Ngược đường lên huyện biên cương Mường Nhé

Từ Điện Biên chúng tôi “ngược đường” lên huyện biên cương Mường Nhé, nơi có điểm cực tây của Tổ quốc, cột mốc trên A Pa Chải.
Trong những ngày tháng 5 lịch sử chúng tôi lên Tây Bắc, Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 57 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu.”

Thành phố Điện Biên rực rỡ cờ hoa mừng chiến thắng và chào mừng ngày bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Điện Biên và cả Tây bắc sống lại không khí hào hùng của Điện Biên năm xưa.

Cũng từ Điện Biên chúng tôi “ngược đường” lên huyện biên cương Mường Nhé, nơi có điểm cực tây của Tổ quốc, cột mốc trên A Pa Chải thiêng liêng, định phận ranh giới ba nước Việt-Trung-Lào. Đây mới thực là nơi cuối trời Tây Bắc…

Trên toàn tuyến biên giới của Việt Nam suốt từ Bắc vào Nam chỉ có ở 2 nơi, đường biên giới hợp lại thành ngã ba như một kỳ quan của địa lý. Một ở xã Bờ Y (Ngọc Hồi, Kon Tum) với cụm biên giới 3 nước Việt-Lào-Campuchia. Điểm còn lại chính là xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé, Điện Biên), điểm cực Tây Tổ quốc với cửa khẩu A Pa Chải và mốc tam giác biên giới Việt-Lào-Trung Quốc.

Cách xa Thủ đô gần 800km đường đồi núi nguyên sơ, những địa danh như A Pa Chải hay Khu Bảo tồn thiên nhiên lớn nhất miền Bắc và những cung đường bám bản, ôm núi, xuyên rừng đã làm nên một Mường Nhé đậm đà dư vị quyến rũ của vùng đất Tây Bắc hùng vĩ, hiên ngang.

Mặc dù đã cẩn thận xắn quần lội quá nửa con suối để dò độ sâu, anh lái xe vẫn gồng mình trên chiếc vôlăng, mắt dán chặt xuống đường. Phía trước kính lái, tầm nhìn bằng không bởi sương mù và cây rừng đan dày đặc, chiếc xe dã chiến Land Cruiser nẩy từng bước khó nhọc, nối đỉnh những viên đá cuội dưới lòng suối thành những đường zíc zắc tiến về phía trước.

Đằng sau ghế lái, đoàn công tác nín thở, chỉ có tiếng rì rầm đến kỳ bí của dòng suối Nậm Là chảy vắt ngang xã Mường Nhé, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên.

Đường đến đâu, nhà mọc tới đó

Từ thành phố Điện Biên Phủ, vào đến trung tâm huyện Mường Nhé, nhìn trên bản đồ, tuyến đường như sợi chỉ nhỏ xuyên qua từng mảng rừng, khóm núi, từng con suối, con sông. Đây là quãng đường vành đai biên giới phía Bắc dài 220km.

Nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng do vốn chỉ được thiết kế cho xe dưới 5 tấn nhưng trên thực tế, tuyến đường liên tục có những đoàn xe siêu tải trọng đến hàng chục tấn lưu thông.

Trên toàn tuyến, rất nhiều chỗ có cảnh giữa bốn bề rừng xanh núi thẳm, những chiếc máy xúc, máy ủi công suất lớn ngày qua ngày bạt núi, cắt đồi. Hiện Mường Nhé cũng là địa phương duy nhất có 1 xã (Na Cô Xa) trong tổng số 112 xã trên toàn tỉnh Điện Biên chưa có đường ôtô vào đến trung tâm.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Mường Nhé, Trần Anh Tuấn kể, có đường như vậy đã là tốt lắm rồi, mới chỉ 3-4 năm trước, muốn đi từ thành phố đến đây, phải dùng ngựa, mang theo lương thực, củi lửa để chuẩn bị cho cuộc hành trình bằng ngựa cắt núi, xuyên rừng 7 ngày, 7 đêm liên tục.

Ông Tuấn chia sẻ, khỏi phải nói ích lợi từ khi có đường giao thông, người dân trên địa bàn huyện, với 70% là đồng bào dân tộc Mông, nhiều gia đình đã bỏ địa điểm sinh sống từ khu vực rừng núi, hiểm trở xuống dựng nhà, làm ruộng dọc theo hai bên đường.

Cũng từ đó, nhiều hộ đã có thêm nghề kinh doanh, buôn bán, nạn chặt phá rừng, đốt rẫy làm nương, hủ tục lạc hậu cũng bớt đi và quan trọng là đời sống nhân dân dần được cải thiện. Hàng hóa, nhu yếu phẩm, ấn phẩm văn hóa xuất hiện ngày một nhiều.

Việc thăm thân, nhu cầu đi lại của người dân trở nên dễ dàng hơn trước. Đường giao thông còn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, củng cố, phát triển hệ thống chính trị các cấp của huyện.

Ông Sừng Sừng Khai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sín Thầu “khoe” với chúng tôi: Qua bao năm mong đợi, trông ngóng, cuối cùng đường giao thông cũng đến được xã ngã ba biên giới này. Trước đây, mỗi khi cần mua nguyên vật liệu làm nhà, mua phân bón, đồ dùng sinh hoạt gia đình... bà con phải sang nước bạn Trung Quốc. Nay đường lớn đã mở, bà con mua sắm xe máy về chợ huyện sắm sửa đồ dùng, tình hình an ninh trên tuyến biên giới được kiểm soát tốt hơn.

Mấy chục năm phá núi, mở đường trên núi rừng Tây Bắc, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Điện Biên Nguyễn Đình Giang tâm sự, phải chia gần 4.900km đường trên tổng cộng 588 tuyến giao thông Điện Biên thành hai loại, đường “hai mùa” và có đến 40% đường chỉ đi lại được vào mùa khô.

Bởi đặc thù địa hình đồi núi, các tuyến giao thông nông thôn trên này chất lượng đều thấp, chủ yếu là đường đất, công trình tạm. Vào mùa mưa, hệ số an toàn giao thông thấp, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao khiến các phương tiện không dám mạo hiểm.

Điện Biên có tất cả 360km quốc lộ chia thành 3 tuyến chính quốc lộ 6, quốc lộ 279 và quốc lộ 12. Trong đó, số đường liên xã ôtô đi được chỉ là 288 tuyến. Còn lại là đường dân sinh phường, thôn, bản, đường mòn chỉ dành cho ngựa thồ và người đi bộ.

Giao thông hỗ trợ an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế

Riêng tuyến vành đai biên giới phía Bắc, nối từ trung tâm thành phố Điện Biên đến tận cửa khẩu A Pa Chải đi qua các chặng Na Pheo-Si Sa Phìn 47km; Si Sa Phìn-Mường Nhé 172km và chặng Mường Nhé-Pắc Ma-A Pa Chải 80km.

Riêng đoạn Si Sa Phìn-Mường Nhé, hiện được Sở Giao thông vận tải Điện Biên tập trung tối đa lực lượng triển khai thực hiện dự án nâng cấp, điều chỉnh kết cấu mặt đường và cải tạo các đường cong bán kính nhỏ cho phù hợp với mật độ tham gia giao thông thực tế đang liên tục gia tăng.

Lý do phải ưu tiên tập trung vốn để hoàn thiện nhanh dự án này, theo ông, đây là chặng quan trọng nhất trên toàn tuyến vành đai biên giới phía Bắc - cung đường có ý nghĩa đặc biệt về mặt chiến lược trong việc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo quốc phòng - an ninh biên giới.

Theo ông Giang, năm 2011, Bộ Giao thông Vận tải đã bố trí vốn 41 tỷ đồng. Tỉnh Điện Biên đã có văn bản đề nghị Chính phủ tiếp tục bố trí vốn cho dự án bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (có thể xin cho tạm ứng kế hoạch năm 2012) với mức 200 tỷ đồng để gấp rút hoàn tất dự án, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Tuyến đường vành đai biên giới phía Bắc được hoàn thiện, nâng cấp, sẽ chắp nối được với hệ thống đường dân sinh hình thành mạng lưới giao thông đồng bộ, khép kín, liên hoàn tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an ninh quốc phòng.

Mặt khác, đây cũng là tuyến đường nối liền thông thương ra cửa khẩu A Pa Chải-Long Phú, là cơ hội để phát triển kinh tế cửa khẩu, nâng cao đời sống nhân dân khu vực biên giới, huyện Mường Nhé và cả tỉnh Điện Biên./.

Quang Vinh-Quang Vũ (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục