Xe hơi Trung Quốc liệu ‘có cửa’ tại thị trường Việt Nam?

Ôtô mang thương hiệu Trung Quốc sẽ 'khuấy đảo' thị trường xe Việt?

Thị trường xe Việt đang chứng kiến sự "đổ bộ" hàng loạt ôtô thương hiệu Trung Quốc với ngoại hình bắt mắt và giá "siêu rẻ". Tuy nhiên "cơn sốt" này là thật hay ảo vẫn đang là câu hỏi lớn.
Xe hơi Trung Quốc đang tạo 'cơn sốt' tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Xe hơi Trung Quốc đang tạo 'cơn sốt' tại thị trường Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian gần đây, một mẫu xe đình đám của Trung Quốc - BEIJING X7, đang gây “bão” tại thị trường ôtô Việt với thông tin tăng giá bán từ 688 lên 698 triệu đồng cùng với yêu cầu đặt cọc số tiền lên tới 200 triệu đồng mới "được" mua xe.

Thêm đó, đại lý phân phối mẫu xe Trung Quốc này tại Việt Nam cũng tung ra thông báo đã nhận được 1.000 đơn đặt hàng chỉ trong vòng 1 tháng ra mắt, điều này khiến chiếc xe trở thành đề tài bàn luận "nóng" trên mạng xã hội.

Vậy bí quyết nào khiến cho chiếc xe xuất xứ từ Trung Quốc trở nên “sốt” đến vậy? Và liệu đây có phải là một xu hướng mới cho thị trường ôtô trong nước?

Giá ‘phá đảo’, công nghệ ngập tràn

Sau khoảng thời gian im hơi lặng tiếng, thời gian gần đây các mẫu xe du lịch có xuất xứ từ Trung Quốc “ồ ạt” xâm nhập vào thị trường Việt Nam. Khác với trước, các mẫu xe được nhập khẩu thời gian gần đây tập trung vào xe gầm cao, dạng SUV/Crossover, vốn là phân khúc ôtô đang rất được khách hàng Việt quan tâm.

Vào thời điểm cuối năm 2018, mẫu xe Zoyte Z8 từng thu hút sự chú ý của nhiều khách hàng Việt Nam bởi có nhiều công nghệ, trang bị không hề kém xe sang, ngoại thất bắt mắt và có giá bán rẻ nhất phân khúc, chỉ 728 triệu đồng.

Sự xuất hiện của mẫu xe này đã khiến nhiều khách hàng đem ra so sánh với những mẫu xe đối thủ tại Việt Nam như Hyundai Tucson, Mazda CX-5 hay Honda CR-V đều có giá bán thấp nhất từ 800 triệu đồng trở lên.

Sau Zoyte Z8 đến lượt mẫu xe Z8L (bản 7 chỗ của Z8) và liên tiếp nhiều mẫu xe Trung Quốc được giới thiệu tại Việt Nam như: Brilliance V7 có giá bán 700 triệu đồng hay mẫu BAIC X55 có giá bán 548 triệu đồng. Với xe Trung Quốc nhập chính hãng, hai cái tên mới nhất phải kể tới là MG ZS và HS, được phân phối bởi Tan Chong, đối tác cũ của Nissan tại Việt Nam, cạnh tranh với Hyundai Kona, Kia Seltos,…có giá bán từ 518-788 triệu đồng.

Gần đây nhất, mẫu xe Trung Quốc nhập khẩu gây chú ý là xe gầm cao BAIC BEIJING X7, có giá bán chỉ từ 528-688 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với các đối thủ cùng phân khúc. Giá bán thấp, BEIJING X7 lại được trang bị hàng loạt các công nghệ của xe sang như: Ghế lái chỉnh điện, điều hòa tự động, camera 360 độ, màn hình cảm ứng trung tâm… khiến không ít khách hàng "đổ gục" trước sự hấp dẫn về mặt công nghệ nhưng lại có mức giá rất “bình dân”.

Ôtô mang thương hiệu Trung Quốc sẽ 'khuấy đảo' thị trường xe Việt? ảnh 1BEIJING X7 có nội thất sang trọng, công nghệ tiện nghi y như các dòng xe "bạc tỷ". (Ảnh nguồn: Chinamobil)

Anh Công T. (Gia Lâm, Hà Nội) là một trong những người “may mắn” đặt cọc thành công chiếc xe BEIJING X7. Khi được Phóng viên VietnamPlus hỏi về lý do chọn xe, anh chia sẻ dòng xe Trung Quốc về Việt Nam thời gian gần đây rất tốt và cạnh tranh sòng phẳng với các mẫu xe của Hàn Quốc hay Nhật Bản. Với mức giá trên dưới 600 triệu đồng, anh cũng như nhiều người đã có thể sở hữu 1 chiếc ôtô gầm cao với các 'option' công nghệ y hệt các dòng xe sang của Đức. "Vậy lý do gì tôi phải chọn mua một chiếc Hyundai Tucson đắt hơn mà lại còn không bằng?” anh T. cho hay.

Đặc trưng của những chiếc ôtô Trung Quốc này đó là những trang bị về ngoại hình lẫn nội thất rất bắt mắt, mỗi bộ phận lại trang bị những công nghệ vốn đã ‘gắn liền’ với các thương hiệu nổi tiếng như: Cụm động hồ màn hình giải trí nối liền như xe Mercedes-Benz, bảng điều hòa giống kiểu Range Rover, cụm cần số giống Audi, ghế bọc da Nappa

“Cơn sốt” liệu có thật?

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải Quan, tính hết năm 2019 và 10 tháng của năm 2020, tổng lượng ôtô Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam chỉ đạt khoảng hơn 9.000 chiếc; trong đó đã bao gồm cả xe thương mại và ôtô từ 9 chỗ ngồi trở xuống.

Quay lại với chiếc xe BEIJING X7, dù thành tích bán được 1.000 xe là thực hay ảo, việc nhà phân phối công bố bán hết toàn bộ xe nhập về tại Việt Nam đã tạo cho người tiêu dùng tâm lý "sợ bỏ lỡ,'' rằng nếu không mua thì sẽ là một quyết định sai lầm và bỏ qua một chiếc xe tốt. Do vậy, dù có bỏ ra số tiền cọc lên đến 200 triệu đồng - gấp 10 lần mức cọc so với các loại xe phổ thông khác hiện nay (từ 10-20 triệu đồng) - họ cũng không thấy tiếc. 

Thế nhưng, khoan nói về độ tin cậy của số lượng công bố bán ra của mẫu xe trên tại Việt Nam, nhìn sang thị trường quê nhà, doanh số của BEIJING X7 trong ba tháng quý III năm 2020 lần lượt là 3.103, 4.687 và 4.680 chiếc (theo số liệu từ trang thống kê Chinamobil). Đây là những con số tương đối khả quan đối với mẫu xe này nhưng chưa phải là bán chạy nếu so với sức tiêu thụ của thị trường “tỷ dân” tại đây.

Nếu so với mẫu xe được xem là đối thủ Honda CR-V, BEIJING X7 có doanh số chênh lệch khá lớn. Cũng theo số liệu từ Chinamobil, trong tháng 7, 8, 9 năm 2020, Honda CR-V bán ra lần lượt là 20.128 và 22.689 và 19.020 chiếc, gấp nhiều lần so với mẫu xe Trung Quốc-BEIJING X7. 

Ôtô mang thương hiệu Trung Quốc sẽ 'khuấy đảo' thị trường xe Việt? ảnh 2Bảng xếp hạng hai mẫu xe BEIJING X7 và Brilliance V7 tại thị trường Trung Quốc tháng này. (Ảnh chụp màn hình)

Điểm chung của các mẫu xe Trung Quốc đưa về Việt Nam trong nhiều năm qua là đều có doanh số tốt ở thời điểm chào bán, nhưng dần mất phong độ sau vài tháng và rơi vào tình trạng ế ẩm, thậm chí có tháng bán không được chiếc nào, dẫn đến việc bị ‘’khai tử’’.

Đơn cử Brilliance V7, chiếc xe khá đình đám tại Việt Nam vài tháng trước do được đơn vị nhập khẩu "quảng cáo" là dùng công nghệ động cơ BMW. Mẫu xe này "trình làng" tại Trung Quốc năm 2018 và có doanh số tương đối tại thời điểm đó. Nhưng sang đến năm 2020 thì là "thảm họa" đối với Brilliance V7 khi doanh số rớt xuống chỉ còn vài chục chiếc/tháng, thậm chí có tháng Ba và tháng Bảy không bán được chiếc nào. Đây cũng chính là thời điểm mà Brilliance V7 được đưa về Việt Nam.

Chung tình cảnh với Brilliance V7 còn có Zotye Z8, mẫu xe từng gây xôn xao tại Việt Nam nay cũng không còn bán ra tại Trung Quốc. Thậm chí theo tờ báo United News (udn.com) hãng xe này còn vừa mới công bố "phá sản" khi 4 tháng gần đây không bán được xe nào tại thị trường đông dân nhất thế giới. Có thể thấy, điểm chung của xe Trung Quốc được đưa về Việt Nam trước đây đều là những mẫu xe “ế ẩm” tại thị trường quê nhà.

[Điểm mặt 5 mẫu xe Trung Quốc giá rẻ “gây sốt” tại thị trường ôtô Việt]

Theo bảng xếp hạng từ Chinamobil, các mẫu xe Trung Quốc "quen thuộc" với thị trường Việt Nam xếp ở vị trí rất thấp như Brilliance V7 ở vị trí 431, BAIC X55 khá hơn với thứ hạng 365/450, Zotye Z8 xếp thứ 343/450, còn BAIC Q7 nằm ở vị trí 410/450. Còn các vị trí đứng đầu hầu như là cái tên quen thuộc như Vokswagen, Toyota, Honda,… hay những mẫu xe Trung Quốc được ưa chuộng có Geely, Changan, Buick, Haval,… thì lại chưa được đưa về thị trường Việt Nam. Điều đó cho thấy một điều rằng người dân Trung Quốc vẫn chưa thật sự tin dùng các mẫu xe…nội địa của mình.

Liệu có ‘cửa’ tại thị trường Việt?

Việc ôtô Trung Quốc “khuấy đảo” thị trường Việt Nam thời gian qua cũng làm nhiều người liên tưởng đến câu chuyện của “xe máy Tàu” trước đây.

Theo anh Nguyễn Hải Minh, một chuyên gia có tiếng trong ngành cho biết xe nội địa Trung Quốc vẫn chỉ có thị phần ít ỏi ở chính trong nước, chủ yếu dành cho người có thu nhập trung bình tới thấp, các vùng quê còn các thành phố lớn dân vẫn đa số sử dụng xe lắp ráp như BMW, Audi, Volkwagen...

Mặc dù đây cũng chính là phân khúc phần lớn tại thị trường Việt Nam, song "tâm lý" cũng như định kiến về “đồ Tàu” của người Việt vẫn luôn là cản trở lớn đối với những hãng xe Trung Quốc khi muốn thâm nhập vào thị trường này.

Bên cạnh đó, vị chuyên gia này cũng cho rằng chính sự "chắp vá" máy móc, kiểu dáng, công nghệ và đa phương tiện, nên có thể nhìn xe Trung Quốc đẹp song người ta đặt câu hỏi về chất lượng các mẫu xe trên có thực sự tốt khi mà nhà sản xuất không đi từ cốt lõi, chưa phân phối độc quyền.

‘’Những hãng xe này không có nhà phân phối chính hãng tại Việt Nam mà được phân phối thông qua đại lý tư nhân. Nếu vài năm sau, xe bị ngừng phân phối thì nhà nhập khẩu này có đảm bảo nguồn cung ứng phụ tùng, linh kiện thay thế không, hay 'đem con bỏ chợ,' mặc cho khách hàng tự tìm phụ tùng?’’ anh Minh đặt câu hỏi.

Theo báo cáo của JD Power, công ty toàn cầu nghiên cứu về người dùng, ôtô Trung Quốc đã cải thiện chất lượng so với thương hiệu quốc tế nhưng vẫn còn một khoảng cách. Các lỗi liên quan đến hỏng hóc, xe không hoạt động, phát ra tiếng kêu hay xuống cấp theo thời gian lại tăng lên.

Anh Đức Nguyễn, chủ một gara ôtô tại đường Phạm Hùng (Hà Nội), cho biết xe Trung Quốc cũng có những người mua về rồi bán lại nhưng đa số người kinh doanh xe cũ đều "e dè" với mặt hàng này vì chất lượng của nó.

“Chất lượng về các loại xe vẫn luôn là chủ đề nhiều người bàn tán. Những chi tiết nhựa, sơn vỏ, động cơ…cũng cần phải chống chọi được với thời tiết sau nhiều năm, nhưng điều này với xe Trung Quốc vẫn còn là câu hỏi lớn,” anh Đức nhận xét.

Ôtô mang thương hiệu Trung Quốc sẽ 'khuấy đảo' thị trường xe Việt? ảnh 3Xe ôtô Trung Quốc tại một trạm đăng kiểm khu vực T.P Hồ Chí Minh. (Ảnh nguồn: FB)

Tuy nhiên, nếu đánh giá quá tiêu cực về xe Trung Quốc thì cũng hơi “bất công” cho các dòng xe này, bởi xe Trung Quốc chỉ mới xuất hiện tại Việt Nam khoảng hơn 2 năm nay và còn chưa được kiểm chứng bởi đông đảo người dùng.

“Xe Trung Quốc mới chỉ xuất hiện và rất nhiều xe còn chưa chạy hết chu kỳ đăng kiểm lần đầu. Bên cạnh đó, cũng không thể đòi hỏi một chiếc xe nhiều trang bị lại có chất lượng tốt mà giá bán thấp,’’ đại diện của một trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội bày tỏ quan điểm.

Ngoài ra, khi ôtô Trung Quốc tràn vào thị trường thì tính cạnh tranh sẽ cao hơn và đối với ôtô thì phải qua thời gian sử dụng mới khẳng định được thương hiệu. Những hãng xe tại Việt Nam nếu không đảm bảo chất lượng tốt, giá thành hợp lý thì sớm muộn cũng sẽ bị "đào thải" và biến mất trên thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục