Ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách

Theo Trưởng ban Nội chính TW Phan Đình Trạc, sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Nội chính TW và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng từ khi xây dựng chính sách ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: Bộ Tư pháp)

Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp công tác giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp đã được tổ chức chiều 29/12, tại Hà Nội.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Nội chính Trung ương, Bộ Tư pháp tham dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết để góp phần tạo điều kiện, hỗ trợ nhau trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp đã ký Quy chế phối hợp số 09-QC/BNCTW-BCSĐBTP trong công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp vào tháng 11/2016.

Trên cơ sở sơ kết 5 năm thực hiện, có thể khẳng định đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các nội dung phối hợp của Quy chế, góp phần giúp hai cơ quan hoàn thành nhiều nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có những nhiệm vụ khó, phức tạp.

Theo Bộ trưởng Tư pháp, sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng, bảo vệ đất nước và công cuộc phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp trong giai đoạn mới đang đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề cho cả hai cơ quan.

Bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, còn có nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao hơn nữa, đoàn kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Hội nghị là dịp để hai cơ quan đánh giá lại những nội dung phối hợp đã thực hiện tốt, những nội dung phối hợp cần tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh trong thời gian tới, đề ra các giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác phối hợp giữa hai cơ quan với mục đích là phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan trong việc tham mưu với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương về chủ trương, định hướng công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, 5 năm qua, việc thực hiện Quy chế phối hợp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Hai cơ quan đã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Đảng, Nhà nước tổ chức sơ kết, tổng kết nhiều chỉ thị, nghị quyết của Đảng, từ đó ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới.

Hai cơ quan cũng chủ động tham mưu, chuẩn bị chu đáo, có chất lượng nội dung, tài liệu phục vụ hoạt động hai Ban Chỉ đạo và Thành viên Ban Chỉ đạo; phối hợp chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo đạt hiệu quả cao, tỷ lệ tài sản thu hồi tăng…

Để làm tốt hơn nữa công tác phối hợp thời gian tới, trên tinh thần hợp tác, trách nhiệm, Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp sẽ tập trung thực hiện tốt hơn các nội dung phối hợp trong quy chế.

Hai cơ quan chủ động, tăng cường phối hợp nghiên cứu sâu, tiếp tục tham mưu có chất lượng hơn nữa với Đảng, Nhà nước trong cụ thể hóa, thể chế hóa nội dung Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về chủ trương, chính sách, định hướng lớn về nội chính, phòng, chống tham nhũng, cải cách tư pháp, kiên quyết không để xảy ra tình trạng “lợi ích nhóm” hoặc lợi dụng hợp tác quốc tế để tác động, hướng lái chính sách, pháp luật.

Ban Nội chính Trung ương và Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp, tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư, hai Ban Chỉ đạo chỉ đạo nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cải cách tư pháp; tiếp tục phối hợp nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện thể chế, pháp luật về thi hành án dân sự; khắc phục những sơ hở, bất cập trong quy định của pháp luật về kê biên tài sản, thẩm định giá, bán đấu giá, thu hồi tài sản đảm bảo…

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc chỉ rõ sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trưởng ban Nội chính Trung ương đề nghị hai cơ quan tập trung phối hợp tham mưu thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các chủ trương, quan điểm của Đảng về xây dựng và hoàn thiện pháp luật, nhất là về lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Trọng tâm là phối hợp tham mưu xây dựng Đề án về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; phối hợp nghiên cứu tham mưu cơ chế kiểm soát quyền lực trong xây dựng chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội để hạn chế sự tác động tiêu cực của “nhóm lợi ích," "sân sau," "tư duy nhiệm kỳ," ngăn chặn nguy cơ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực từ khi xây dựng chính sách, pháp luật; phối hợp tham mưu chỉ đạo khắc phục những sơ hở, bất cập, chồng chéo trong các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành…

[Tạo bước đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực]

Bên cạnh đó, Ban Nội chính Trung ương và Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp tham mưu chỉ đạo nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành án dân sự, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực; nhất là phối hợp kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Các cơ quan tiếp tục phối hợp tham mưu chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định tư pháp, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Trước mắt, cần phối hợp chuẩn bị tổ chức tốt cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác giám định, định giá tài sản liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để kiểm tra, xử lý các tồn tại, hạn chế trong giám định, định giá theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo trong năm 2022.

“Dứt khoát chúng ta phải chỉ đạo khắc phục những khó khăn, vướng mắc, tiêu cực trong lĩnh vực này, không để vì giám định, định giá mà ảnh hưởng đến tiến độ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc theo Kế hoạch của Ban Chỉ đạo," Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh.

Ngoài ra, hai cơ quan phối hợp tham mưu nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về luật sư, hành nghề luật sư và các hoạt động bổ trợ tư pháp; phối hợp tham mưu chỉ đạo nâng cao hiệu quả thi hành án dân sự, tăng cường, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thi hành án; tiếp tục phối hợp tham mưu, phục vụ hoạt động của hai Ban Chỉ đạo và thành viên Ban Chỉ đạo; tăng cường phối hợp tham mưu đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; phối hợp thẩm định các đề án theo chương trình công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương...

Dịp này, Trưởng ban Nội chính Trung ương đã tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp nội chính đảng, tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Bộ Tư pháp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp tư pháp; tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân của Ban Nội chính có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế phối hợp công tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục