Quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Chỉ định nghĩa thì chưa khả thi

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một trong những nội dung nếu không được quy định chi tiết sẽ dẫn đến không khả thi trong thực hiện pháp luật.
Quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Chỉ định nghĩa thì chưa khả thi ảnh 1Trích Bộ Quy tắc ứng xử về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Luật Lao động 2012 nghiêm cấm quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhưng trong quy định lại chưa có định nghĩa cụ thể hay các biện pháp xử phạt khiến việc thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn. Dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi đang điều chỉnh để quy định chi tiết hơn về vấn đề này.

[Bộ luật Lao động (sửa đổi) - sáu vấn đề cần được thảo luận tiếp]

Đây là nhận định được đưa ra tại hội thảo góp ý dự thảo Bộ Luật Lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 15/5 tại Hà Nội.

78,2% nạn nhân là nữ giới

Quấy rối tình dục là một trong những điều tồi tệ nhất mà một người lao động gặp phải, nó không chỉ ảnh hưởng xấu tới tinh thần và thể chất của người lao động mà còn ảnh hưởng tới công việc, suy giảm năng suất lao động, khiến môi trường làm việc trở nên thù địch. Theo các công ước quốc tế, quấy rối tình dục là một hình thức phân biệt đối xử tại nơi làm việc.

Theo Báo cáo nghiên cứu về quấy rối tình dục tại nơi làm việc ở Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện với sự giúp đỡ của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho thấy, chiếm phần lớn các nạn nhân bị quấy rối tình dục ở Việt Nam là nữ giới (78,2%) và độ tuổi của các nạn nhân này từ 18 đến 30.

Ở Việt Nam, quấy rối tình dục tại nơi làm việc và trong xã hội được nhìn nhận như một vấn đề nhạy cảm, khó nói nên có rất ít thông tin để chia sẻ. Tuy nhiên trên thực tế, những hình thức thể hiện của hành vi này lại vô cùng phong phú, có thể được biểu thị dưới dạng hành động, cử chỉ, lời nói khiến cho nạn nhân bức xúc.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Việt Nam có tỷ lệ lao động nữ cao, có những nghề gần như nữ chiếm tuyệt đối, số đông như da giầy, dệt may, điện tử. Trong thực tế, chắc chắn có hiện tượng, tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc, nhưng hiện nay các pháp luật quy định về vấn đề này cũng chưa rõ ràng. Sửa đổi Bộ Luật lao động là cơ hội hoàn thiện các quy định pháp luật về vấn đề này.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)  cho biết, dự thảo Bộ Luật Lao động định nghĩa: “Quấy rối tình dục là tất cả các hành vi có bản chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.”

“Trong dự thảo lần này có 8 nội dung quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, trong đó có 5 nội dung quy định hoàn toàn mới,” ông Nguyễn Văn Bình cho hay.

Trong dự thảo, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi bị nghiêm cấm. Nội quy lao động bắt buộc phải quy định nội dung về phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Người lao động khi bị quấy rối tình dục có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước. Hành vi quấy rối tình dục có thể bị kỷ luật sa thải...

Còn nhiều băn khoăn

Ghi nhận những thay đổi trong các quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia độc lập cho rằng, nếu chỉ quy định như bản dự thảo thì không đủ để đảm bảo tính khả thi và hợp lý trong triển khai thực hiện các quy định.

Quấy rối tình dục tại nơi làm việc: Chỉ định nghĩa thì chưa khả thi ảnh 2(Ảnh minh họa: TTXVN)

Để đảm bảo tính khả thi của quy định cần có thêm những điều khoản bổ sung hoặc Chính phủ hướng dẫn chi tiết quy trình, thủ tục xử lý và giải quyết quấy rối tình dục tại nơi làm việc, những biện pháp khắc phục và trừng phạt đối với quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tiến sỹ Đỗ Ngân Bình, Phó Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật (Đại học Luật Hà Nội nhấn mạnh, có định nghĩa về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc nhưng chưa có dấu hiệu nhận diện hành vi rõ ràng.

“Việc chứng minh hành vi quấy rối tình dục đã khó, việc xử lý càng khó hơn. Quấy rối tình dục thường là chỉ hai người, có thể tại nơi làm việc, cũng có thể xảy ra trên đường đi công tác, đi làm, thậm chí trong các hoạt động tập thể của doanh nghiệp… Trong luật chỉ quy định ‘tại nơi làm việc’ sẽ cũng không bao quát được hết,” bà Đỗ Ngân Bình băn khoăn.

Đại diện công đoàn ngành dệt may Việt Nam cũng đồng tình cho rằng hiện nay đang rất vướng mắc trong khiếu nại, tố cáo hành vi quấy rối tình dục, bởi người bị quấy rối không chứng minh được mình bị quấy rối. Nếu quấy rối bằng tin nhắn thì có bằng chứng, nhưng chỉ hai người thì liệu tố cáo làm sao, không khéo sẽ lại bị quy thành vu cáo.

Từ thực tế các quy định đang gặp nhiều vướng mắc khi thực thi, tiến sỹ Đỗ Ngân Bình nhấn mạnh cần bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi cho người lao động bị quấy rối tình dục và người tố giác hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Các dấu hiệu hành vi quấy rối, phạm vi nơi làm việc cũng cần được quy đị rõ ràng, cụ thể./.

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng góp ý về định nghĩa quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong dự thảo Bộ Luật Lao động: 

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục