Người Canada ấn tượng về tầm nhìn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19

Một buổi tọa đàm về chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với COVID-19, được tổ chức trực tuyến ở hai đầu cầu Canada và Việt Nam, thu hút sự tham gia của khoảng 90 đại biểu.
Người Canada ấn tượng về tầm nhìn Việt Nam trong cuộc chiến COVID-19 ảnh 1Tranh cổ động về phòng chống COVID-19 được đặt ở các điểm nút giao thông của Hà Nội. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Tối 7/7 (giờ Canada), ở hai đầu cầu Canada và Việt Nam đã diễn ra buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Nhân dân Việt Nam và Canada ứng phó với đại dịch COVID-19 - Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam” do Hiệp hội Canada-Việt Nam (CVS) phối hợp với Hội Hữu nghị Việt Nam-Canada (VCFA) đồng tổ chức, thu hút sự tham gia của khoảng 90 đại biểu.

Theo phóng viên TTXVN tại Ottawa, bạn bè Canada rất hứng thú khi được nghe những trải nghiệm của ông Thomas Alexander, một người Canada sinh sống tại Việt Nam trong thời gian có dịch COVID-19.

Ông Alexander, chuyên gia tư vấn về giáo dục, hiện đang làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong cuộc chiến của Việt Nam với đại dịch COVID-19, ông ấn tượng nhất về tầm nhìn xa của các nhà lãnh đạo Việt Nam.

Ông nói: “Giới chức Việt Nam dường như đã sớm hiểu thấu được bản chất phức tạp của đại dịch. Ở thời điểm ban đầu, khi virus corona chủng mới này còn xa lạ với người dân, nhiều người đã không tuân thủ những biện pháp hạn chế của chính phủ một cách nghiêm túc. Nhưng sau đó, người Việt Nam cũng như người nước ngoài đều nhận ra các biện pháp cứng rắn là xác đáng.”

Tại buổi tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Xuân Bách, Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ với bạn bè Canada cách tiếp cận liên ngành trong công tác phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 tại Việt Nam.

[Video] Việt Nam chỉ còn 15 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2

Tiến sỹ Vũ Ngọc Long, Phó Trưởng phòng Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cũng đã thông tin tới bạn bè Canada tổng quan về tình hình Việt Nam trong phòng chống đại dịch COVID-19. Ngày 8/7 ghi dấu 83 ngày Việt Nam không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Trong khi đó, tại Canada, tính đến ngày 7/7 đã có 106.167 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 8.711 ca tử vong. Trong tuần qua, trung bình Canada đã xét nghiệm COVID-19 cho 38.000 người/ngày, trong đó 1% có kết quả xét nghiệm dương tính.

Trong khi đó, bà Elizabeth McIninch, thành viên ban điều hành CVS, cho biết nhiều quốc gia hiện nay đang nỗ lực để quay lại trạng thái bình thường, trong bối cảnh thế giới tiếp tục thử nghiệm vắcxin và thuốc điều trị COVID-19.

Theo bà McIninch, khi làn sóng lây nhiễm tại Canada bắt đầu dịu xuống, các nhà phân tích bắt đầu đặt câu hỏi về điều gì sẽ diễn ra tiếp theo trong hoạt động kinh tế-thương mại.

Đối với Canada, Việt Nam có vai trò quan trọng khi là đối tác phát triển mạnh nhất của Canada ở Đông Nam Á, với Thành phố Hồ Chí Minh hiện là một trong những trung tâm quan trọng đối với các start-up trên thế giới.

Bà nêu rõ: "Những thế mạnh của Canada trong lĩnh vực công nghệ sạch, công nghệ nông nghiệp, chế biến thực phẩm, vận tải công cộng, cơ sở hạ tầng đường bộ, năng lượng tái tạo (năng lượng Mặt Trời, phong điện) cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu cao. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là động lực thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Canada phát triển hơn nữa."

Bà Elizabeth McIninch lạc quan khẳng định: “Bất chấp những thách thức của đại dịch lần này, con đường phía trước đang mở ra những cơ hội hợp tác to lớn cho nhân dân hai nước.”

Cũng nhân dịp này, Hiệp hội Canada-Việt Nam đã gửi tặng Bệnh viện Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Nhiệt đới trung ương số tiền 2.000 CAD cho mỗi bệnh viện mà Hiệp hội Canada-Việt Nam đã vận động bà con kiều bào ở Canada ủng hộ ủng hộ các bác sỹ ở tuyến đầu chống dịch tại Việt Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục