Những ảnh hưởng của RCEP đối với Liên minh châu Âu và Eurozone

Đối với Liên minh châu Âu và Eurozone, hiệp định RCEP có những ảnh hưởng nhất định về kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư.
Những ảnh hưởng của RCEP đối với Liên minh châu Âu và Eurozone ảnh 1Ảnh minh họa.

Kể từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực gọi tắt là RCEP có hiệu lực. Hiệp định này có ý nghĩa gì đối với châu Âu? Tác động của hiệp định này đối với Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) sẽ như thế nào? Gabriel Gaspard, Giám đốc tập đoàn Dịch vụ tiên tiến toàn cầu và tài chính châu Âu (AGSF Europe BV) đã có bài phân tích trên tờ Les Echos số ra gần đây.

Theo ông Gaspard, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, được 15 quốc gia châu Á và Thái Bình Dương ký kết vào ngày 15/11/2020, là hiệp định thương mại quan trọng nhất trên toàn cầu cho tới thời điểm hiện tại.

Có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, RCEP đã trở thành khối thương mại tự do lớn nhất ngoài Mỹ và EU vì 15 nước ký kết đại diện cho 30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới và chiếm 28% thương mại toàn cầu.

Theo hiệp định này, các bên ký kết sẽ xóa bỏ dần các rào cản đối với thương mại và thúc đẩy đầu tư để giúp các nền kinh tế mới nổi bắt kịp với phần còn lại của thế giới.

Tuy nhiên, đối với Liên minh châu Âu và Eurozone, hiệp định này có những ảnh hưởng nhất định về kinh tế, trao đổi thương mại, đầu tư...

Trao đổi thương mại: "Gió đổi chiều"

RCEP đã được ký kết bởi 10 quốc gia thành viên ASEAN (Việt Nam, Malaysia, Singapore, Brunei, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào, Myanmar, Campuchia) và 5 quốc gia khác ở châu Á-Thái Bình Dương là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

Đối với châu Âu, hiệp định thương mại tự do này đặc biệt liên quan đến 3 cường quốc sản xuất hàng đầu thế giới là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

[Kế hoạch thực hiện Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực]

Ba quốc gia này đã tạo ra 5.300 tỷ USD giá trị gia tăng, nhiều hơn 1.000 tỷ USD so với mức của Mỹ và EU cộng lại. Với việc triển khai hiệp định này, GDP khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng nhanh gấp 3 lần so với châu Âu trong vòng 10 năm tới.

Hiện tại EU đã có các hiệp định thương mại quan trọng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, xuất khẩu sang các nước RCEP khác lại không nằm trong hiệp định thương mại nào, kể cả Trung Quốc.

EU và ASEAN đã trở thành đối tác chiến lược vào tháng 12/2020 nhưng nếu không có thỏa thuận với các nước khác trong khu vực này, EU sẽ phải đối mặt với mức thuế cao của Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Phần lớn hàng xuất khẩu của EU là máy móc và hàng hóa sản xuất, điều này báo trước một sự chuyển hướng thương mại sắp xảy ra.

Các tác động kinh tế của RCEP đối với EU sẽ dần được cảm nhận. Việc giảm thuế hải quan trong RCEP theo thỏa thuận của các bên ký kết sẽ kích thích thương mại giữa các thành viên và tạo ra sự chuyển hướng trong các hoạt động thương mại từ châu Âu sang khu vực mới này.

Các công ty châu Âu có công ty con ở châu Á hoặc có thỏa thuận với chuỗi cung ứng quốc tế ở khu vực này sẽ được hưởng lợi từ việc giảm chi phí. Nhưng ngược lại, các sản phẩm của EU có nguy cơ mất khả năng cạnh tranh do các hàng rào thuế quan bị dỡ bỏ, và các tiêu chuẩn cũng không bị bắt buộc trong RCEP.

Những câu hỏi dành cho khu vực châu Âu

Các yêu cầu về nhập khẩu vào Liên minh châu Âu được quy định rất cụ thể. Chúng được áp dụng nhằm "giữ gìn sức khỏe của người tiêu dùng, bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn."

Các tiêu chuẩn được đưa ra cũng nhằm hạn chế nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy hoặc bảo hộ sản xuất trong nước khỏi sự cạnh tranh của nước ngoài và từ đó tái cân bằng cán cân thương mại. Tuy nhiên, các quy tắc này hiện bị coi là quá phức tạp đối với châu Á.

Ngoài việc làm cho khả năng cạnh tranh của châu Âu trở nên kém hơn trong việc xuất khẩu sang thị trường châu Á, các tiêu chuẩn mang màu sắc châu Á trong RCEP sẽ không phù hợp với tiêu chí của châu Âu. Điều này sẽ cản trở tham vọng của EU trong việc kiểm soát các công nghệ mới và các thỏa thuận đạo đức mới.

Mặc dù có giá trị trao đổi thương mại, hiệp định RCEP không có chương nào đề cập đến kinh tế bền vững và quyền của người lao động. Mối quan hệ đối tác này là một thách thức đối với tiến trình dân chủ và và tiêu chuẩn đạo đức được quy định trong hoạt động kinh doanh ở châu Âu.

Cạnh tranh tự do sẽ bị biến dạng. Do đó, liệu nay mai EU có khả năng tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm hoặc an toàn môi trường (phát thải CO2) không là điều đang được đặt câu hỏi.

Đối với EU, các hiệp định thương mại tự do mới sẽ phải dựa trên ba nền tảng là toàn cầu hóa kinh tế, biến đổi khí hậu và phát triển thị trường cho các sản phẩm dung hòa với khí hậu. Vậy liệu châu Âu có phải đàm phán lại tất cả các thỏa thuận đã ký không?

Các tiêu chuẩn châu Âu và tất cả các chỉ thị của châu Âu phải được đưa vào các thỏa thuận mới, bao gồm cả phần khí hậu và bảo trợ xã hội. Đối với EU, đây là một lĩnh vực rất quan trọng. Nhưng liệu các nước trong khu vực mới này sẽ chấp nhận các quy tắc của châu Âu về bảo vệ môi trường và xã hội?

Trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, Trung Quốc đã giành được lợi thế khi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, mà sau này là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là Hiệp định CPTPP). Vậy châu Âu và Mỹ có nên hợp lực để chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc hay không?

Mối quan hệ của EU với Tổng thống Joe Biden hiện nay đang rất tốt đẹp, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại vào năm 2024? Liệu EU có nên học theo bài học về ngoại giao kinh tế khéo léo của Nhật Bản, quốc gia đã ký kết các thỏa thuận thương mại với cả Trung Quốc, Mỹ và EU hay không?

Tác động đến đồng euro và thị trường trái phiếu

Kể từ khi RCEP được ký kết, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã liên tục tăng giá so với đồng euro. Trong bối cảnh lạm phát hiện nay, sự mất giá của đồng euro có thể có tác động rất tiêu cực đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, với dòng tiền của các công ty châu Âu và việc phát hành trái phiếu.

Đối với các nhà đầu tư ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, việc mua lại trái phiếu trong Eurozone với lợi suất ngắn hạn thấp cho phép họ hy vọng thu được lợi nhuận vốn trong dài hạn, hoặc thu được lợi nhuận dương nhưng với điều kiện dự đoán được sự tăng giá của đồng euro so với đồng tiền quốc gia của họ.

Trong trường hợp đồng euro giảm giá kéo dài, rất có thể các nhà đầu tư này sẽ từ bỏ thị trường trái phiếu châu Âu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục