Ra mắt nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt sử dụng AI

VAIS và VBee là hai công nghệ lõi trong nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo tiên phong tại Việt Nam được Bộ Thông tin và Truyền thông giới thiệu.
Ra mắt nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt sử dụng AI ảnh 1(Ảnh: PV/Vietnam+)

Chiều 19/6, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Lễ ra mắt nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo VAIS và Vbee.

Đây là hai công nghệ lõi trong nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) tiên phong tại Việt Nam.

Theo đại diện của VAIS, đây là nền tảng công nghệ lõi chuyển giọng nói tiếng Việt thành văn bản (Speech To Text) với những đặc trưng như: Nhận dạng được đầy đủ  giọng nói cả 3 miền Bắc, Trung, Nam có độ chính xác lên đến 95%; Chuyển đổi giọng nói tiếng Việt thành văn bản tức thì; Nhận dạng tốt trong môi trường nhiễu và ở khoảng cách xa. Đặc biệt, nền tảng này có tính năng chuẩn hóa văn bản đầu ra: tên riêng, ngày, tháng, số…, hỗ trợ nhiều loại định dạng âm thanh đầu vào.

Trong khi đó, Vbee lại là nền tảng công nghệ lõi về giọng nói nhân tạo Việt có cảm xúc (chuyển đổi văn bản thành giọng nói trí tuệ nhân tạo tiếng Việt có cảm xúc - Text To Speech) tại Việt Nam.

Công nghệ Vbee sở hữu những đặc trưng như: Học theo bất kỳ giọng của một người nào đó trong vòng 4 giờ đồng hồ với độ tương tự trên 95%. Giọng nói Vbee đa dạng vùng miền (Bắc, Trung, Nam...), giới tính và độ tuổi. Công nghệ giọng nói nhân tạo Vbee cũng có thể dự đoán cách đọc, các từ viết tắt, từ vay mượn, các từ ngữ đặc trưng của tiếng Việt mà các giải pháp nước ngoài không thể.

Vbee xây dựng thành công nền tảng Vbee cloud (https://www.vbee.vn), cho phép người sử dụng, doanh nghiệp, lập trình viên có thể sử dụng trực tiếp hoặc qua tích hợp (API) một cách dễ dàng và thuận tiện.

Công nghệ này cũng đã đóng gói thành công cho các giải pháp toàn diện trong các lĩnh vực sử dụng giọng nói nhân tạo của Vbee như: giải pháp về nội dung nhân tạo (sách nói, báo nói, lồng tiếng phim tự động, thu âm tự động…), giải pháp về tổng đài nhân tạo (vận tải, tài chính, thương mại điện tử…), giải pháp nhà thông minh (giao tiếp với thiết bị qua ngôn ngữ), giải pháp chatbot chăm sóc, tư vấn khách hàng.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng nhấn mạnh cả VAIS và Vbee đều đứng trước thị trường rộng lớn với hơn 96 triệu dân, 700.000 doanh nghiệp, 126 triệu thuê bao điện thoại di động, tỷ lệ người sử dụng internet đạt 68,7% (số liệu thống kê năm 2019). Ngoài ra, nền tảng chuyển đổi tiếng nói tiếng Việt thành văn bản VAIS cũng có tiềm năng lớn với khối cơ quan nhà nước với 22 Bộ, cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan thuộc Chính phủ, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm toàn bộ các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp các cấp.

“Tôi tin tưởng rằng với năng lực sáng tạo của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và tiềm năng to lớn của thị trường trong nước, sẽ có ngày càng nhiều các nền tảng số tham gia Chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số trong chính phủ, kinh tế và xã hội,” Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng khẳng định.

[COVID-19 thúc đẩy nhanh, mạnh hơn quá trình chuyển đổi số của thế giới]

Nền tảng công nghệ xử lý giọng nói tiếng Việt ứng dụng trí tuệ nhân tạo VAIS và Vbee cũng là 2 nền tảng số Make in Việt Nam tiếp theo được Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn giới thiệu và bảo trợ về truyền thông trong khuôn khổ Chương trình Chuyển đổi số quốc gia./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục