Số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM tăng cao, Bình Dương xin chi viện

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 18 giờ 30 ngày 29/6 đến 18 giờ 30 ngày 30/6, Việt Nam ghi nhận thêm 450 ca mắc mới, 420/450 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc phong tỏa.
Số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM tăng cao, Bình Dương xin chi viện ảnh 1Sinh viên y khoa chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại khu vực phường 3, Quận 3. (Ảnh: Hồng Giang/TTXVN)

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 18 giờ 30 ngày 29/6 đến 18 giờ 30 ngày 30/6, Việt Nam ghi nhận thêm 450 ca mắc mới.

Trong số này có 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 441 ca trong nước, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh có số ca mắc lớn nhất là 249 ca, Bình Dương 81 ca, Phú Yên 27 ca, Bắc Giang 13 ca, Đồng Nai 12 ca, Quảng Ngãi 10 ca, Hưng Yên 9 ca, Nghệ An và Bắc Ninh 8 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu 6 ca, Đồng Tháp 5 ca, Bình Định và An Giang 4 ca; Đà Nẵng 2 ca; Long An, Hải Phòng và Bắc Kạn 1 ca.

420/450 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Tính đến 18 giờ 30 ngày 30/6, Việt Nam đã có tổng cộng 15.065 ca ghi nhận trong nước và 1.798 ca nhập cảnh. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính từ ngày 27/4 đến nay là 13.495 ca, trong đó có 4.066 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Cả nước có 14 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng: Yên Bái, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bạc Liêu, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nam.

10 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Nam Định, Quảng Nam, Trà Vinh, Bắc Kạn, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đắk Lắk.

Trong ngày, 76 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh nâng số ca mắc COVID-19 được công bố khỏi bệnh ở Việt Nam lên 6.840 ca; 81 ca tử vong do liên quan đến COVID-19.

Cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương

Liên quan đến áp dụng cách ly tại nhà đối với các trường hợp F1, chiều 30/6, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, trong thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F1 tại nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y tế sẽ xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương, việc cách ly trường hợp F1 tại nhà có một số thuận lợi cho địa phương cũng như cho chính người cách ly, trong đó có việc giảm tải cho các khu vực cách ly tập trung của địa phương. Việc cách ly đối với trường hợp F1 tại nhà phải đáp ứng điều kiện đã đề ra như trong điều kiện nhà riêng, có phòng và khu vệ sinh khép kín.

[Dự kiến từ 10/7, Bắc Ninh, Bắc Giang về trạng thái “bình thường mới”]

Hiện, các quy định về điều kiện cách ly trường hợp F1 tại nhà đã được Bộ Y tế hướng dẫn đầy đủ. Theo đó, trường hợp F1 sẽ cách ly tại nhà trong điều kiện nhà riêng, có phòng và khu vệ sinh khép kín.

Trong thời gian cách ly, trường hợp F1 phải tuân thủ 5K, cập nhật sức khỏe thường xuyên, không tiếp xúc với người trong nhà (trừ trường hợp trẻ nhỏ và người già cần người chăm sóc), không dùng điều hòa trung tâm, thường xuyên lau khử khuẩn trong phòng…

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người thuộc trường hợp F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào thời điểm ngày thứ nhất, ngày thứ 7, 14, 20 và 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Bên cạnh đó, việc cách ly tại nhà cũng có một số khó khăn như hiện đã xuất hiện biến chủng virus mới, có cả các đặc tính biến chủng được phát hiện tại Ấn Độ và Anh có khả năng lây lan nhanh nên nguy cơ lây nhiễm cao. Do đó, nếu người cách ly không tuân thủ nghiêm các quy định phòng, chống dịch sẽ làm lây lan cho người ở cùng và lây lan ra cộng đồng.

Số ca mắc COVID-19 tại TP.HCM tăng cao, Bình Dương xin chi viện ảnh 2Công nhân của Công ty TNHH Gỗ Kỹ nghệ WANEK 2 (phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) đang nằm nghỉ trong khu vực phong toả của Công ty. Ảnh: TTXVN phát

Mặt khác, việc cách ly trường hợp F1 tại nhà cần sự giám sát rất chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp F1 không ở tập trung một nơi mà rải rác nhiều nơi trên địa bàn nên cần phải bố trí nhiều cán bộ y tế, cán bộ chính quyền địa phương hơn để theo dõi, giám sát chặt chẽ đảm bảo không lây lan ra cộng đồng.

Địa phương cần đặc biệt lưu ý ở khâu giám sát, nếu không đủ người và không giám sát chặt chẽ, người cách ly không tuân thủ quy định tự ý ra khỏi nhà và tiếp xúc với người khác trong quá trình cách ly, nguy cơ lây nhiễm rất cao, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thị Liên Hương lưu ý.

Chi trả xét nghiệm SARS-CoV-2 từ nguồn kinh phí nào?

Bộ Y tế vừa ban hành Công văn hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả xét nghiệm SARS-CoV-2 khi tăng cường xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh. Theo đó, chi phí xét nghiệm COVID-19 được chi trả dựa trên 2 nguồn, gồm quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước.

5 nhóm người thuộc diện áp dụng gồm: Bệnh nhân nội trú; Người bệnh ngoại trú thực hiện xét nghiệm sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú; Cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở khám chữa bệnh; Người chăm sóc bệnh nhân (tối đa không quá 2 người luân phiên) nếu được cơ sở y tế đồng ý cho ở lại; Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định nhưng thuộc các nhóm nêu trên.

Phạm vi áp dụng là các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, bao gồm cả bệnh viện dã chiến và cơ sở tiếp nhận, điều trị ban đầu COVID-19.

Các nhóm trên khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám chữa bệnh được chi trả dựa trên hai nguồn kinh phí, gồm quỹ bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước. Cụ thể, quỹ bảo hiểm y tế chi trả với các đối tượng trong 5 nhóm trên với người có thẻ bảo hiểm y tế khi đi khám chữa bệnh tại cơ sở theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của trường hợp được bệnh viện chỉ định xét nghiệm.

Những người thuộc nhóm trên nhưng không có thẻ bảo hiểm y tế hoặc có thẻ bảo hiểm y tế không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế và phần cùng chi trả (nếu có) của người bệnh, kinh phí sẽ do ngân sách nhà nước chi trả.

Chi viện Bình Dương chống dịch

Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Bình Dương, tính đến 10 giờ ngày 30/6, tỉnh ghi nhận thêm 81 ca mắc COVID-19 là công nhân Công ty Trách nhiệm hữu hạn Gỗ Kỹ nghệ WANEK 2 (phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một). Tất cả các ca mắc mới nằm trong khu vực phong tỏa của Công ty.

Ngành Y tế Bình Dương nhận định, số ca mắc ở tỉnh tăng rất nhanh ở mức báo động, từ cấp độ 2 nhanh chóng chuyển sang cấp độ 4 (trên 100 ca) và đã vượt cấp độ 5 (300 ca). Do đó, cần có biện pháp cao hơn, tập trung hơn nữa nguồn lực kịp thời chống dịch

Đáng ngại là số ca bệnh đã xâm nhập vào nhiều công ty, lây lan ra các khu nhà trọ công nhân và lan sang các công ty khác do đó rất khó kiểm soát và có thể tăng cao trong thời gian tới nếu không ngăn chặn kịp thời. 

Trước nguy cơ bùng phát dịch diện rộng trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn đề nghị Bộ Y tế và Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, khẩn trương chi viện cho Bình Dương trong thời gian sớm nhất.

Theo đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Y tế xem xét cử chuyên gia về điều tra dịch tễ, truy vết và xử lý dịch; chi viện lực lượng cán bộ y tế lấy mẫu xét nghiệm, bác sỹ, điều dưỡng điều trị bệnh nhân COVID-19; hỗ trợ xét nghiệm nhanh, xét nghiệm RT-PCR phục vụ công tác xét nghiệm COVID-19, các phương tiện phòng hộ khác như: khẩu trang, đồ bảo hộ, găng tay, nước sát khuẩn...

Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh xem xét cử chuyên gia về điều tra dịch tễ, truy vết và xử lý dịch; hỗ trợ công tác lấy mẫu và xét nghiệm RT-PCR./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục