Nguy cơ từ việc bỏ hạn chế nhiên liệu hóa thạch vì thiếu xăng dầu

Giá xăng dầu hiện đã tăng hơn 70% so với cuối năm 2021 trong bối cảnh tiêu dùng năng lượng toàn cầu tăng cao, trong khi nguồn cung bị đứt gãy bởi Mỹ và các đồng minh áp đặt lệnh cấm vận đối với Nga.
Nguy cơ từ việc bỏ hạn chế nhiên liệu hóa thạch vì thiếu xăng dầu ảnh 1Khách hàng bơm xăng tại một trạm xăng ở New York (Mỹ), ngày 10/6/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Viện Dầu mỏ của Mỹ, cơ quan chuyên vận động hành lang trong lĩnh vực này, ngày 14/6 kêu gọi chính quyền của Tổng thống Biden dỡ bỏ một số hạn chế đối với phát triển nhiên liệu hóa thạch nhằm giúp Mỹ giải quyết tình trạng giá năng lượng đang tăng chóng mặt.

Đề xuất này khiến chính quyền của Tổng thống Biden đối mặt với bài toán quá khó khi vừa muốn giữ vững cam kết chuyển đổi năng lượng mới ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phải có giải pháp đối phó với lạm phát phi mã do giá xăng dầu tăng cao vì xung đột tại Ukraine.

Giá xăng dầu hiện đã tăng hơn 70% so với cuối năm 2021 trong bối cảnh tiêu dùng năng lượng toàn cầu tăng cao do các hoạt động kinh tế phục hồi sau đại dịch trong khi nguồn cung bị đứt gãy bởi Mỹ và các đồng minh châu Âu áp đặt các lệnh cấm vận đối với Nga do Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt tại Ukraine.

[Chi phí năng lượng leo thang tác động mạnh đến kinh tế Mỹ]

Giá xăng dầu nhảy vọt lên tới mức kỷ lục 5 USD/1 gallon (3,7 lít) trong thời gian vừa qua kéo theo giá tăng đối với hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng khác khiến chính quyền của ông Biden đối mặt với hàng loạt thách thức trước thềm bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay.

Trong thư trình lên chính phủ Mỹ ngày 14/6, Chủ tịch Viện Dầu mỏ Mike Sommers cho rằng Mỹ đang đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất kể từ năm 1970 và đưa ra 10 điểm đề xuất dỡ bỏ các hạn chế liến quan tới giá xăng dầu, bao gồm đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng hóa thạch cũng như lùi việc đưa ra các thông tin về biến đổi khí hậu.

Viện này cho rằng với tài nguyên dầu khí dồi dào cộng với công nghệ tiên tiến hàng đầu, Mỹ hoàn toàn có thể vượt qua được khủng khoảng năng lượng này.

Theo lộ trình của mà chính phủ của ông Biden đã đưa ra, Mỹ sẽ tiến tới phi carbon hóa vào năm 2050 nhằm giải quyết vấn đề Trái Đất nóng lên. Thế nhưng, những tháng vừa qua chính phủ Mỹ đã buộc phải kêu gọi tăng cường sản xuất dầu khí trong nước cũng như kêu gọi Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ tăng sản lượng nhằm giải quyết tình hình thiếu nguồn cung xăng dầu từ Nga.

Cùng ngày Viện Dầu mỏ Mỹ đưa ra đề xuất này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo các quốc gia giàu có đang tiến một bước đi nguy hiểm phát triển trở lại nhiên liệu hóa thạch nhằm đối phó với tình hình khủng hoảng năng lượng do xung đột tại Ukraine gây ra; bởi đầu tư vào than hay dầu khí thêm nữa sẽ tác động kinh khủng tới môi trường, và khiến ô nhiễm cũng như những hệ lụy của tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn cầu thêm trầm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục