Trong kỳ thi đại học năm nay, những màu áo xanh tình nguyện có mặt khắp nơi, tại mọi điểm thi, ngã ba đường, bến xe, các ký túc xá, nhà trọ, cổng trường thi... Gia đình các sỹ tử đều được các sinh viên tình nguyện giúp đỡ một cách chủ động và nhiệt tình với nụ cười luôn nở trên môi. Thế nhưng, đằng sau sau nụ cười ấy là cả sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ trong suốt gần nửa tháng qua. Ốm vẫn ham tình nguyện Thực hiện đúng tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên,” khi kỳ thi chưa bắt đầu các sinh viên tình nguyện đã ra quân. Để có được hàng chục nghìn nhà trọ giá rẻ, hàng nghìn bữa cơm miễn phí cho các sỹ tử, những chiếc áo xanh phải cặm cụi hàng ngày đội nắng, đội mưa đi liên hệ và lên danh sách thông báo đến từng gia đình. Chia sẻ những kỉ niệm trong đợt đầu ra quân, Kiều Thị Vân Anh, sinh viên năm nhất Khoa Quản lý văn hóa tư tưởng, Học viện Báo chí tuyên truyền, cụm trưởng cụm tình nguyện 2, cho biết, đội tình nguyện của trường năm nay có sự tham gia của gần 50 thành viên, tiếp sức tại 5 điểm thi, ký túc xá và 3 bến xe (Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm). Vất vả nhất là các tình nguyện viên hoạt động những ngày đầu tiên tại bến xe dưới thời tiết nắng nóng, các bạn đứng phơi mình ngoài trời, chạy đi chạy lại liên tục để hỗ trợ thí sinh lên Hà Nội dự thi. Chỉ riêng hai ngày có mặt tại bến xe, các bạn tại điểm này hầu hết khản đặc giọng, không nói thành tiếng. Có hai thành viên bị cảm nắng, đội phải yêu cầu mãi các bạn mới về nghỉ. Nhưng ngay ngày hôm sau, cả đội đã thấy các bạn lò dò đến. Vân Anh nhớ nhất là hôm trực ở bến Giáp Bát. Có một phụ huynh người Nghệ An khoảng 60 tuổi bị lạc mất con, hớt hơ hớt hải chạy đến nhờ các bạn tình nguyện tìm con mình. Khó nỗi, hỏi gì bác cũng không biết, từ số điện thoại của con đến màu quần áo... Tay run bần bật vì lo lắng, bác gọi về nhà thì người nhà lại không nghe máy. “Đội ở điểm trực hôm ấy phải chia làm hai cánh, một cánh tiếp tục tiếp sức tại chỗ phối hợp quan sát, một cánh tỏa đi tìm bạn bị lạc. Cả đội mất gần một tiếng đồng hồ mới có thể tìm thấy bạn ấy nhờ sáng kiến viết bảng treo tìm kiếm giữa biển người,” Vân Anh kể.
Sinh viên tình nguyện cõng thí sinh bị khuyết tật đến phòng thi. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Hoạt động tình nguyện diễn ra ở mọi lúc, mọi nơi. Nguyễn Hồng Phong, đến từ Hải Dương, sinh viên tình nguyện Học viện Ngân hàng, vẫn nhớ hôm đi họp chuẩn bị cho đợt tiếp sức mùa thi về, Phong tình cờ gặp hai bố con lỉnh kỉnh đồ đạc từ Nam Định lên dự thi. Vội đỗ xe, thăm hỏi và được biết hai bố con chưa có chỗ ở, Phong đã nhanh chóng liên lạc và tìm chỗ trọ giá rẻ cho cả hai bố con. Nhận được không ngớt những lời cảm ơn, chàng sinh viên trẻ tuổi cảm thấy rất vui và như được tiếp thêm động lực để giúp đỡ nhiều thí sinh hơn nữa. Lo chỗ ăn, chỗ ngủ cho sỹ tử nhưng những bữa ăn vội vã với mẩu bánh mì, hay những chai nước uống cầm hơi lại là điều quá quen thuộc với các sinh viên tình nguyện tiếp sức mùa thi. “Ăn uống thất thường, trời thì nắng như đổ lửa, nhiều khi không hiểu mình lấy sức ở đâu ra dù chân đã mỏi rã rời. Nhưng ở nhà thì nóng ruột vô cùng bởi công việc tiếp sức đang dang dở,” Phong chia sẻ. Căng hơn cả đi thi Từng lều chõng đi thi, thấu hiểu những khó khăn vất vả của các bậc phụ huynh cùng sỹ tử nên Phong cũng như các bạn trong đội tình nguyện luôn căng hết sức mình để giúp thí sinh vơi được phần nào khó khăn, để các em tập trung tốt nhất cho những buổi thi. “Chúng em có mặt và túc trực suốt từ 5 giờ 30 sáng cho đến hết ngày, khi các thí sinh hoàn thành đợt thi thì lúc đó chúng em mới về đội họp và tiếp tục công tác chuẩn bị hỗ trợ những buổi tới,” Phong chia sẻ.
Đội tình nguyện luôn túc trực ở cổng trường, hướng dẫn thí sinh vào trường,
nhận đăng ký chỗ trọ và suất cơm miễn phí. (Ảnh: PV/Vietnam+)
nhận đăng ký chỗ trọ và suất cơm miễn phí. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Giống như Hồng Phong, Vân Anh cho biết, công tác chuẩn bị phòng thi trước mỗi buổi thi đều do các bạn sinh viên tình nguyện thực hiện. Từ việc dán danh sách thí sinh, kiểm tra kỹ lưỡng cơ sở vật chất mỗi phòng thi (điện, quạt, đèn, bàn ghế...) nhằm đảm bảo cho các bạn thí sinh có điều kiện thi tốt nhất. Các tình nguyện viên vòng trong phụ trách trông giữ đồ đạc, cặp sách cho các thí sinh. Các bạn vòng ngoài thì chăm sóc phụ huynh, chia sẻ với các bậc cha mẹ sự sốt ruột lo lắng, làm vơi bớt thời gian chờ đợi bằng những câu chuyện và những bài hát nho nhỏ. Bám sát từng diễn biến của ngày thi, khi tan thi, đội trong thì tíu tít trả đồ sao cho nhanh, cho đúng do lượng thí sinh ồ ạt đổ ra, đội ngoài thì nắm chặt tay nhau tạo thành vòng an toàn cho thí sinh rời khỏi trường đồng thời phân làn giao thông tránh ách tắc. Nhờ vậy, ở mọi điểm thi năm nay không có bất cứ sự lộn xộn nào xảy ra, gia đình thí sinh cùng các em an toàn, thoải mái hoàn thành kỳ thi của mình. Những điểm sáng trong đợt thi đại học vừa qua là hàng nghìn chỗ ở, suất cơm, chai nước, lượt xe ôm miễn phí, hàng chục ngàn nhà trọ giá rẻ và gần 52.000 thí sinh được tiếp sức. Kết thúc kỳ thi đại học, những đóng góp của các đội tình nguyện không tính bằng vật chất mà bằng những động viên tinh thần vô cùng ý nghĩa. Điều đó thể hiện một thế hệ đầy trách nhiệm với xã hội, mang tinh thần tương thân tương ái./.
Nhóm PV (Vietnam+)