Phật giáo phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc

5 năm vừa qua, tăng ni, phật tử đã đóng góp, tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội với tổng trị giá hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó phải kể đến những đóng góp quan trọng đối với công tác chống dịch.
Phật giáo phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc ảnh 1Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến và các đại biểu dự hội nghị. (Nguồn: daidoanket)

Chiều 10/10, tại Hà Nội, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và những đề xuất, kiến nghị của các vị giáo phẩm, chức sắc lãnh đạo Giáo hội với Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chủ trì Hội nghị có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực; Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, quyền Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Dũng, Phó Pháp chủ kiêm Chánh Thư ký Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thông tin về công tác phật sự nhiệm kỳ VIII và phương hướng hoạt động phật sự nhiệm kỳ IX của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, trong bối cảnh khó khăn chung của toàn xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19, với sự đoàn kết hòa hợp và tinh thần "Trí tuệ-Kỷ cương-Hội nhập-Phát triển," Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã đạt được những thành tựu phật sự rất đáng khích lệ. 

Công tác phật sự trọng tâm là tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo cấp huyện nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng kế hoạch Thông tư 205/TT-HĐTS của Hội đồng Trị sự. Đại hội đại biểu Phật giáo cấp tỉnh nhiệm kỳ 2022-2027 đã diễn ra thành công ở 61 tỉnh, thành phố và sẽ hoàn thành Đại hội cấp tỉnh trong tháng 10/2022.

[Văn hóa Phật giáo Việt Nam góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc]

Công tác từ thiện xã hội là một trong những hoạt động nổi bật của Giáo hội, của tăng ni, phật tử, tập trung vào hoạt động của các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi, người già cô đơn, người tàn tật với hàng trăm cơ sở hoạt động.

Tổng kết đánh giá kết quả công tác từ thiện xã hội nhiệm kỳ 5 năm vừa qua, tăng ni, phật tử đã đóng góp, tham gia công tác từ thiện, an sinh xã hội với tổng trị giá hơn 7.000 tỷ đồng, trong đó phải kể đến những đóng góp quan trọng của Giáo hội đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã 3 lần đăng cai, tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, mở ra một tầm cao, vị thế mới trong sứ mệnh hội nhập quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; góp phần khẳng định chính sách nhất quán tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo tốt đẹp của Đảng, Nhà nước ta; lan tỏa hình ảnh, văn hóa quê hương, đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Cũng theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự quan tâm giúp đỡ kịp thời, phối hợp chặt chẽ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các ban, bộ ngành Trung ương và các địa phương. Tăng ni, phật tử luôn thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là Luật Tín ngưỡng tôn giáo; phát huy sức mạnh đại đoàn kết vì sự nghiệp chung, đồng hành, phát triển cùng đất nước.

Tại Hội nghị, các vị giáo phẩm, chức sắc lãnh đạo Giáo hội đề nghị các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quan tâm giúp đỡ Giáo hội tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022-2027; đề nghị Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các bộ, ban, ngành Trung ương sớm thể chế hóa, tiến hành sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế, giáo dục, văn hóa, an sinh xã hội như Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Giáo dục... nhằm cụ thể hóa và áp dụng triển khai được trong thực tiễn các chủ trương của Đảng về “phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng và phát triển đất nước bền vững” được khẳng định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Tiếp thu ý kiến của đại biểu tham dự Hội nghị, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Lê Tiến Châu khẳng định, các ý kiến đã thể hiện sự quan tâm của Giáo hội đối với những vấn đề quan trọng có tính quốc kế dân sinh của đất nước, tạo động lực góp phần để Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện xã hội đối với các chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, tác động rộng lớn đến các đối tượng trong xã hội.

Chúc mừng những kết quả đáng ghi nhận trong công tác phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), thay mặt Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tiểu ban Vận động và huy động xã hội của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trân trọng cảm ơn những nghĩa cử cao đẹp của các chư tôn đức giáo phẩm, tăng ni, phật tử cả nước đã đóng góp công sức của mình cùng với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đồng lòng, chung sức vượt qua đại dịch COVID-19.

Về những kiến nghị, đề xuất tại Hội nghị, ông Đỗ Văn Chiến cho biết, với vai trò, trách nhiệm của mình, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tổng hợp, báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cơ quan chức năng có thẩm quyền để hiện thực hóa những ý kiến, đề xuất, kiến nghị có ý nghĩa thiết thực, ích nước lợi dân của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Trong thời gian tới, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam mong muốn Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục phát huy truyền thống "Hộ quốc an dân" và phương châm "Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội" của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ mới, đóng góp tích cực, xứng đáng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; đổi mới và hội nhập./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục