Chiều 4/10, tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ bên hồ Hoàn Kiếm, Liên hoan múa rồng Hà Nội lần thứ tư năm 2014 đã diễn ra tưng bừng nhằm chào mừng 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô và 15 năm Hà Nội được UNESCO công nhận Thành phố Vì hòa bình.
Tham gia sự kiện có 25 đội múa rồng đại diện cho các đội múa rồng của các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố. Theo đánh giá của Ban tổ chức, Liên hoan múa rồng năm nay có quy mô lớn, được các địa phương đầu tư công phu về hình ảnh rồng, nhân lực, kỹ thuật múa. Ngoài những đôi rồng đẹp, các đội còn mang tới một số linh vật khác để màn múa thêm phần hấp dẫn. Trước khi đến với Liên hoan, các đội đều tập luyện kỹ càng, công phu, tuân thủ nguyên tắc múa truyền thống.
Liên hoan bắt đầu từ 13 giờ 30, dù thời tiết oi nắng nhưng khí thế, tinh thần của các đội múa rồng rất hăng say, nhiệt tình. Trên đường Đinh Tiên Hoàng và khu vực tượng đài Lý Thái Tổ rực rỡ sắc màu đỏ, vàng của rồng và trang phục của người múa.
Ông Trần Văn Ngọc, Đội trưởng đội múa rồng huyện Mỹ Đức, phấn khởi nói đội ông mang hết tâm huyết tập luyện. 40 thành viên trong đội đều ở Chi hội người cao tuổi của huyện và một số anh em yêu thích múa rồng khác.
Trong gần 5 giờ đồng hồ diễn ra Liên hoan, các đội đã trình diễn nhiều điệu múa đẹp mắt, tạo dáng rồng chầu, rồng cuốn, rồng uốn lượn trên không trung. Không những tạo dáng uyển chuyển, các động tác được thực hiện dứt khoát, tạo sự mạnh mẽ, oai phong cho linh vật rồng. Trong khi biểu diễn, các đội còn hô vang khiến không khí thêm phần náo nhiệt, sôi động.
Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, khẳng định Liên hoan múa rồng mang ý nghĩa quan trọng vì từ trước đến nay người Hà Nội luôn tôn vinh nét đẹp của rồng. Thăng Long là mảnh đất rồng bay, đồng thời rồng cũng là linh vật được người Việt trân trọng, thể hiện khí phách của dân tộc, sự phồn thịnh trong cuộc sống, nét đẹp truyền thống văn hóa Việt Nam. Liên hoan được duy trì nhiều năm nay, Hà Nội sẽ tiếp tục bảo tồn, phát triển để trở thành hoạt động văn hóa thường niên, giàu ý nghĩa.
Với màn trình diễn đẹp mắt, đặc sắc chuyển tải ý nghĩa đất Thăng Long là nơi rồng hội tụ, bay lên, đội múa rồng huyện Chương Mỹ đoạt giải nhất. Ba giải nhì thuộc về huyện Phúc Thọ, huyện Gia Lâm và quận Nam Từ Liêm. Ban tổ chức cũng trao 10 giải ba, 11 giải khuyến khích cho các đội còn lại cùng bốn giải phụ khác.
Sau lễ trao giải, các đội múa rồng đã diễu hành một vòng quanh hồ Hoàn Kiếm./.