Quy trình cấp ‘hộ chiếu vaccine’ cho người dân từ ngày 15/4

Chỉ với ba bước thực hiện từ các cơ sở tiêm chủng, hệ thống quản lý, người dân sẽ được cấp ‘hộ chiếu vaccine’ từ 15/4. Trước đó, các địa phương sẽ xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số từ 8/4.
‘Hộ chiếu vaccine’ cho người dân Việt Nam sẽ được cấp từ ngày 15/4. (Ảnh minh họa: CTV)
‘Hộ chiếu vaccine’ cho người dân Việt Nam sẽ được cấp từ ngày 15/4. (Ảnh minh họa: CTV)

Bộ Y tế bắt đầu cấp “hộ chiếu vaccine” cho người dân từ ngày 15/4 nếu các cá nhân có đủ thông tin tiêm chủng, đủ mũi tiêm, ngoài ra không cần thực hiện thêm thủ tục gì khác.

Theo đó, “hộ chiếu vaccine” sử dụng kết hợp với giấy tờ định danh khác như căn cước công dân, hộ chiếu... Các thông tin định danh không được đóng gói trong mã QR nhằm bảo mật, tránh sai sót lộ, lọt thông tin cá nhân. Mã QR này sẽ hết hạn sau 12 tháng kể từ ngày khởi tạo (khi mã hết hạn, người dân sẽ được thông báo và tự động khởi tạo mã QR mới để sử dụng).

[Anh hỗ trợ VN liên kết dữ liệu tiêm chủng quốc gia theo chuẩn của WHO]

Thông tin từ Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Y tế, quy trình cấp “hộ chiếu vaccine” gồm 3 bước: 

Bước 1: Các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh và xác thực thông tin người dân tiêm chủng trên nền tảng tiêm chủng.

Bước 2: Sau khi các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác thực thông tin người dân tiêm chủng chính xác thì sẽ ký số để xác nhận thông tin người dân tiêm chủng. Sau đó, dữ liệu sẽ được đưa về hệ thống quản lý cấp chứng nhận “hộ chiếu vaccine.”

Bước 3: Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) chịu trách nhiệm ký số tập trung để cấp “hộ chiếu vaccine.”

Quy trình cấp ‘hộ chiếu vaccine’ cho người dân từ ngày 15/4 ảnh 1Mẫu hộ chiếu vaccine hiển thị trên ứng dụng PC Covid-19. (Ảnh: Bộ Y tế)

Người dân nhận “hộ chiếu vaccine,” hiển thị trên ứng dụng PC-Covid hoặc Sổ Sức khỏe điện tử. Trường hợp không sử dụng hai ứng dụng trên, người dân có thể tra trên trang web của Bộ Y tế bằng cách nhập 4 thông tin: họ tên, ngày sinh, giới tính, căn cước công dân, ngày tiêm gần nhất, sau đó khai báo email cá nhân để nhận hộ chiếu (trang web tra cứu dự kiến ra mắt trong tuần này).

Các địa phương sẽ xác nhận thông tin tiêm chủng bằng chữ ký số từ ngày 8/4 và đây là điều kiện bắt buộc để được cấp “hộ chiếu vaccine.” Lưu ý, cơ sở nào nhập dữ liệu mũi tiêm sẽ chịu trách nhiệm ký duyệt thông tin tiêm chủng.

Đối với những người dân chưa được cấp “hộ chiếu vaccine” do thiếu hoặc sai thông tin, cần phản ánh trên Cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 (tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn), hoặc liên hệ trực tiếp cơ sở tiêm chủng để được bổ sung, chỉnh sửa.

Biểu mẫu “hộ chiếu vaccine” đã được Bộ Y tế ban hành từ tháng 12/2021, có 11 trường thông tin, gồm họ tên, ngày tháng năm sinh, bệnh dịch, số mũi tiêm, ngày tiêm, liều số, sản phẩm vaccine... Các thông tin được đóng gói dưới dạng mã QR định dạng 2D.

Quy trình cấp ‘hộ chiếu vaccine’ cho người dân từ ngày 15/4 ảnh 2Với 'hộ chiếu vaccine' được cấp, người dân Việt Nam có thêm cơ hội du lịch quốc tế. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Trước đó, Bộ Y tế đã thí điểm cấp “hộ chiếu vaccine” cho những người đã tiêm vaccine COVID-19 tại ba bệnh viện tuyến trung ương gồm E, K và Bạch Mai (Hà Nội).

Tính đến 4/4, Bệnh viện Bạch Mai đã chứng nhận cho 2.013 hồ sơ (tương đương khoảng 6.000 mũi tiêm). Thành phố Hồ Chí Minh thí điểm cấp “hộ chiếu vaccine” cho người đã tiêm tại Bệnh viện đa khoa Gia An 115, tính đến ngày 2/4 chứng nhận cho 425 hồ sơ.

Thống kê từ Cổng thông tin tiêm chủng vaccine COVID-19, đến ngày 1/4 cả nước đã tiêm hơn 200 triệu liều, trong đó 100% người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi một, 99% tiêm mũi hai, khoảng 50% đã tiêm mũi ba. Đối với người từ 12-17 tuổi, 99% tiêm mũi một và mũi hai là 94%.

Tuy nhiên, theo số liệu từ Bộ Công an, nền tảng quản lý tiêm chủng ghi nhận khoảng 42 triệu mũi tiêm chưa nhập hoặc thiếu thông tin cơ bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục