Nhóm giáo dục là tác nhân chính làm tăng lạm phát trong tháng Mười

CPI tháng Mười đã tăng 4,16% so với tháng 12/2021 và lên 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI bình quân 10 tháng đã tăng 2,89% so với cùng kỳ năm trước và lạm phát cơ bản tăng 2,14%.
Nhóm giáo dục là tác nhân chính làm tăng lạm phát trong tháng Mười ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá - Tổng cục Thống Kê cho hay giá thuê nhà tăng trở lại, một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022-2023 đã làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2022 tăng 0,15% so với tháng trước.

Theo đó, CPI tháng Mười đã tăng 4,16% so với tháng 12/2021 và lên 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, CPI bình quân 10 tháng đã tăng 2,89% so với cùng kỳ năm 2021 và lạm phát cơ bản tăng 2,14%.

9/11 nhóm ngành hàng tăng giá

Bà Oanh cho hay trong mức tăng lạm phát tháng Mười, CPI tại khu vực thành thị lên 0,24% trong khi khu vực nông thôn chỉ nhích 0,04%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có chín nhóm hàng tăng giá và hai nhóm hàng giảm giá so với tháng Chín.

[Kiểm soát lạm phát để thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế]

Cụ thể, chỉ số giá nhóm giáo dục tháng tăng cao nhất với 2,35% so với tháng Chín. Trong đó, dịch vụ giáo dục tăng 2,64% do một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về việc quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023 trở đi tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên công lập trên địa bàn.

Mặt khác, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. Ngoài ra, nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập vào năm học mới tăng, vì vậy giá sách giáo khoa tăng 0,29%; giá vở, giấy viết các loại tăng 0,09%; bút viết các loại tăng 0,18% so với tháng trước.

Kế đến, chỉ số giá tại nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,69%, tác động đến CPI chung tăng 0,13 điểm phần trăm.

Bà Oanh chỉ ra các nguyên nhân chủ yếu do giá tiền thuê nhà ở tăng 8,85% (do sinh viên bắt đầu đi học nên nhu cầu thuê nhà tăng cao), giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,49% (do công sơn tường, lát gạch, xây tường, công lao động phổ thông tăng và nhu cầu xây dựng lên giá), giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,08% (do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất).

Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước, như giá điện sinh hoạt tháng Mười giảm 0,4%, giá nước sinh hoạt giảm 0,11% (do nhu cầu sử dụng của người dân ít hơn trong so với mùa hè).

Nhóm giáo dục là tác nhân chính làm tăng lạm phát trong tháng Mười ảnh 2(Nguồn: TCTK)

Tỷ giá tăng 5,42% so với cùng kỳ

Về tỷ giá, bà Oanh cho hay giá trị USD trên thị trường thế giới tăng mạnh sau khi Cục dữ trữ liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất và nhiều khả năng FED sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài. Tính đến ngày 25/10, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 112,24 điểm, tăng 1,35 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 24.080 VND/USD. Theo đó, chỉ số giá USD trong tháng đã tăng 1,84% so với tháng trước và tăng 5,42% so với cùng kỳ năm 2021 (bình quân 10 tháng tăng 1,17%).

Trong nước, giá vàng có diễn biến trái chiều so với giá vàng thế giới. Mặc dù, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.766,26 USD/ounce, giảm 0,66% so với tháng Chín song chỉ số giá vàng tại Việt Nam lại tăng 0,5% và tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2021 với mức bình quân 10 tháng lên tới 6,08%.

Phân tích diễn biến thị trường vàng quốc tế, bà Oanh cho hay các nhà đầu tư lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản tại hai cuộc họp vào tháng 11 và tháng 12 năm nay, điều này khiến đồng USD có thể tăng giá mạnh so với các đồng tiền khác, kéo theo đà tăng lợi suất trái phiếu Mỹ và giá vàng thế giới có thể rơi vào thế bất lợi.

Như vậy, tính bình quân chỉ số giá tiêu dùng 10 tháng đã tăng 2,89%. Theo bà Oanh chủ yếu xuất phát từ việc giá xăng dầu được điều chỉnh 28 đợt và tăng 36,01% so với cùng kỳ đồng thời tác động làm CPI chung tăng 1,3 điểm phần trăm. Bên cạnh đó, giá gas trong nước biến động theo giá gas thế giới và tăng 15,35%, góp phần làm CPI chung tăng 0,22 điểm phần trăm.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu ăn ngoài nhà hàng tăng cũng khiến cho giá ăn uống ngoài gia đình bình quân 10 tháng đắt đỏ hơn và lên 4,6% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 0,4 điểm phần trăm.

Với mức lạm phát cơ bản bình quân 10 tháng tăng 2,14% so với cùng kỳ năm 2021 và thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,89%), bà Oanh cho biết điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục