Ngân hàng Trung ương châu Âu cắt giảm lãi suất lần thứ hai trong vòng 5 năm

ECB quyết định cắt giảm lãi suất sau khi triển khai chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt từ năm 2022 để chống lại sự leo thang giá cả mạnh nhất trong vòng khoảng 4 thập kỷ.

Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 12/9 đã thông báo cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống còn 3,5%.

Đây là lần thứ hai trong vòng 5 năm kể từ năm 2019, ECB quyết định cắt giảm lãi suất sau khi triển khai chiến dịch tăng lãi suất quyết liệt từ năm 2022 để chống lại sự leo thang giá cả mạnh nhất trong vòng khoảng 4 thập kỷ.

Trước đó, đầu tháng 6/2024, ECB đã cắt giảm lãi suất tiền gửi xuống còn 3,75% và sau đó tạm dừng vào tháng 7 và tháng 8.

Những dấu hiệu cho thấy lạm phát hiện đang trên đà giảm mạnh hơn đã củng cố niềm tin của các nhà hoạch định chính sách trong việc tiếp tục cắt giảm lãi suất.

Hội đồng thống đốc ECB do Chủ tịch Christine Lagarde đứng đầu, đã phải cân bằng giữa những lo ngại về triển vọng tăng trưởng đáng thất vọng với nhu cầu để đảm bảo rằng lạm phát đạt và duy trì ở mức mục tiêu 2% do ngân hàng ECB đặt ra.

Lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) gồm 20 quốc gia thành viên đã giảm từ 2,6% trong tháng 7/2024 xuống còn 2,2% trong tháng 8/2024, sau khi chạm đỉnh ở mức 10,6% vào tháng 10/2022.

Tuy nhiên, cùng với quyết định hạ lãi suất, ECB cũng đã hạ dự báo về tăng trưởng kinh tế và giữ nguyên dự báo lạm phát. Theo đó, kinh tế khu vực Eurozone dự kiến sẽ tăng 0,8% trong năm nay thay vì 0,9% như dự báo đưa ra hồi tháng 6. Kinh tế khu vực Eurozone dự kiến tăng trưởng 1,3% và 1,5% lần lượt trong năm 2025 và 2026.

Giá tiêu dùng đã tăng vọt sau khi Nga cắt hầu hết nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu sau cuộc xung đột với Ukraine từ tháng 2/2022, đẩy giá hàng hóa và năng lượng phi mã.

Sự phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng hóa và nguyên liệu thô, đẩy lạm phát tăng cao, khiến ECB và Cục Dự trữ Liên bang (Fed - Ngân hàng Trung ương Mỹ ) phản ứng bằng cách liên tục tăng lãi suất. Fed cũng dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên từ mức cao nhất trong vòng 23 năm từ 5,25% xuống 5,5% tại cuộc họp diễn ra ngày 17-18/9.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Âu có phiên mở cửa tăng hơn 1% trong ngày 12/9, nhờ hiệu suất mạnh mẽ của cổ phiếu công nghệ khi các nhà đầu tư chờ đợi quyết định về lãi suất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục