Sớm thiết lập khu neo đậu vào các bến cảng trên sông Soài Rạp

Hiện tại, khu nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh chưa có các khu neo đậu đáp ứng cho các tàu có trọng tải lớn, neo đậu chờ đợi qua luồng, chờ đợi vào các bến cảng.
Sớm thiết lập khu neo đậu vào các bến cảng trên sông Soài Rạp ảnh 1Đón chuyến hàng của hãng tàu SITC cập vào Cảng Tân cảng Hiệp Phước. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vừa có công văn đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam ủng hộ chủ trương nạo vét, thiết lập các khu neo đậu, chờ đợi cho tàu vào các cảng, bến trên sông Soài Rạp theo hình thức xã hội hóa, tận thu sản phẩm bù chi phí.

Thành phố đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam căn cứ vào tình hình khai thác hàng hải trên tuyến luồng Soài Rạp từ nay đến năm 2030, các điểm neo đậu, tránh trú bão, các bến phao, khu giảm tải đã được thiết lập trên luồng, tình hình xây dựng, khai thác hệ thống cảng biển và chuẩn tắc luồng Soài Rạp để làm cơ sở xem xét, đánh giá xác định vị trí, quy mô quyết định việc tiếp tục triển khai thực hiện dự án.

Liên quan đến vấn đề này, đại diện của Công ty cổ phần đầu tư khai thác Cảng, chủ đầu tư dự án cho biết, giai đoạn 2 của dự án được thực hiện từ năm 2020-2024, tiếp tục nạo vét tại địa điểm nêu trên để đáp ứng cho tàu có trọng tải 50.000 tấn đầy tải và tàu có trọng tải 70.000 tấn vơi tải neo đậu.

Hiện tại, khu nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh chưa có các khu neo đậu đáp ứng cho các tàu có trọng tải lớn, neo đậu chờ đợi qua luồng, chờ đợi vào các bến cảng. Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh phải phối hợp với Cảng vụ  Hàng hải Vũng Tàu bố trí neo đậu tàu tại các khu nước cảng biển Vũng Tàu.

“Khi luồng Soài Rạp được quan tâm đầu tư, lượng tàu qua luồng này sẽ gia tăng nhanh chóng đồng thời hỗ trợ khai thác cho luồng Soài Rạp, nâng cao khả năng đón tàu cho luồng cũng như các bến cảng khu vực sông Soài Rạp và nâng cao an toàn hàng hải cho khu nước cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh,” lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh cho hay.

[Gỡ nỗi lo về kinh phí khi xã hội hóa nạo vét tuyến luồng hàng hải]

Theo báo cáo tư vấn độc lập của Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Cảng-đường thủy, việc nạo vét bãi cạn phía Nam của luồng Soài Rạp sẽ góp phần giảm được khối lượng bùn cát sa bồi vào luồng Soài Rạp dẫn tới giảm kinh phí nạo vét duy tu luồng Soài Rạp hàng năm, ngăn chặn giảm thiểu tình trạng khai thác cát trái phép.

Dự án được triển khai còn là cơ sở để quản lý các đơn vị thi công có đăng ký cấp phép hoạt động, mang lại chất lượng thi công đảm bảo kỹ thuật môi trường an toàn hàng hải và không làm thất thoát các khoản thu thuế, phí của Nhà nước đồng thời sẽ tận thu được vật liệu nạo vét để làm vật liệu san lấp mặt bằng cho các công trình xây dựng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang và các tỉnh lân cận khác.

“Việc thực hiện xã hội hóa nạo vét luồng hàng hải kết hợp tận thu sản phẩm, không sử dụng ngân sách sẽ mang lại nhiều hiệu quả cho nguồn thu ngân sách, giải quyết được hài hòa lợi ích kinh tế giữa Nhà nước, nhà đầu tư và doanh nghiệp vận tải thụ hưởng,” lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam nhận định.

Ngoài ra, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh còn đồng ý chủ trương triển khai dự án xã hội hoá nạo vét khu neo đậu tránh trú bão trên sông Gò Gia, đoạn từ tim sông Tắc Ông Cu cắt sông Gò Gia về phía thượng lưu (tới lý trình 9,5km) theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không dùng ngân sách của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thành Hồng Phát làm chủ đầu tư.

Đối với dự án xã hội hoá khác là nạo vét, duy tu, nâng cấp luồng sông Đồng Tranh và tuyến luồng Tắc Ông Cu-Tắc Bài đến sông Gò Gia theo hình thức tận thu sản phẩm bù chi phí, không dùng ngân sách đã triển khai thi công nạo vét từ năm 2016, tuy nhiên, khu vực thi công có dấu hiệu sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ. Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp các sở, ngành và các đơn vị liên quan đánh giá, xác định nguyên nhân sạt lở, xâm thực đất rừng phòng hộ Cần Giờ để làm cơ sở xem xét tiếp tục triển khai dự án./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục