Quan hệ Nga-Trung Quốc nhìn từ hợp tác chiến lược biển

Quan hệ đối tác chiến lược biển giữa Nga và Trung Quốc nhằm mở rộng phạm vi và khả năng của hai nước vì sự phát triển của đại dương thế giới, củng cố vị thế quốc tế và ảnh hưởng trên thế giới.
Quan hệ Nga-Trung Quốc nhìn từ hợp tác chiến lược biển ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Business Recorder)

Trang tin của Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây đăng bài bình luận với tiêu đề “Quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung: từ lục địa đến biển” của tác giả Zhao Huasheng - Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Phúc Đán, Trung Quốc, đồng thời cũng là chuyên gia RIAC. Dưới đây là nội dung bài viết.

Nga và Trung Quốc là những đối tác truyền thống trên lục địa Á-Âu. Cả hai quốc gia giáp ranh với nhau, quản lý những vùng lãnh thổ rộng lớn của lục địa Á-Âu và lợi ích chung của hai nước chủ yếu tập trung ở đây.

Đó chính là lý do tại sao hợp tác chiến lược quốc tế và khu vực giữa hai nước bắt đầu ở lục địa Á-Âu và dựa trên khu vực này. Các dự án chính kết nối lục địa trong hợp tác song phương bao gồm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), sáng kiến “Đối tác Đại Á-Âu” và việc kết nối Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.

Theo truyền thống, mặc dù Nga và Trung Quốc được coi là các cường quốc lục địa, nhưng cả hai nước đều được các đại dương bao bọc, có đường bờ biển dài nên được coi là các quốc gia biển và nỗ lực trở thành các cường quốc biển.

Bắt đầu từ những năm 1990, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành một số chương trình về phát triển biển, trong đó có “Chính sách Đại dương của Trung Quốc trong thế kỷ XXI.” Việc biến Trung Quốc thành một cường quốc biển là một mục tiêu chiến lược.

Ở cấp độ quốc tế, năm 2013 Bắc Kinh đã đưa ra sáng kiến xây dựng “Con đường Tơ lụa trên biển”, năm 2019 đưa ra đề xuất thành lập “Cộng đồng chung vận mệnh trên biển.”

[Quan hệ Nga-Trung Quốc: Củng cố đối tác cũ trước thách thức mới]

Ở Nga, năm 2001, “Học thuyết biển của Liên bang Nga cho giai đoạn đến năm 2020” đã được phê duyệt, bao gồm việc phát triển các nguồn tài nguyên đại dương thế giới, bảo vệ lợi ích biển và củng cố vị thế của Nga trong số các cường quốc biển hàng đầu thế giới.

Nga và Trung Quốc từ lâu đã hợp tác ở trên các đại dương như tại Bắc Cực, thực hiện dự án “Con đường Tơ lụa trên biển,” tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ở Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, Đại Tây Dương, cũng như ở Biển Địa Trung Hải, tuần tra chung trên không ở Biển Nhật Bản và một loạt các hoạt động khác.

Đồng thời, nhu cầu phát triển hợp tác chiến lược biển giữa Nga và Trung Quốc ngày càng được chú ý trong giới học thuật. Tuy nhiên, khái niệm về quan hệ đối tác như vậy đến nay vẫn chưa được nghiên cứu.

Khái niệm đối tác chiến lược trên biển là cần thiết cho hợp tác thực tế, cũng như cho phát triển các mối quan hệ song phương lâu dài. Đối tác chiến lược biển và hợp tác chiến lược biển không phải là một.

Hợp tác chiến lược ngụ ý những hành động chung cụ thể, trong khi đối tác chiến lược chỉ ra trạng thái thừa nhận lẫn nhau của các đối tác chiến lược. Khái niệm quan hệ đối tác chiến lược biển sẽ hình thành khuôn khổ hợp tác chung, gắn kết cùng nhau hợp tác cả trên bộ và trên biển, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hơn cho hợp tác chiến lược giữa hai nước.

Để hình thành quan hệ đối tác chiến lược biển Nga-Trung cần có điều kiện và khả năng. Lợi ích của hai nước trên các vùng biển là trùng khớp, không có mâu thuẫn nghiêm trọng, mặc dù có thể xảy ra bất đồng trong một số vấn đề nhất định.

Cả hai nước đều duy trì quan hệ cấp cao, đóng vai trò là cơ sở chính trị cần thiết. Nga và Trung Quốc đều coi phát triển đại dương thế giới là một định hướng chiến lược quan trọng.

Về mặt địa lý, Trung Quốc được bao bọc bởi Thái Bình Dương và cũng có lối ra Ấn Độ Dương. Biên giới của Nga chủ yếu trải dọc theo Bắc Băng Dương và gần với Đại Tây Dương. Các đường bờ biển của Nga và Trung Quốc trên thực tế hợp nhất, hình thành tính liên tục của đại dương.

Hợp tác biển là sự tiếp nối tự nhiên của hợp tác lục địa giữa Moskva và Bắc Kinh. Cả hai nước đều có cấu trúc bổ sung cho nhau trong nhiều khía cạnh của vận tải biển. Hai nước có thể sử dụng các cơ hội của nhau để mở rộng tiềm năng phát triển hàng hải và thu được nhiều lợi ích hơn.

Chắc chắn rằng trong lĩnh vực vận tải biển, hai nước sẽ ngày càng có nhiều điểm giao thoa, phù hợp với những lĩnh vực hợp tác. Điều này sẽ tạo ra tiềm năng để phát triển bền vững quan hệ đối tác chiến lược biển.

Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương. Đại dương thế giới đang trở thành nhân tố hàng đầu trong chính trị, kinh tế và đảm bảo an ninh. Khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là nơi có 4 trong số 6 nền kinh tế lớn nhất thế giới, đó là: Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ.

Khu vực Bắc Cực đang trở thành một điểm nóng mới trong nền chính trị quốc tế cũng như trong lĩnh vực an ninh và sở hữu các nguồn năng lượng.

Trong tương lai, cán cân quyền lực trên trường quốc tế phần lớn sẽ được quyết định bởi yếu tố sức mạnh trên biển. Nga và Trung Quốc sẽ đóng một vai trò quan trọng trong các vấn đề về biển. Cả hai nước đều có thể củng cố vị thế và gia tăng ảnh hưởng của mình bằng cách hợp tác hành động, cho phép hai nước bảo vệ lợi ích quốc gia của mình hiệu quả hơn.

Ý nghĩa chính của khái niệm đối tác chiến lược biển Nga-Trung còn nằm ở chỗ cả hai nước đều đóng vai trò là các đối tác chiến lược để tiến hành hợp tác toàn diện và lâu dài trong sự phát triển của đại dương thế giới. Các khu vực hợp tác chính là Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương, nhưng cũng có thể bao gồm cả Đại Tây Dương và Địa Trung Hải. Là một phần của quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc, đối tác chiến lược biển hoàn toàn phù hợp với đặc trưng của mối quan hệ chung đó. Đối tác chiến lược biển không mang tính đối đầu và không nhằm vào các nước thứ ba, mà mục tiêu chính là góp phần vào sự phát triển của hai nước.

Quan hệ đối tác chiến lược biển giữa Nga và Trung Quốc nhằm mở rộng phạm vi và khả năng của hai nước vì sự phát triển của đại dương thế giới, củng cố vị thế quốc tế và ảnh hưởng trên thế giới, cũng như đảm bảo các lợi ích của mình và an ninh trên biển.

Ngoài ra, quan hệ đối tác chiến lược biển sẽ cho phép tăng hiệu quả của các nỗ lực chung trong việc duy trì an ninh và ổn định của đại dương thế giới và khi giải quyết các vấn đề quốc tế về biển. Nó cũng sẽ tạo nền tảng vững chắc để củng cố hợp tác hàng hải giữa các quốc gia, thể hiện sự tôn trọng lợi ích biển và an ninh của nhau thông qua cung cấp cho hai nước một cơ chế mang tính xây dựng để giải quyết các vấn đề và xung đột có thể xảy ra liên quan đến biển.

Nội dung của quan hệ đối tác chiến lược biển bao gồm phát triển tài nguyên, bảo vệ môi trường, tiến hành nghiên cứu chung, giới thiệu đổi mới khoa học - công nghệ, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, xây dựng cơ sở hạ tầng, chống cướp biển và khủng bố, đảm bảo an toàn hàng hải quốc tế, hợp tác quân sự - chiến lược trong lĩnh vực an ninh trên biển, duy trì chế độ hàng hải quốc tế đáp ứng các yêu cầu của một trật tự quốc tế công bằng ...

Đồng thời, khi phát triển quan hệ hợp tác song phương giữa Nga và Trung Quốc, phạm vi tương tác của hai nước trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược biển sẽ được mở rộng. Để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược biển, Nga và Trung Quốc có thể nghiên cứu một chương trình hành động đặc biệt và các cơ chế thích hợp.

Hiện tại, các lĩnh vực tương tác chính giữa Nga và Trung Quốc với tư cách là đối tác chiến lược biển là Bắc Cực, việc thực hiện dự án “Con đường Tơ lụa trên băng,” việc duy trì chế độ hàng hải quốc tế, việc đảm bảo an ninh chiến lược hàng hải, hợp tác quân sự, cũng như phát triển hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương.

Hợp tác kinh tế biển sâu rộng nhất giữa Nga và Trung Quốc đang phát triển ở Bắc Cực, nơi có tiềm năng lớn nhất và nhiều cơ hội để hợp tác kinh tế giữa hai nước. Trong khu vực này, Nga và Trung Quốc đang cùng xây dựng các cảng của “Con đường Tơ lụa trên băng.”

Hợp tác kinh tế biển hiện nay giữa Nga và Trung Quốc bao phủ phạm vi rộng lớn như giảm thiểu hậu quả của biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng và bảo vệ môi trường, ứng dụng đổi mới khoa học-công nghệ, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và xây dựng ...

Sự nóng lên toàn cầu đang dẫn đến gia tăng hoạt động đánh bắt cá và vận tải biển ở Bắc Cực, tạo động lực cho hợp tác Nga-Trung trong việc sử dụng Tuyến đường biển Bắc cho các mục đích thương mại. Điều đó thậm chí có thể thay đổi cấu trúc hiện tại của các tuyến vận tải biển quốc tế, từ đó cả Nga và Trung Quốc đều được hưởng lợi.

Nga là một quốc gia Bắc Cực, còn Trung Quốc tự định vị mình là một “quốc gia cận Bắc Cực.” Moskva có những lo ngại nhất định về hoạt động của Bắc Kinh ở Bắc Cực. Tuy nhiên, Trung Quốc không gây ra các mối đe dọa đối với những lợi ích của Nga, kể cả trong lĩnh vực an ninh quân sự và tranh chấp lãnh thổ. Đây chính là lý do tại sao việc tăng cường hoạt động của Trung Quốc ở Bắc Cực thực sự không mâu thuẫn với những lợi ích cơ bản của Nga.

An ninh chiến lược và hợp tác quân sự chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược trên biển giữa Nga và Trung Quốc, được minh chứng rõ ràng qua sự hợp tác trong lĩnh vực quân sự giữa hai nước.

Cả Nga và Trung Quốc đều đối mặt với các mối đe dọa an ninh nghiêm trọng từ biển, trong đó có một số mối đe dọa đến từ cùng một nguồn. Dựa trên xu hướng hiện tại, những mối đe dọa này sẽ lâu dài và ngày càng gia tăng. Hợp tác hải quân giữa Nga và Trung Quốc có thể củng cố khả năng phòng thủ của hai nước và đảm bảo an ninh hiệu quả hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục