Nước lũ sông Cầu đã rút bớt, Bắc Ninh rút lệnh báo động số 3

Theo bản tin của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh, hiện nay mực nước lũ sông Cầu đã xuống dưới mức báo động số 3, sông Thái Bình đã xuống dưới mức báo động số 2.

Đê bối khu Đầu Hàn, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh được đắp thêm để tránh nước sông Cầu tràn vào. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)
Đê bối khu Đầu Hàn, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh được đắp thêm để tránh nước sông Cầu tràn vào. (Ảnh: Thái Hùng/TTXVN)

Hồi 8 giờ sáng 15/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh đã ra công điện số 17/CĐ thông báo rút lệnh báo động số 3 trên triền sông Cầu và rút lệnh báo động số 2 trên triền sông Thái Bình.

Theo bản tin của Đài khí tượng thủy văn tỉnh Bắc Ninh, hiện nay mực nước lũ sông Cầu đã xuống dưới mức báo động số 3, sông Thái Bình đã xuống dưới mức báo động số 2.

Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh rút lệnh báo động số 3 trên triền sông Cầu và rút lệnh báo động số 2 trên triền sông Thái Bình.

Ban Chỉ huy Phòng, chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các ngành liên quan, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố: Yên Phong, Quế Võ, Bắc Ninh, Gia Bình, Lương Tài; Hạt Quản lý đê, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi Nam Đuống, Bắc Đuống tổ chức nghiêm tuần tra, canh gác đê theo cấp báo động trên các triền sông theo đúng quy định tại Thông tư số 01/2009/TT-BNN ngày 6/1/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ động phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố ngay từ giờ đầu để bảo đảm an toàn cho đê.

Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Ninh, bão số 3 và hoàn lưu sau bão gây mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh. Tổng giá trị thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, cơ sở hạ tầng và đầu tư tu sửa hệ thống đê điều, công trình thủy lợi khoảng 1.000 tỷ đồng. Trong đó, sản xuất nông nghiệp: 220 tỷ đồng; cơ sở hạ tầng: 600 tỷ đồng, về đê điều, thủy lợi: 180 tỷ đồng.

Có 52 người bị thương, hơn 4.000 nhà cửa, công trình kiên cố, công trình phụ, trường học, chợ dân sinh, trụ sở các cơ quan đơn vị nhà nước bị sập, tốc mái; 655 hộ dân (2.749 nhân khẩu) bị ngập úng và nguy cơ cao xảy ra ngập úng phải di dời.

Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có trên 82.000 con gia cầm bị chết; 7.500 m2 chuồng trại bị tốc mái; thiệt hại 3.400 tấn thủy sản; trên 9.700ha lúa, 971 ha rau màu, 939ha cây ăn quả, 11ha hoa cây cảnh bị đổ, ngập nước và 25,98 ha diện tích nhà màng, nhà lưới bị tốc mái, hư hỏng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục