Phi hạt nhân hóa: Điều gì có thể xảy ra tiếp theo với Triều Tiên?

Rút cục, để chấm dứt trò chơi của Triều Tiên, Mỹ phải chấp nhận nước này sở hữu vũ khí hạt nhân trên thực tế và tiến hành đàm phán kiểm soát vũ khí nhằm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Phi hạt nhân hóa: Điều gì có thể xảy ra tiếp theo với Triều Tiên? ảnh 1Bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên. (Nguồn: 38 North/TTXVN)

Theo Trang mạng Natioanalinterest.org, một tháng trôi qua kể từ khi Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gặp nhau tại Singapore và ký vào một bản tài liệu gồm 4 đoạn với những hy vọng rằng Triều Tiên cuối cùng đã có một quyết định chiến lược hủy bỏ các chương trình vũ khí của mình và gia nhập cộng đồng quốc tế.

Trong cuộc họp báo ngay sau cuộc gặp lịch sử, Trump nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân, và rằng đây là bằng chứng thể hiện những ý định tốt của Kim, Cộng hòa nhân chủ nhân dân Triều Tiên (DPRK) sẽ cho hồi hương hài cốt của những binh sỹ Mỹ thiệt mạng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên và sẽ gỡ bỏ bãi thử động cơ tên lửa.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thực hiện chuyến thăm thứ ba tới Bình Nhưỡng vào tuần trước để làm rõ một số chi tiết trong tuyên bố Singapore và miêu tả các cuộc gặp của ông với quan chức Triều Tiên là “hiệu quả.”

Ông cam kết rằng các cuộc gặp cấp cao giữa hai bên sẽ tiếp tục diễn ra sau khi hồi hương hài cốt binh sỹ Mỹ và rằng các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục tập trung vào việc tháo gỡ bãi thử động cơ tên lửa của Triều Tiên.

Victor Cha cho rằng theo kinh nghiệm của ông, công tác ngoại giao với một quốc gia như Triều Tiên chưa bao giờ là dễ dàng. Giống như Pompeo, Victor Cha không hề biết về lịch trình của mình trước khi đặt chân lên đất Triều Tiên, không biết mình sẽ ở đâu, gặp gỡ những ai. Đây là cách Triều Tiên làm việc.

[Mỹ nỗ lực thúc đẩy Triều Tiên thực hiện đúng cam kết]

Hầu hết mọi thông lệ ngoại giao đều bị “vứt ra ngoài cửa sổ.” Thậm chí bất lợi hơn cho điều này là việc kết quả từ cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore không có nhiều thứ để mong đợi. Triều Tiên có thể vẫn chưa phá hủy bãi thử tên lửa bất chấp Trump tự hào nói rằng điều đó đã được làm rồi...

Do đó, cuộc gặp thượng đỉnh tại Singapore không phải là bước tiến lớn tiến tới giải giáp chế độ này.

Bất chấp những tuyên bố của Pompeo rằng các cuộc gặp của ông ở Bình Nhưỡng là hiệu quả, hãng thông tấn Triều Tiên dẫn lời những quan chức giấu tên của nước này nói rằng các cuộc gặp đó là rất tệ và rằng yêu cầu phi hạt nhân hóa của Mỹ là “giống kẻ cướp” (truyền thông dịch là “găngxtơ.”)

Các cuộc đàm phán cấp chuyên viên sẽ tiếp tục diễn ra bất cứ lúc nào, nhưng điều này khó đem lại lòng tin khi mà sự thiếu hiệu quả của các cuộc đàm phán chính là nguyên nhân dẫn đến chuyến thăm Bình Nhưỡng lần thứ ba của Pompeo hồi tuần trước và thành phố này trở thành điểm đến nước ngoài thường xuyên nhất của Ngoại trưởng Mỹ.

Về những cuộc gặp cấp chuyên viên hôm 12/7 bàn về việc hồi hương hài cốt của binh sỹ Mỹ - những gì Trump khẳng định công khai đã xảy ra - phía Triều Tiên chưa bao giờ lên tiếng.

Sau hội nghị thượng đỉnh Singapore, các cuộc tiếp xúc giữa hai bên hầu như không gây được ấn tượng. Tuy nhiên, đây chưa phải là lúc từ bỏ con đường ngoại giao. Bởi thực tế rằng các cuộc đàm phán đang diễn ra còn tốt hơn so với tình hình một năm trước, khi chính quyền Trump có ý định sử dụng đòn tấn công quân sự nhằm vào chế độ này mà có lẽ đã leo thang thành một cuộc chiến tranh hủy diệt.

Ngoài ra, Donald Trump vô tình đã tạo ra “chi phí tiếp kiến” cho nhà lãnh đạo Triều Tiên khi nhà lãnh đạo trẻ có thể tận hưởng sân khấu thế giới với các cuộc gặp thượng đỉnh với các đối tác Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Những tin đồn nhà lãnh đạo Triều Tiên có thể tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York vào tháng 9 tới sẽ rất khó xảy ra trừ phi Kim thực hiện tuyên bố Singapore.

Thời gian tới, Pompeo không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục đàm phán với Triều Tiên.

 

Giống như 10 năm trước đây khi Victor Cha tham gia các cuộc đàm phán, theo ông, vấn đề này sẽ lại còn kéo dài. Triều Tiên sẽ chế giễu yêu cầu giải giáp vũ khí của Mỹ nếu Washington không đưa ra một số nhượng bộ nghiêm túc, trước tiên là gỡ bỏ cấm vận, bình thường hóa quan hệ, bao gồm cả một hiệp ước hòa bình, và hỗ trợ năng lượng, kinh tế. Trong khi Mỹ nói rằng phi hạt nhân hóa là chìa khóa để mở cửa cho tất cả những lợi ích đó.

Có khả năng, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại một lần nữa phá vỡ nguyên tắc để đưa ra một số nhượng bộ trước tiên, cụ thể là bình thường hóa quan hệ và một hiệp ước hòa bình chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Những bước đi này quả thực sẽ là lịch sử và có thể giúp Trump giành được giải thưởng Nobel cho điều mà những người tiền nhiệm không thể hoàn thành.

Tuy nhiên, chưa chắc những hành động như vậy sẽ thuyết phục Triều Tiên từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của mình. Rút cục, để chấm dứt trò chơi của Triều Tiên, Mỹ phải chấp nhận quốc gia này sở hữu vũ khí hạt nhân trên thực tế, và tiến hành các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí nhằm làm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên (nhưng không phải là phi hạt nhân hóa).

Nhưng đối với Donald Trump, phi hạt nhân hóa từng phần có thể là tất cả những gì ông cần để tuyên bố chiến thắng, đặc biệt nếu ông sử dụng một hiệp ước không hoàn hảo như vậy như một nền tảng cho việc rút quân đội Mỹ khỏi Triều Tiên sau đó.

Trump cũng đã đơn phương trì hoãn các cuộc tập trận quân sự Mỹ-Hàn bởi chúng bị Kim coi là “khiêu khích” và Trump cho là “tốn kém.”

Kể từ những năm 90 của thế kỷ trước, Trump đã nói rằng ông không hiểu tại sao Mỹ lại phải gánh chi phí cho việc đóng quân ở Hàn Quốc khi họ rất “giàu có” và có thể tự bảo vệ mình.

Nếu Tổng thống Trump coi việc rút quân là giải pháp tối ưu để đưa ông ra khỏi vấn đề này, thì ông sẽ không chỉ làm tổn thương vĩnh viễn các đồng minh của mình ở châu Á, mà còn sẽ khích lệ Triều Tiên tin rằng chiến lược hàng thập kỷ của Triều Tiên sử dụng mối đe dọa hạt nhân để buộc Mỹ rút khỏi bán đảo này cuối cùng đã thành công.

Một kết quả như vậy sẽ được cả Trung Quốc và Nga hoan nghênh, coi đây là bằng chứng về sự suy giảm vị thế bá chủ của Mỹ ở châu Á. Cuối cùng, Trump sẽ làm cho người Mỹ cảm thấy ít an toàn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục