Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu rất nhiều loại hàng hóa mà Việt Nam có lợi thế về sản xuất như dệt may, đồ mỹ nghệ, nông sản, thực phẩm.
Tuy nhiên, để khai thác hiệu quả dư địa này, doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng hàng hóa và quản trị doanh nghiệp.
Đây là nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và các quy chuẩn để tiếp cận hệ thống phân phối Aeon Việt Nam” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp cùng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Topvalu và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam tổ chức, chiều 26/8.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC thông tin, Nhật Bản là đối tác kinh tế-thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây.
Việt Nam và Nhật Bản đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Những FTA này đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước.
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Nhật Bản 7 tháng năm 2024 ước đạt 25,87 tỷ USD tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD tăng 2,8% so với cùng kỳ 2023.
Ở góc độ địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa với Nhật Bản.
Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Nhật Bản ước đạt 2,21 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu của Thành phố Hồ Chí Minh sang Nhật Bản ước đạt 1,3 tỷ USD tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Bà Quyền Thị Thúy Hà, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản khẳng định thêm Việt Nam-Nhật Bản có cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn nhau. Nhật Bản hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Nhật Bản là dệt may, phương tiện và phụ tùng, gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, linh kiện điện thoại…
Theo bà Quyền Thị Thúy Hà, việc kết hợp giữa sức mạnh sản xuất của Việt Nam và công nghệ, quản lý chất lượng của Nhật Bản có thể mang lại những lợi ích lớn cho cả hai bên.
Ngành dệt may Việt Nam có thể tận dụng các quy tắc xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu vào Nhật Bản. Trong khi đó, ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ cũng có nhiều cơ hội vì Nhật Bản là thị trường mà người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao cho những sản phẩm độc đáo và có giá trị nghệ thuật.
Tiềm năng và dư địa cho Việt Nam tại Nhật Bản ở các sản phẩm nông, lâm, thủy sản còn rất lớn bởi Nhật Bản có nhu cầu cao về các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thực phẩm an toàn và hữu cơ.
Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng như càphê, hạt điều, trái cây nhiệt đới, rau củ quả đông lạnh ngày càng tăng... Đây đều là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam.
“Dư địa thị trường còn rất lớn nhưng Nhật Bản cũng là thị trường được biết đến với những tiêu chuẩn nhập khẩu rất khắt khe, yêu cầu cao về chất lượng, sự bền vững. Trong khi các công ty xuất khẩu Việt Nam đôi khi chưa chuyên nghiệp, quản lý hoạt động sản xuất và chất lượng sản phẩm thiếu ổn định. Do đó, để tận dụng cơ hội gia tăng thị phần vào Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng, khắc phục các nhược điểm, tìm tòi các kỹ thuật mới, chăm chút trong tất cả các quy trình từ canh tác, thu hoạch, bảo quản hay sản xuất đến đóng bao bì, lưu thông,” bà Quyền Thị Thúy Hà lưu ý.
"Ngoài hình thức thương mại truyền thống, doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể tận dụng thương mại điện tử để đẩy mạnh xuất khẩu, gia tăng doanh số do người tiêu dùng Nhật Bản có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều," Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka nhấn mạnh.
Ông Shiotani Yuichiro, Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Topvalu Việt Nam chia sẻ: Nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Nhật Bản rất lớn và đa dạng.
Trong số đó, thực phẩm Việt Nam rất được ưa thích tại Nhật Bản. Các doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu vào Nhật Bản và nhiều thị trường khác thông qua hệ thống phân phối trải rộng của Aeon.
Theo ông Shiotani Yuichiro, điểm mấu chốt giúp sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được người tiêu dùng Nhật Bản chính là hương vị đặc trưng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản như tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm; yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng trong bao bì mẫu mã; mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà sản xuất.
Để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản và hệ thống của Aeon Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Topvalu Việt Nam thường xuyên hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng để những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam điều chỉnh và đáp ứng ngày càng tốt hơn./.
Nhãn lồng Hưng Yên sẵn sàng chinh phục thị trường Nhật Bản
Tỉnh Hưng Yên có 2 vùng trồng nhãn được cấp mã số xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản thuộc Hợp tác xã nhãn lồng Quảng Châu, thành phố Hưng Yên, với diện tích là 27,2ha, sản lượng ước tính 350 tấn/năm.