọa quốc tế nào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục