Ông Kerry hối thúc Mỹ và EU nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu

Theo ông Kerry, Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 11 tới là "cơ hội tốt nhất cuối cùng để thế giới tập hợp lại và thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.”
Ông Kerry hối thúc Mỹ và EU nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu ảnh 1Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry. (Nguồn: AP)

Trong chuyến thăm Brussels (Bỉ) ngày 9/3, Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về khí hậu John Kerry nhấn mạnh Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) cần khôi phục các nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu trước khi hứng chịu những thiệt hại “không thể đảo ngược.”

Tại cuộc hội đàm trực tiếp với các quan chức EU, ông Kerry cảnh báo: “Chúng ta đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có.”

Tuy nhiên, theo ông, thế giới không chỉ đối mặt với cuộc khủng hoảng về khí hậu mà còn đứng trước "cơ hội lớn nhất chưa từng có kể từ cuộc cách mạng công nghiệp để xây dựng tốt hơn, làm mới bản thân và các nền kinh tế của chúng ta."

Đặc phái viên Mỹ đánh giá Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, diễn ra vào tháng 11 tới tại Glasgow, Scotland là "cơ hội tốt nhất cuối cùng để thế giới tập hợp lại và thúc đẩy Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.”

[Mỹ khẳng định sẽ thực hiện cam kết tài chính chống biến đổi khí hậu]

Về phần mình, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Frans Timmermans hoan nghênh Mỹ tham gia trở lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Ông cho biết EU và Mỹ sẽ hợp tác để đảm bảo thành công của hội nghị tại Glasgow dù sẽ cần nỗ lực để "thuyết phục các bên làm điều đúng đắn."

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Kerry đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và các quan chức cấp cao khác của EC.

Tại cuộc gặp, bà Ursula von der Leyen nhắc lại sự kiện Tổng thống Mỹ Joe Biden vào ngày đầu tiên nhậm chức đã thông báo Mỹ sẽ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. 

Tháng 11/2020, Mỹ đã rút khỏi Hiệp định Paris theo quyết định của Tổng thống khi đó là ông Donald Trump. 

Ngày 19/2 vừa qua, nước này đã chính thức tham gia trở lại hiệp định ký năm 2015 này, động thái cho thấy chính quyền của Tổng thống Biden đang nỗ lực đưa nước Mỹ trở lại cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu. 

Tháng 12/2020, các nước thành viên EU nhất trí đến năm 2030 cắt giảm ít nhất 55% lượng khí thải nhà kính của khối so với mức của năm 1990./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục